Món ăn Việt vươn tới “Top 50” thế giới

02/09/2019

Ngày 23.7.2011, đài truyền hình Mỹ CNN công bố kết quả bình chọn 50 món ăn ngon nhất thế giới. Việt Nam có hai món ăn được xếp vào “Top 50” kể trên: phở bò (hạng 28), gỏi cuốn (hạng 30).

Tuy chỉ xếp ở vị trí trung bình, nhưng chiếm được một chỗ giữa các cường quốc ẩm thực đã là một niềm vinh dự lớn. Món ăn Việt từ nay sẽ lưu danh trong làng ẩm thực thế giới.

Năm món ăn hàng đầu

1. Món cà-ri Massaman của Thái Lan được bầu là vua của các món ngon. CNN khá “ưu ái” Thái Lan khi xếp ba món khác của nước này vào “Top 50”: Som tam (salad đu đủ), Nam tok moo (thịt heo cay kiểu Thái), Tom yum goong (canh chua Thái), khiến Thái Lan nghiễm nhiên vượt qua hàng loạt “cây đa cây đề”, trở thành cường quốc ẩm thưc hàng đầu thế giới, đồng nghĩa với việc ngành du lịch Thái sẽ có nhiều cơ may. 

Massaman Thái.

Cà-ri (curry) vốn là món ăn truyền thống của người Ấn, tại sao lại trở thành món của người Thái? Để tìm câu trả lời, tôi phải cất công đi ăn món Massaman tại nhà hàng Thái. Mùi vị cay, chua, mặn, ngọt hòa quyện nhau, khác hẳn cà-ri nguyên gốc.

Massaman ăn với cơm hoặc bánh mì đều tuyệt vời, được bầu chọn lên ngai vàng quả là xứng đáng. Nguyên liệu chế biến gồm: gà, khoai tây, cà rốt, đậu trắng, nước cốt dừa, nước mắm, bột và dầu cà-ri đỏ, chẳng có gì đặc biệt so với “cà-ri Sài Gòn”, nhưng nghe nói bí quyết là phải thêm trái Tamarindus indica có nguồn gốc châu Phi. Nghe có vẻ huyền bí, nhưng tôi tra cứu, đó chẳng qua là trái me rất thông thường bên mình!

2. Pizza kiểu Napoli được xếp thứ 2. Trên thế giới có nhiều nơi làm pizza, nhiều kiểu làm pizza nhưng không kiểu pizza nào ngon hơn kiểu người thành phố Napoli ở Ý làm.

3. Trước đây ai cũng tưởng, nói đến chocolate, là phải nói đến chocolate Thụy Sĩ, Bỉ, không ngờ chính chocolate Mexico mới là ngon nhất.

Sushi Nhật.

4. Món sushi Nhật Bản gồm cá sống kẹp giữa cơm nấu từ gạo dẻo, khi ăn phải chấm với nước tương quậy với mù-tạt xanh.

5. Vịt quay Bắc Kinh nổi tiếng thế giới đứng thứ 5. Vịt quay Bắc Kinh được nướng bằng gỗ táo qua lớp đá cuội nung đỏ. Khi ăn phải cuốn với bánh tráng dày được hấp nóng, cùng với dưa leo và hành sống chấm với loại tương đặc chế.

Vịt quay Bắc Kinh.

Những bất ngờ thú vị

Điều bất ngờ đầu tiên là “Top 50” do CNN bình chọn không hề có các món sơn hào hải vị như bào ngư, vi cá, mà toàn các món ăn phổ thông thậm chí dân dã.

“Top 50” kể trên gồm 21 quốc tịch, nhiều nhất là Mỹ, có tới sáu món. Đáng tiếc là lại không hề có tên Hàn Quốc, điều đó đã gây nên sự tức giận khắp xứ sở kim chi vốn rất tự hào về văn hóa ẩm thực của mình và muốn quảng bá ra thế giới.

Họ đã trút cơn thịnh nộ lên nước láng giềng phía đông, nào là món sushi không có cá tính, nào là cách chế biến quá đơn giản, sao mà xứng ngôi vị thứ 4, coi bộ cũng kịch liệt chẳng kém gì tranh chấp đảo Tokdo (Takeshima)!

Đài Loan không những không có món nào lọt vào “bảng vàng”, mà năm ngoái, khi bình chọn “những món ăn dở nhất”, món trứng bác thảo của họ lại “vinh dự” xếp đầu bảng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch của họ. Mặc dù CNN đã đưa ra lời xin lỗi, nhưng kết quả này không hủy bỏ được.

Trong các món ăn “không thể tuyệt vời hơn”, có ba món “không quốc tịch: bắp nếp (13), tôm hùm (17), kem vani (22).

