Tọa đàm trực tuyến “Quảng bá du lịch: Cần những bước đột phá”

06/08/2019

Với sự tham gia của các khách mời đại diện Tổng cục Du lịch, Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam và một số doanh nghiệp du lịch tiêu biểu… Tọa đàm trực tuyến “Quảng bá du lịch: Cần những bước đột phá” đã được bắt đầu diễn ra vào đúng 9 giờ sáng nay, ngày 6-8.

 

Tọa đàm trực tuyến “Quảng bá du lịch: Cần những bước đột phá”

 

Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch đã và đang trở thành một công cụ vô cùng hiệu quả để thu hút, thuyết phục du khách đến điểm du lịch, là yếu tố rất thiết yếu trong việc thúc đẩy phát triển du lịch. Chính vì vậy, quảng bá du lịch đang trở thành vấn đề nóng bỏng trong việc phát triển du lịch hiện nay. Việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của du lịch Việt Nam.

Tuy nhiên, quảng bá, xúc tiến du lịch đang được coi là khâu yếu của Việt Nam, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành du lịch, cũng như chưa ngang tầm với các nước trong khu vực, do tính chuyên nghiệp chưa cao, kinh phí còn hạn hẹp.

Đây cũng là vấn đề được Chính phủ, cơ quan quản lý, các hiệp hội, địa phương phát triển du lịch, du khách và nhiều bạn đọc quan tâm. Để giải đáp các băn khoăn, thắc mắc của bạn đọc về vấn đề quảng bá du lịch, đồng thời góp một tiếng nói để thúc đẩy quảng bá du lịch Việt Nam, nhằm làm đòn bẩy phát triển du lịch, Báo Nhân Dân tổ chức Chương trình tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Quảng bá du lịch: Cần những bước đột phá”.

Các khách mời tham gia buổi tọa đàm trực tuyến gồm: Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam;

Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia TAB;

Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoi Tourist;

Ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty du lịch Tiên Phong;

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty du lịch Trans Viet.

Xin mời độc giả theo dõi nội dung buổi tọa đàm dưới đây:

Nhà báo Nguyễn Ngọc Thanh, Vụ trưởng, Trưởng Ban Nhân Dân điện tử, có bài phát biểu khai mạc.

Kính thưa đồng chí Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường, Tổng cục Du lịch Việt Nam

Đồng chí Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia (TAB)

Đồng chí Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoi Tourist

Đồng chí Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty Lữ hành Tiên Phong

Đồng chí Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty du lịch TransViet

Kính thưa các quý vị, và đồng nghiệp

Trước hết cho phép tôi được chân thành cảm ơn các quý vị đã có mặt tại buổi giao lưu ngày hôm nay.

Kính thưa các quý vị,

Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Chính phủ, du lịch Việt Nam có bước phát triển vượt bậc với tốc độ tăng trưởng cao. Khách quốc tế đến Việt Nam trong sáu tháng đầu năm 2019 đạt xấp xỉ 10 triệu lượt (tăng 7,9% so cùng kỳ năm 2018); tổng thu từ khách du lịch đạt 401.000 tỷ đồng (tăng 8,67% so cùng kỳ năm 2018). Dự kiến năm 2019, ngành du lịch sẽ đón, phục vụ khoảng 17,5 đến 18 triệu lượt khách quốc tế, 85 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch phấn đấu đạt 700.000 tỷ đồng. Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị cũng xác định rõ, du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Ðể du lịch Việt Nam có được mức tăng trưởng khá trong thời gian qua, có phần đóng góp quan trọng của công tác xúc tiến, quảng bá. Tuy nhiên, có thể thấy rõ trong những năm qua, công tác quảng bá chưa đạt được kết quả như mong đợi bởi nhiều lý do, như thiếu kinh phí, chưa có được sự phối hợp tốt với cá ngành, các địa phương, chưa liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau, chưa làm nổi bật được thương hiệu du lịch Việt Nam …

Nhằm tìm ra những giải pháp hữu hiệu góp phần thúc đẩy công tác quảng bá xúc tiến du lịch, để đưa hình ảnh Việt Nam đến với bạn bè thế giới và từ đó phát triển ngành kinh tế du lịch, Ban Nhân Dân điện tử phối hợp Tổng cục Du lịch thực hiện Chương trình tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Quảng bá du lịch: Cần những bước đột phá”.

