Phát triển du lịch Thủ đô từ bảo tồn giá trị di tích lịch sử

17/08/2022

Với hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, phong phú và đặc sắc đưa Hà Nội trở thành trung tâm văn hóa lớn. Đây cũng chính là một trong những lợi thế để Thủ đô phát triển du lịch bền vững, nhất là du lịch văn hóa. Cùng với đó, nhiều thách thức cho công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị đang được đặt ra.

Hiện nay, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng di tích trên địa bàn với 5.922 di tích được kiểm kê. Trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 21 cụm di tích quốc gia đặc biệt, 1.160 di tích quốc gia, 1.456 di tích cấp Thành phố.

Còn nhiều thách thức

Chính sự đa dạng, phong phú về loại hình, giàu có về giá trị đã trở thành nguồn tài nguyên nhân văn để phát triển nhiều loại sản phẩm thu hút khách du lịch, như du lịch văn hóa, tâm linh, du lịch làng nghề, du lịch lễ hội, du lịch ẩm thực, du lịch tổng hợp sinh thái, giải trí, thể thao, nghỉ dưỡng... thu hút nhiều khách du lịch nội địa và quốc tế.

Tuy nhiên, điều này cũng đi cùng với việc đặt ra nhiều thách thức cho công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị.

di-nh-co-vu-jpeg-1660061471-3422-16600618151200x0.jpg

Đình Cổ Vũ không chỉ là di tích có giá trị về mặt lịch sử - văn hóa, kiến trúc - nghệ thuật mà còn là một điểm văn hóa hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế tham quan.

Trong những năm qua, Hà Nội liên tục dành nguồn vốn ngân sách kết hợp vốn xã hội hóa để đầu tư, tu bổ di tích. Nhờ đó, trung bình mỗi năm (trừ thời điểm dịch Covid diễn ra), Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, di tích Nhà tù Hỏa Lò, Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám… đón hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước, thu về hàng chục tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thành phố vẫn quan tâm công tác tu bổ. Điển hình như công trình tu bổ, tôn tạo đình Ninh Giang, xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm), dự án tu bổ, tôn tạo Tam bảo Chùa Nành (Ninh Hiệp)...

Mới đây, việc tu bổ Đình Cổ Vũ - Di tích lịch sử cấp thành phố, thuộc phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm đã hoàn thành và bắt đầu đưa vào sử dụng, sau hơn một năm triển khai.

Còn tại các quận, huyện, thị xã, việc phối hợp với các sở, ngành liên quan trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được quan tâm, chú trọng, nhờ đó đã triển khai kịp thời và tương đối đồng bộ các biện pháp quản lý di tích tại cơ sở.

Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng cần phải nhìn nhận, công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trên địa bàn thành phố còn một số khó khăn, hạn chế.

Chẳng hạn như vẫn còn một số các cấp, ngành và người dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác quy hoạch, quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích, di sản văn hóa; về vị trí của mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển.

Năm 2021, Hà Nội đã đầu tư tu sửa cấp thiết, chống xuống cấp cho 122 di tích với kinh phí 139,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại các huyện nghèo, kinh tế khó khăn như: Phú Xuyên, Ứng Hòa, Quốc Oai, Phúc Thọ, Thạch Thất, Ba Vì, Chương Mỹ…, nhiều di tích xuống cấp vẫn chưa bố trí đủ kinh phí và huy động được vốn đầu tư.

Tính đến nay, toàn thành phố có 727 di tích xuống cấp các hạng mục chính cần nguồn vốn đầu tư tu bổ, tu sửa cấp thiết và chống xuống cấp; trong đó 448 di tích xuống cấp, 279 di tích xuống cấp nghiêm trọng, nguy hiểm.

Triển khai chi tiết quy hoạch bảo tồn

Theo các chuyên gia, các di tích lịch sử, di sản văn hóa chính là tiềm năng, thế mạnh, là cơ sở, nguồn lực để Hà Nội phát triển kinh tế-xã hội, nhất là phát triển du lịch văn hóa.

 

Vì thế, Hà Nội cần triển khai chi tiết quy hoạch bảo tồn không gian di sản văn hóa; tăng cường đầu tư nguồn vốn và nguồn nhân lực cho công tác bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa để bảo đảm giữ gìn bản sắc kiến trúc cổ trong quá trình trùng tu, tôn tạo; gắn kết hoạt động bảo tồn di sản văn hóa đô thị với hoạt động du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn Thủ đô

u-ng-du-ng-co-ng-nghe-jpeg-166-9876-9546-16600618151200x0.jpg

                                               Đẩy nhanh ứng dụng công nghệ vào phát huy giá trị di sản (Ảnh: Int)

Ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội lưu ý, do đặc thù kiến trúc, hàm lượng giá trị văn hóa trong mỗi công trình, nhiệm vụ tu bổ, tôn tạo di tích đặc biệt đặt ra những yêu cầu về quy trình thực hiện, kiến thức, tay nghề… làm sao triển khai hiệu quả, giữ gìn và phát huy tốt giá trị nguyên gốc.

Từ đó, ngành văn hóa Thủ đô phải xây dựng đề án tổng thể về phát huy giá trị di tích trên địa bàn Thành phố, làm cơ sở, định hướng cho các địa phương triển khai nhiệm vụ; thành lập Ban Chỉ đạo công tác quản lý tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn TP. Hà Nội; hoàn thành công tác kiểm kê và đẩy nhanh số hóa di tích.

Đồng thời nghiên cứu, xây dựng cơ chế hỗ trợ công tác quản lý di tích tại cơ sở, có chế độ đãi ngộ cho người trông coi di tích, kinh phí bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ trực tiếp tham gia hoạt động bảo tồn, tôn tạo di tích tại cơ sở…

Về nguồn vốn, Hội đồng nhân dân TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về việc bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025; phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022 - 2025 và các năm tiếp theo, và một số dự án xây dựng cơ bản nhiệm vụ chi cấp thành phố.

 

Theo đó, thành phố sẽ dành tới 14.029 tỷ đồng để thực hiện tu bổ, tôn tạo 579 di tích, trong đó ưu tiên cho các di tích đã được xếp hạng đang xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sụp đổ, cần bảo vệ khẩn cấp; các di tích đã được xếp hạng có giá trị cao, đang xuống cấp các hạng mục gốc, hư hỏng cấu kiện, kiến trúc và di tích cần phát huy điểm đến gắn với việc phát triển du lịch, nhằm phát huy giá trị, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

                                                                                                                                    Nguồn: vnbusiness.vn