Nhiều “điểm nghẽn” cần tháo gỡ để phát triển du lịch

29/10/2019

Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, chuyên gia du lịch cùng các doanh nghiệp đặt ra tại hội thảo “Đột phá kinh tế từ du lịch” do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 28/10.

Đột phá kinh tế từ du lịch

Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Phó Tổng Biên tập Báo Thanh niên cho biết, hơn 1 thập kỷ qua, du lịch Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ và đạt được những kết quả khả quan. Đặc biệt, mấy năm gần đây, số lượng du khách quốc tế đến Việt Nam tăng vọt, đóng góp mạnh mẽ vào tăng trưởng kinh tế.

Du lịch tăng trưởng mạnh mẽ kéo theo hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch phát triển mạnh mẽ. Các loại hình sản phẩm, dịch vụ du lịch ngày càng phong phú và đa dạng. Chất lượng và tính chuyên nghiệp từng bước được nâng cao. Lực lượng doanh nghiệp du lịch lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng tạo được một số thương hiệu có uy tín ở trong nước và quốc tế. Bước đầu hình thành một số địa bàn và khu du lịch trọng điểm.

TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam khẳng định, du lịch Việt Nam đủ điều kiện và phải trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vì chúng ta có nhiều tiềm năng vừa sức người. Cụ thể, theo bảng xếp hạng của Tổ chức Du lịch thế giới, tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam để phát triển du lịch được xếp thứ 35/140 thế giới, tài nguyên văn hóa đứng thứ 29. Bên cạnh đó, về nguồn nhân lực, các doanh nghiệp Việt Nam có thể xây dựng những khách sạn, resort đẳng cấp, các doanh nghiệp lữ hành điều hành tour đều lớn mạnh tầm cỡ thế giới, doanh nghiệp điều hành khách sạn, resort làm rất tốt.

Đồng quan điểm, TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam, năm 2019 du lịch Việt Nam đạt nhiều giải thưởng lớn như: Điểm đến hàng đầu châu Á 2019; Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á, Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á, điểm đến thành phố hàng đầu châu Á. Số lượng du khách quốc tế đến Việt Nam tăng vọt, đóng góp mạnh mẽ vào tăng trưởng kinh tế. Năm 2018, đón 15,5 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu du lịch đạt 620.000 tỷ đồng, đóng góp 6,8% GDP. Trong 9 tháng năm 2019, Việt Nam đón gần 13 triệu lượt khách quốc tế, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến cả năm 2019 sẽ đón 17-17,5 triệu lượt khách quốc tế và doanh thu toàn ngành du lịch đạt 750.000 tỷ đồng.

nhieu diem nghen can thao go de phat trien du lich
Du khách quốc tế tham quan Di tích lịch sử Dinh Thống Nhất. Ảnh: T.D.

Gỡ nút thắt

Tuy nhiên, nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng, ngành du lịch còn một số hạn chế, yếu kém nên phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng. Nhiều cơ chế chính sách còn bó buộc khiến các điểm đến tiềm năng như Phú Quốc, Phan Thiết... chưa thể phát huy hết nội lực; những sản phẩm du lịch làm thay đổi bộ mặt địa phương, được thế giới vinh danh như Cầu Vàng, Bà Nà (Đà Nẵng)... vấp phải sự chỉ trích về môi trường đẩy nhà đầu tư vào rủi ro.

TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Thái Lan, Trung Quốc có hướng phát triển du lịch khác biệt, đặc sắc nên hút được du khách. Trong khi đó, Việt Nam có nhiều cái hay nhưng chưa biết làm hay hơn nước bạn. Theo TS. Trần Đình Thiên, điều quan trọng, làm du lịch phải chú ý đến đẳng cấp chứ không chạy theo sản lượng du khách năm nay phải tăng hơn so với năm trước. Do đó, khi làm du lịch ngay từ đầu phải hướng tới đẳng cấp, khách đến ít nhưng chi tiêu nhiều. Muốn vậy thì dịch vụ phải tốt để kéo khách đến. Chúng ta phải đặt vấn đề khan hiếm tài nguyên và tài nguyên du lịch của Việt Nam là đẳng cấp cao như Hạ Long, Đà Nẵng, Đà Lạt, Phú Quốc... thì chúng ta phải làm du lịch xứng đáng với tài nguyên đó chứ không thể phung phí được.

Theo các chuyên gia, sự tham gia đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực du lịch thời gian qua đã làm thay đổi bộ mặt kinh tế của địa phương rõ rệt. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng phát triển hạ tầng du lịch đã xâm hại môi trường khiến dư luận bức xúc. Đặc biệt với câu chuyện như Tam Đảo vừa rồi và trước đó là Tam Chúc, Bà Nà, Sơn Trà... tạo ra tâm lý tiêu cực với du lịch. Vì vậy, cần xác định tiêu chuẩn để phán xét. TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh, muốn phê phán gì phải đặt trên bàn cân lợi ích. Muốn phát triển phải đánh đổi và muốn phát triển mạnh thì phải đánh đổi mạnh. Tuy nhiên, đánh đổi bao nhiêu là hợp lý là bài toàn khó. Muốn trả lời câu hỏi này phải xác định, ưu tiên về lợi ích tổng thể và dài hạn. Đánh đổi thế nào là hợp lý thì cần luật, cần tiêu chuẩn chứ hiện nay chưa rõ ràng, không định hình và không giúp cho người ta định hướng được khiến nhiều doanh nghiệp không dám làm và ngay cả chính quyền cũng không dám làm.

Liên quan đến vấn đề này, TS. Lương Hoài Nam nhấn mạnh, Chính phủ cần sớm ban hành các bộ tiêu chí về phát triển bền vững, chi tiết đến mức có thể dùng để áp vào các dự án đầu tư du lịch một cách dễ dàng. Qua đó đánh giá dự án có phù hợp hay không, ủng hộ được hay không. Đồng thời, cần có cơ chế minh bạch một cách tối đa các dự án du lịch tác động đến thiên nhiên, tài nguyên, văn hóa để dân biết, dân bàn và dân kiểm tra. Từ đó, tăng sự đồng thuận, giảm sự xung đột.

Ngoài ra, theo các đại biểu phát triển du lịch cần gắn với bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Bản thân ngành du lịch cũng cần có sự thay đổi, cách tiếp cận. Các doanh nghiệp đầu tư bất động sản du lịch cần có chính sách phát triển hạ tầng du lịch kết hợp nhiều với vui chơi, giải trí và các sản phẩm du lịch độc đáo nhằm tăng thời gian lưu trú và tăng chi tiêu từ du khách./.

haiquanonline