Chúng tôi mời đến đây đại diện của cơ quan quản lý, của Hiệp hội Du lịch cũng như các doanh nghiệp để chúng ta cùng nhau thảo luận, chia sẻ cũng như góp tiếng nói, những ý kiến thẳng thắn, từ đó đưa ra được những giải pháp khả thi, nâng cao hiệu quả xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam trong tương lai.

Xin trân trọng cảm ơn các vị khách mời và đồng nghiệp.

Chúc buổi tọa đàm thành công tốt đẹp!

 

MC: Câu hỏi đầu tiên xin được hỏi chung các vị khách mời: Theo các ông, bức tranh toàn cảnh của xúc tiến, quảng bá du lịch tại Việt Nam hiện nay là gì? So sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới thì công tác quảng bá xúc tiến của chúng ta có những ưu điểm và hạn chế gì?

Ông Đinh Ngọc Đức:

Tôi nghĩ, câu chuyện quảng bá xúc tiến du lịch của Việt Nam gói gọn trong hai từ: phấn khởi nhưng rất vất vả. Phấn khởi là vì, trong thời gian gần đây với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, bộ, ngành và sự vận động của các doanh nghiệp, khách du lịch quốc tế và nội địa tăng trưởng tốt, doanh thu cũng như đóng góp vào GDP của ngành du lịch tăng. Tôi nghĩ tất cả đất nước vào cuộc trong công cuộc này, bao gồm cả các lĩnh vực văn hóa, du lịch, con người… trong đó vai trò cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương, các địa phương và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, chúng ta còn vất vả vì hiện tại chúng ta tính chuyên nghiệp chưa cao, kinh nghiệm chưa nhiều, kinh phí còn thấp, con người còn yếu…

Ông Hoàng Nhân Chính:

Tôi đã theo ngành du lịch hơn 30 năm nay nên cũng biết được những thăng trầm của ngành du lịch trong thời gian qua. Đúng là ngành du lịch khi phát triển cũng có thời gian thuận lợi, có lúc khó khăn. Tuy nhiên, rất may mắn, cho đến nay, các doanh nghiệp luôn luôn đồng hành với cơ quan quản lý nhà nước để phát triển thúc đẩy du lịch và trong đó có công tác quảng bá xúc tiến du lịch.

Thời gian qua, Hội đồng Tư vấn du lịch là cơ quan đưa ra ý kiến tư vấn cho Tổng cục Du lịch cũng như Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch về công tác phát triển du lịch cũng đưa ra một loạt vấn đề giải quyết, cách phát triển quảng bá xúc tiến du lịch. Rất may mắn, tiếng nói giữa các doanh nghiệp đã phù hợp với suy nghĩ và được sự đồng thuận từ phía cơ quan quản lý nhà nước nên chúng tôi đã bắt tay và làm việc được khá nhiều công việc.

Tôi cho rằng, một điểm chung trong thời gian vừa qua còn vất vả và nhiều việc còn chưa hài lòng. Tuy nhiên, chúng tôi nhìn thấy đã có những bước tiến so với những năm trước đây.

Thí dụ như, trước đây, chúng ta đi dự Hội chợ du lịch quốc tế ITB ở Berlin (Đức) hay WTM ở London (Anh), gian hàng Việt Nam gần như chưa nổi bật và chưa có tính chuyên nghiệp, nhưng 2-3 năm gần đây, gian hàng của chúng ta gây ấn tượng tốt. Thực tế, Ban tổ chức hội chợ ITB ở Berlin cũng đã xin gặp làm việc với lãnh đạo Tổng cục Du lịch để bàn việc đưa ra những hình ảnh tốt đẹp hơn trong thời gian tới. Rõ ràng, đây là bước chuyển mình. Tôi cho rằng, nếu chúng ta tiếp tục hướng này thì công tác quảng bá xúc tiến du lịch sẽ có hiệu quả hơn. Tất nhiên, sẽ còn còn nhiều việc còn phải làm nữa.

