World Travel Awards – sự tôn vinh đối với các cơ sở lưu trú du lịch hàng đầu của Việt Nam

14/10/2019

Tại lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) khu vực châu Á và châu Đại Dương diễn ra ngày 12/10/2019 tại đảo ngọc Phú Quốc, hàng loạt khu nghỉ dưỡng và khách sạn cao cấp của Việt Nam vinh dự được nhận các danh hiệu danh giá của giải thưởng được mệnh danh là “Giải Oscar của ngành Du lịch”. Trong đó có những thương hiệu lớn của Việt Nam như Vinpearl, FLC, InterContinental, JW Marriot... tập trung ở những trọng điểm du lịch như Phú Quốc, Đà Nẵng, Hội An, Hạ Long, Quy Nhơn, Nha Trang, Vũng Tàu...

Đây là sự tôn vinh rất có ý nghĩa đối với các cơ sở lưu trú du lịch của Việt Nam trên trường quốc tế, khẳng định thương hiệu và uy tín cũng như những nỗ lực không ngừng để duy trì và nâng cao chất lượng dịch vụ.

InterContinental Danang Sun Peninsula được lựa chọn là nơi đón tiếp và nghỉ ngơi của các nhà Lãnh đạo APEC tham dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 25 (Ảnh: InterContinental Danang Sun Peninsula)

Giai đoạn vừa qua chứng kiến bước phát triển vượt bậc của ngành Du lịch Việt Nam. Chỉ trong 3 năm (từ 2015-2018), lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã tăng gần gấp đôi, từ 7,9 triệu lượt lên 15,5 triệu lượt, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 25%/năm.

Đi cùng với sự phát triển đó, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, tạo tiền đề quan trọng đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch cả về số lượng và chất lượng.

Tính đến hết năm 2018, Việt Nam có 28.000 cơ sở lưu trú với trên 550.000 buồng, tăng gần 50% so với năm 2015.

Đặc biệt, loại hình cơ sở lưu trú cao cấp đã tăng rất nhanh, cho thấy sự chuyển động của thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu của dòng khách chất lượng, có chi tiêu cao ngày càng gia tăng ở Việt Nam. Nếu như năm 2015, số lượng cơ sở lưu trú hạng 5 sao là 89 với 23.000 buồng, thì năm 2018, con số đó đã là 142 cơ sở và 47.000 buồng. Cơ sở lưu trú hạng 4 sao tăng từ 216 cơ sở và 27.000 buồng lên 272 cơ sở và 36.000 buồng.

FLC Ha Long Bay Golf Club & Luxury Resort – địa điểm tổ chức Diễn đàn Du lịch ASEAN 2019 (Ảnh: FLC Hạ Long)

Cơ sở lưu trú du lịch cũng ngày càng đa dạng hơn về loại hình, cách thức vận hành như: khách sạn thành phố, khách sạn nghỉ dưỡng (resort), căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, nhà nghỉ du lịch, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay), tàu thủy lưu trú du lịch, làng du lịch...

Bên cạnh đó, loại hình condotel tiếp tục phát triển mạnh ở những điểm đến thu hút đông khách như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Quốc, Bà Rịa - Vũng Tàu... Đáng chú ý, trong bối cảnh sự phát triển không ngừng của kinh tế số, xu hướng bán phòng qua mạng, chia sẻ kỳ nghỉ trở nên phổ biến, mạng lưới Airbnb chiếm thị phần đáng kể trong thị trường cung ứng cơ sở lưu trú du lịch.

Hệ thống cơ sở lưu trú không chỉ đáp ứng nhu cầu của dòng khách du lịch ngày càng đông đến Việt Nam, mà còn góp phần tích cực phục vụ thành công những sự kiện trọng đại của quốc gia và quốc tế, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam năng động, nhiệt tình, thân thiện, mến khách. Tiêu biểu như sự kiện Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 25 diễn ra tại Đà Nẵng năm 2017, Hội nghị Thượng đỉnh lần 2 Hoa Kỳ - Triều Tiên tại Hà Nội đầu năm 2019, Diễn đàn Du lịch ASEAN 2019 tại Hạ Long, Đại lễ Phật đản Vesak 2014 tại Ninh Bình, năm 2019 tại Tam Chúc (Hà Nam)...

JW Marriot Phu Quoc Emerald Bay – nơi từng là địa điểm tổ chức đám cưới cặp đôi tỷ phú Ấn Độ vào đầu năm 2019 (Ảnh: JW Marriot Phu Quoc Emerald Bay)

Đó là những minh chứng rõ ràng cho sự lớn mạnh cả về lượng và chất của hệ thống cơ sở lưu trú du lịch Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển của Ngành và đất nước trong thời kỳ mới. Sự phát triển của hệ thống cơ sở lưu trú góp phần quan trọng đảm bảo cơ sở vật chất kỹ thuật nền tảng phục vụ du lịch, vì mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

vietnamtourism