Những món ăn khác trong “Top 50” có thể dễ dàng kiếm được ở TP.HCM gồm có (số đứng đầu là thứ hạng):

– 6. Hamburger Đức

– 9. Kem Mỹ

– 16. Bánh hột gà chén Hong Kong

– 21. Bánh croissant, Pháp. Còn gọi là bánh sừng bò, có trong tuổi thơ của nhiều người

– 45. Cơm gà Hải Nam, Singapore

– 48. Khoai tây chiên, Mỹ

– 50. Bắp phồng chiên bơ, Mỹ

Hương phở bay theo dấu chân người Việt

Phở là món ăn độc đáo do Việt Nam phát minh từ năm 1908. Không ai ngờ món ăn tưởng như đượm hồn phương Bắc này lại có nguồn gốc trời Nam, do kết hợp hai món bún xáo trâu và bánh tráng Củ Chi mà ra.

Bất cứ nơi nào trên thế giới có người Việt sinh sống là nơi đó có món ăn đặc trưng này. Riêng tại Mỹ, thống kê không chính thức cho biết doanh thu các cửa hàng phở Việt Nam lên tới 500 triệu USD một năm.

Nhiều thực khách Tây đã bị món phở Việt Nam "chinh phục".

Phở đối với người Việt là quốc hồn, quốc túy, “chán cơm thèm phở” đã trở thành câu thành ngữ mà ai cũng hiểu nghĩa bóng nó ám chỉ gì. Còn đối với người nước ngoài là thức ăn nhanh, giản tiện lại ngon, ăn cả buổi sáng, trưa, chiều, tối, nên rất cuốn hút.

Tính đến nay, hầu hết các báo có tên tuổi của Mỹ như New York Times, Los Angeles Times, Boston Globe… đều có bài viết về phở, ca ngợi phở như là “thương hiệu văn hóa ẩm thực của người Việt tại Mỹ”.

Qua “sửa sang sắc đẹp”, từ “phở” đã cạo râu thành “pho” và được ghi vào tự điển Oxford quyền uy của Anh, trở thành số ít từ Anh có nguồn gốc tiếng Việt. “Mùi vị của nó thì trên cả tuyệt vời, chứ không chỉ đơn thuần là hỗn hợp các thành phần nguyên liệu cộng lại. Phở có mùi vị thơm ngon và hài hòa”, CNN bình luận.

Gỏi cuốn Việt Nam đã từ hẻm nhỏ len lỏi vào nhà hàng

Nhắc đến món ăn Việt, ngoài phở bò ra, mọi người sẽ nghĩ ngay đến chả giò. Tiếng tăm lừng lẫy như vậy mà rớt đài, cũng là một bất ngờ thú vị trong đợt bình chọn này.

Gỏi cuốn tiếng Anh dịch là summer roll hay fresh roll, là món ăn nhẹ làm từ thịt ba rọi, tôm, bún tươi, rau sống (có khi là cải xanh), rau thơm, tất cả được cuốn trong một lớp bánh tráng gạo mỏng và cắm thêm một cọng hẹ.

Món này dùng kèm với nước chấm có vị ngọt, mặn, chua và rắc thêm đậu phộng giã nhỏ. Chính nước chấm đi kèm quyết định thành bại của gỏi cuốn, nên dù ở nhà hàng tây, món nước chấm vẫn phải do đầu bếp Việt Nam pha chế.

Gỏi cuốn được ví như món ăn nhanh của người Việt.

Gỏi cuốn, có nguồn gốc thuần túy miền Nam, nhưng đã trở nên phổ biến không chỉ trên khắp Việt Nam, mà còn lan tỏa ra thế giới.

Cắn một miếng gỏi cuốn, cảm nhận vị dai của bánh tráng, vị béo đậm đà của thịt ba rọi trộn lẫn vị ngọt của tôm luộc, thêm một chút mặn mà của nước chấm, cái mát lạnh, cay nồng nơi đầu lưỡi của rau sống tạo thành một bản hợp tấu làm dậy lên các cung bậc vị giác. Đó là lời nhận xét ưu ái của CNN dành cho gỏi cuốn Việt Nam.

Gỏi cuốn có mặt khắp các quán cóc nằm rải rác trong những con hẻm nhỏ và những tiệm ăn ven đường. Từ người sang trọng đến tầng lớp bình dân, từ ta đến tây, đã ăn một lần thì nhớ mãi. Không chỉ vậy, gỏi cuốn đã trở thành món ăn không thể thiếu trong thực đơn của các nhà hàng Việt tại trời Tây.

Thậm chí người nước ngoài còn ví gỏi cuốn là fastfood (món ăn nhanh) của người Việt, cũng giống như các thương hiệu nổi tiếng KFC hay McDonald (không có trong “Top 50”) của Mỹ, nhưng về đặc tính thanh đạm, tươi ngon và tốt cho sức khỏe thì không có loại đồ ăn nhanh nào sánh bằng.

Từ hang cùng ngõ hẻm, gỏi cuốn ngày nay đã vươn tới các nhà hàng, trở thành món khai vị mang đậm màu sắc phương Đông. “Không có tình yêu nào tuyệt vời hơn tình yêu dành cho ẩm thực” Bernard Shaw, nhà hài hước, nhà viết kịch nổi tiếng người Irland, từng nói.

Các cô cũng thường nói: “Muốn chinh phục trái tim đàn ông, con đường ngắn nhất là thông qua bao tử”.

Du khách sẽ lưu luyến Việt Nam hơn, nếu như ngoài cảnh đẹp, còn có các món ăn ngon.

nguoidothi