Ông Phùng Quang Thắng:

Tôi cho rằng công tác xúc tiến quảng bá điểm đến là tuyến đầu để thu hút khách du lịch đến với địa phương. Trong mỗi thời kỳ, công tác xúc tiến du lịch có sự phát triển thăng trầm khác nhau, quy mô khác nhau, nhưng chúng tôi nghĩ là chúng ta đã có sự phát triển tương đối nhanh trong những năm gần đây.

Đánh giá tổng thể, Công tác xúc tiến quảng bá du lịch của Việt Nam chưa được triển khai thực hiện trong chiến lược dài hạn. Qua nhiều năm phát triển, thì hình ảnh, nhận diện của du lịch Việt Nam chưa được rõ ràng. Thí dụ, khi nói đến Bali thì người ta hình dung ra Indonesia…Việc nói đến du lịch là để khách hình dung ra một hình ảnh cụ thể. Riêng điều này, chúng ta chưa làm rõ ràng được.

Thứ hai, công tác của chúng ta chưa đồng bộ từ chiều dọc từ cơ quan quản lý nhà nước về du lịch với địa phương, chiều ngang là giữa ngành du lịch với các ngành khác để có sức mạnh tổng thể. Cái này chúng ta chưa làm được.

Thứ ba, việc triển khai xúc tiến quảng bá song song giữa sản phẩm du lịch và chương trình xúc tiến quảng của mình để thu hút khách du lịch còn yếu.

Tóm lại, đánh giá bức tranh xúc tiến du lịch Việt Nam, là có những điểm cần lưu tâm nhiều điểm để làm thế nào tăng cường nhiều khách hơn nữa đến Việt Nam.

Ông Nguyễn Tiến Đạt:

Với công tác xúc tiến quảng bá hình ảnh của Việt Nam ra thế giới, chúng tôi rất thông cảm vì ngân sách của chúng ta còn quá ít, tầm hai triện USD, so với các bạn trong khu vực có hơn 100 triệu USD. Chúng ta chỉ bằng 1/50 so với các bạn. Như vậy,” cái khó bó cái khôn”. Mà chi tiêu lại phân tán, chưa tập trung. Sắp tới, chúng ta có thể ra đời Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch sẽ được Nhà nước dành cho ngân sách khá lớn, tầm 300 tỷ và huy động các nguồn lực khác. Tôi băn khoăn rằng, có tiền rồi thì chúng ta có thể tiêu tiền hiệu quả không. Cơ quan nhà nước cần có chiến lược tổng thể, bài bản, sẽ phải đóng vai trò nhạc trưởng. Chúng ta cũng cần gắn du lịch với văn hoá.

Cần có sự phân bổ ngân sách phù hợp. Không thể mãi sử dụng các cách làm như cũ, cần sử dụng những kênh quảng cáo hiện đại như Google, Facebook, nhân vật nổi tiếng, cần chuyên biệt hóa cho từng thị trường.

Tôi nhấn mạnh vai trò của nhạc trưởng ở đây là Tổng cục Du lịch, từ đó có thể huy động các đơn vị chung sức.

 

MC: Quỹ Hỗ trợ du lịch được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thành lập, phê duyệt điều lệ tổ chức và hoạt động từ cuối năm 2018, nhưng đến nay, Quỹ vẫn chưa thành lập được bộ máy, chưa đi vào hoạt động. Vậy việc thành lập Quỹ đã triển khai đến đâu? Vướng mắc ở khâu nào? Và liệu bao giờ mới đi vào hoạt động được, thưa ông Đinh Ngọc Đức?

Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam:

Cách đây 14 năm, chủ trương hình thành Quỹ phát triển du lịch đã có. Tuy nhiên, với nhiều điều còn vướng mắc và hạn chế về cơ chế, nguồn lực tài chính cũng như con người… nên chúng ta vẫn chưa thành lập được. Được sự quan tâm của Đảng, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt, nên đã phê dyệt một đề án rất chi tiết để hình thành một quỹ. Trong đó, quy định rõ ngân sách cho Quỹ khoảng 300 tỷ.

Tuy nhiên, trong số tiền 300 tỷ này, Nhà nước bỏ vốn mồi mỗi năm 100 tỷ. Và sau ba năm, Quỹ sẽ có nguồn tiền khoảng 300 tỷ. Sauk hi thành lập, Quỹ có các nguồn thu khác nhau như: nguồn thu từ visa (10% từ tổng thu visa); 5% nguồn thu từ các điểm đến và đặc biệt là khuyến khích việc xã hội hóa. Chúng ta được cấp 300 tỷ không có nghĩa là chúng ta được tiêu thoải mái, mà chúng ta phải bảo toàn 300 tỷ Nhà nước cấp. Tuy nhiên, đó cũng là tiền đề tốt trong khi chúng ta còn thiếu nguồn lực. Tuy nhiên, Quỹ này cũng là mô hình mà chúng ta chưa thực hiện bao giờ, nên việc thực hiện gặp nhiều khó khăn đặc biệt là về mặt con người, bộ máy và cơ chế. Chủ trương ban hành rồi, chúng tôi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao cho Tổng cục Du lịch. Và chúng tôi đang rất là tích cực cho việc hình thành bộ máy và con người… để vận hành Quỹ sớm nhất.

Hy vọng, chúng ta sẽ sớm đưa Quỹ đi vào hoạt động để thực hiện công việc xúc tiến, quảng bá cho ngành du lịch. Nhưng điều quan trọng nhất tôi muốn nhắc lại là nguồn lực Quỹ ban đầu cũng chỉ là vốn mồi của Nhà nước, để Quỹ hoạt động bền vững và phát triển thì vai trò người “nhạc trưởng” là cơ quan quản lý nhà nước, ở đây là Tổng cục Du lịch rất quan trọng.

Ngoài ra, huy động nguồn lực xã hội hết sức quan trọng, vận dụng tốt điều này thì nguồn lực sẽ tăng và sử dụng nguồn lực đó một cách hiệu quả, minh bạch thì chắc chắn là Quỹ sẽ phát triển tốt.

Cầu Vàng tại khu nghỉ dưỡng Bà Nà, Đà Nẵng, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của du khách quốc tế.

Ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty du lịch Tiên Phong:

Theo tôi, dù không có Quỹ thì chúng ta vẫn phải làm. Như chúng ta thấy rằng, ba năm trở lại đây, Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ban, ngành rất quan tâm đến việc quảng bá, xúc tiến du lịch. Chúng ta coi du lịch là một trong những ngành cần phải phát triển và đẩy mạnh hơn nữa trong thời kỳ hiện nay. Bên cạnh đó, thời điểm gần đây, đã xuất hiện rất nhiều doanh nghiệp trước đây làm các lĩnh vực kinh tế khác, giờ họ đang đầu tư sang lĩnh vực du lịch rất lớn. Đó là một trong những lợi thế tốt trong thời gian này.

Tuy nhiên, nếu chúng ta căn cứ đợi vào một nguồn ngân sách của Nhà nước cấp như thế để làm thì không thể thành công được. Thành công của ngày hôm nay, đương nhiên Tổng cục Du lịch đã làm rất tốt. Từ 7,5 triệu khách du lịch, năm 2019 đã tăng gần gấp đôi. Như đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh đã nói sơ lược, sáu tháng đầu năm có xấp xỉ 10 triệu khách du lịch. Như vậy, công tác xúc tiến của chúng ta xoay quanh một số vấn đề.

Một là, sản phẩm chúng ta xúc tiến đã được lựa chọn đúng.

Hai là, lựa chọn thị trường xúc tiến tốt. Bởi vì thị trường rất quan trọng, nếu có sản phẩm hay mà xúc tiến vào thị trường không đúng, thì xúc tiến mãi cũng không có khách vào Việt Nam.

Ba là, con người đi xúc tiến cũng rất quan trọng. Nếu làm không tốt ,thì sản phẩm hay đến đâu cũng không thu hút khách.

Cuối cùng, kinh phí cũng là vấn đề quan trọng. Chúng ta có ngân sách dồi dào hơn thì sẽ làm bài bản và quy củ hơn nữa và ngược lại. Nếu có ngân sách 300 tỷ do Chính phủ cấp, đó là nguồn để chúng ta tăng cường thêm khả năng xúc tiến của chúng ta.

 

MC: Quảng bá, xúc tiến du lịch sẽ là một trong những nội dung chính của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, các khách mời kỳ vọng sẽ thu được kết quả như thế nào với sự hoạt động của Quỹ này?

Ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty du lịch Tiên Phong: Theo tôi, dù không có quỹ thì chúng ta vẫn phải làm. Như chúng ta thấy rằng, ba năm trở lại đây, Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ban, ngành rất quan tâm đến việc quảng bá, xúc tiến du lịch. Chúng ta coi du lịch là một trong những ngành cần phải phát triển và đẩy mạnh hơn nữa trong thời kỳ hiện nay. Bên cạnh đó, thời điểm gần đây, đã xuất hiện rất nhiều doanh nghiệp mà trước đây làm các lĩnh vực kinh tế khác, mà họ đang đầu tư sang mảng du lịch rất lớn. Đó là một trong những lợi thế tốt trong thời gian này.

Tuy nhiên, nếu chúng ta căn cứ, đợi vào một ngân sách mà của Nhà nước cấp như thế để chúng ta làm thì không thể thành công được. Thành công của ngày hôm nay đương nhiên Tổng cục Du lịch đã làm rất tốt. Chỉ sau sáu tháng đầu năm có xấp xỉ 10 triệu khách. Như vậy, công tác xúc tiến của chúng ta xoay quanh một số vấn đề: Một là, sản phẩm chúng ta xúc tiến đã được lựa chọn đúng. Hai là, lựa chọn thị trường xúc tiến tốt, bởi thị trường rất quan trọng.

Nếu có sản phẩm hay mà xúc tiến vào thị trường không đúng, thì xúc tiến mãi cũng không có khách vào Việt Nam. Thứ ba, con người đi xúc tiến cũng rất quan trọng, nếu làm không tốt thì sản phẩm hay đến đâu cũng không thu hút khách. Cuối cùng, kinh phí cũng là vấn đề quan trọng, chúng ta có ngân sách dồi dào hơn thì chúng ta sẽ làm bài bản và quy củ hơn nữa và ngược lại. Nếu có ngân sách 300 tỷ mà Chính phủ cấp thì đó là nguồn để chúng ta tăng cường thêm khả năng xúc tiến của chúng ta.

 

Nhà báo Lại Thúy Hà: Được biết, Hội đồng Tư vấn Du lịch quốc gia có thành lập một câu lạc bộ nhằm đóng góp cho công tác quảng bá xúc tiến, với mục tiêu đề ra là đến năm 2020 sẽ đạt được khoảng 70 tỷ đồng cho cho quảng bá, xúc tiến. Vậy câu lạc bộ này hiện nay đã thành lập chưa và tương lai sẽ hoạt động như thế nào?

Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch quốc gia:

Vì sao chúng ta phải tập trung cho công tác xúc tiến quảng bá? Cách đây không lâu, Hội đồng Tư vấn Du lịch quốc gia có làm việc và tư vấn đưa ra cho Thủ tướng Chính phủ là: hiện nay có ba điểm nghẽn cần tháo gỡ để du lịch phát triển. Đầu tiên là visa, đó là điểm đầu tiên thu hút khách quốc tế đến với Việt Nam.

Về công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, có thể thấy kinh phí của chúng ta hạn hẹp quá. Thông thường, các nước khác chi ra cỡ 60 đến 100 triệu USD hằng năm cho công tác xúc tiến quảng bá, trong khi thực tế chúng ta chỉ chi khoảng hai triệu USD/năm. Vậy chúng ta cần một Quỹ hỗ trợ cỡ khoảng bao nhiêu thì đủ?

Nhiều chuyên gia cho thấy, để thu hút được thêm du khách quốc tế thu lợi cỡ khoảng 1.000-5.000 USD mỗi khách, thì phải bỏ ra ít nhất là 1 USD. Vậy để thu hút khoảng 20 triệu khách quốc tế năm 2020, chúng ta phải có tối thiểu 20 triệu USD chỉ tập trung cho công tác quảng bá, xúc tiến.

Một điều quan trọng nữa là cơ quan quản lý cũng phải có thay đổi, không phải tập trung vào số lượng khách du lịch nữa mà phải là chất lượng du khách.

Thứ hai là, Quỹ có bao nhiêu tiền và thực hiện như thế nào. Thông thường, ở các nước khác, họ có bộ máy quản lý để sử dụng Quỹ hỗ trợ sao cho chuyên nghiệp và hiệu quả nhất. Trong khi ở Việt Nam, chúng ta có cơ quan quản lý ở cả cấp trung ương và địa phương cho nên hơi tản mạn. Vì thế cần phải có chiến lược về quảng bá và marketing. Và yếu tố con người cũng là một vấn đề.

Hội đồng Tư vấn Du lịch hiện nay đã thu hút được chín nhà tài trợ, mỗi nhà tài trợ đóng góp năm tỷ đồng, trong thời hạn ba năm. Cho đến nay, chúng tôi có 45 tỷ đồng. Chúng tôi mong muốn thu hút thêm các nhà tài trợ để tăng sự đóng góp cho quỹ này. Chúng ta có những nhà tài trợ lớn như Vin Group, Sun Group, Saigon Tourist, Hanoi Tourist, Vietnam Airlines… Đây là những doanh nghiệp tiên phong, đi đầu để giúp cho ngành du lịch. Chúng ta luôn kêu gọi phải làm việc nọ việc kia, nhưng không có kinh phí thì không thực hiện được.

Để các doanh nghiệp tin tưởng và đóng góp tiền không dễ, chúng tôi phải có ba tôn chỉ: tính minh bạch, tính chuyên nghiệp và tính hiệu quả đều phải rất cao.

Về tính minh bạch, chúng tôi không hoàn toàn thu tiền ngay từ đầu của các nhà tài trợ. Các nhà tài trợ chỉ nộp 1/3 số tiền trong năm đầu tiên. Và nếu thấy không hiệu quả có thể dừng lại, không tiếp tục nộp nữa. Chúng tôi minh bạch toàn bộ chi tiêu, và công bố cho các nhà tài trợ biết, đồng thời có mời kiểm toán vào làm việc.

Về tính chuyên nghiêp, thực tế nếu chưa có chiến lược thì không làm được. Trước khi kêu gọi đóng góp quỹ, chúng tôi cũng có chiến lược marketing, tất cả các nhà tài trợ phải biết trước được kế hoạch của chúng tôi đến năm 2020 làm gì. Chúng tôi có một nhóm chuyên làm công việc này, thậm chí thuê công ty chuyên nghiệp. Và tính hiệu quả cũng vậy.

Chúng tôi mong muốn có sự chung tay để hỗ trợ ngành du lịch. Có rất nhiều bài học, trong quá trình hoạt động thực tế, cần chia sẻ lại. Chúng tôi có mời hai đơn vị quốc tế nhằm tư vấn nên thực hiện thế nào để làm việc cho hiệu quả.

Nhà báo Lại Thúy Hà: Chúng ta có thể trao đổi thêm về chiến lược e-marketing của Việt Nam?

Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam:

Thứ nhất, chúng ta đã có Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2010-2020 và đang chuẩn bị chiến lược cho thời gian tới.

Thứ hai, chúng tôi đã có chiến lược được phê duyệt chính thức. Về Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam, hiện nay, chúng ta đang định hướng tập trung bốn dòng sản phẩm: du lịch biển, du lịch văn hoá, du lịch sinh thái, du lịch đô thị.

Hiện nay, chính những sản phẩm ấy đã định hình khu vực để phát triển. Chúng tôi cũng hiểu, nguồn lực cho phát triển cũng như xúc tiến quảng bá của chúng ta rất hạn hẹp. Do dó, theo tôi, nên tập trung phát triển một số điểm. Thí dụ ở miền bắc: Hà Nội, Hạ Long, Ninh Bình, Hà Giang; miền trung: Đà Nẵng, Quảng Nam, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Bình, Khánh Hoà; miền nam: Phú Quốc, TP Hồ Chí Minh. Chúng ta tập trung những điểm đến đó, sau khi những điểm này phát triển thì lan toả ra. Trên cơ sở chiến lược phát triển sản phẩm, chúng tôi đã có chiến lược marketing. Chúng ta hình thành rất rõ ràng các mảng thị trường hướng tới… Ngay cả mỗi khu vực, mỗi thị trường có hướng tới đối tượng khách hàng, chúng ta cũng đã có rồi. Trên cơ sở đó, chúng tôi cũng đã có chiến lược thương hiệu, đặc biệt nhấn mạnh trong giai đoạn này…

Như anh Phùng Quang Thắng nói, thực ra họ đi trước, họ có những điểm nhấn mạnh, nhưng chúng ta không phải không có điểm nhấn. Như Hạ Long hiện nay là thương hiệu rất nổi tiếng ở rất nhiều thị trường. Rồi Hội An, Khánh Hoà cũng nổi tiếng ở một số thị trường, đấy là những điểm nhấn. Chúng ta không có tiền phát triển một lúc ngay tất cả các điểm đến, nhưng rõ ràng có những cụm, có những điểm nhấn và chúng ta có cơ sở để du lịch Việt Nam phát triển thương hiệu và các chiến dịch xúc tiến quảng bá e-marketing là một nhánh trong marketing nói chung.

Nhà báo Lại Thúy Hà: Vậy theo các ông, chúng ta nên làm như thế nào để phối hợp trong công tác quảng bá, xúc tiến tốt hơn?

Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoi Tourist:

Vấn đề chúng ta tập trung nhiều nhất từ đầu đến giờ là nguồn kinh phí. Tuy nhiên, song song với nó thì cần có mô hình tổ chức công tác xúc tiến. Tiếp theo đó là cách chúng ta làm và cộng với kinh phí. Điều này, chúng ta có tầm chiến lược làm ngắn hạn và dài hạn. Và để triển khai nội dung này, tôi xin chia sẻ kinh nghiệm của các nước như sau. Xúc tiến quảng bá du lịch cho một đất nước, một địa phương là tuyến đầu để thu hút khách du lịch. Các nước rất quan tâm công tác tổ chức xúc tiến này.

Tôi lấy thí dụ, Thái-lan phát triển du lịch rất lâu rồi và thông qua rất nhiều lần cải tiến công tác này. Năm 1979, Thái-lan quyết định thành lập Hội đồng Xúc tiến du lịch, chuyên tâm công tác xúc tiến, quảng bá du lịch đất nước, có hẳn cơ quan làm việc đó và họ có kinh phí hoạt động.

Singapore là đất nước nhỏ bé, tài nguyên cũng không hề nhiều hơn chúng ta. Từ năm 1964, Singapore đã quyết tâm phát triển du lịch và họ thành lập Hội đồng xúc tiến du lịch. Đến bây giờ, đất nước có vài triệu dân, nhưng họ đón 18,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Malaysia phát triển sau một số nước vừa nêu, nhưng đến năm 1952, Malaysia thành lập Hội đồng xúc tiến du lịch của nước này. Lượng khách đến nước này rất đông...

Câu chuyện ở đây thứ nhất là mô hình tổ chức, cần có cơ quan xúc tiến du lịch quốc gia, trên cơ sở đó để tập hợp cơ sở nguồn lực. Thứ hai là cách làm, mọi người hay đặt vấn đề liên quan kinh phí. Nhưng ở đây, trong thực tế, với mỗi hoàn cảnh của đất nước, địa phương, chúng ta phải tìm giải pháp phù hợp hoàn cảnh. Đất nước láng giềng của chúng ta là Campuchia, kinh phí làm xúc tiến du lịch không nhiều. Nhưng qua các hội chợ du lịch quốc tế, có thể thấy gian hàng của Campuchia không lớn, nhỏ thôi, nhưng đường nét và chuyên nghiệp, họ luôn mang theo hình ảnh là đền Angkor để giới thiệu với thế giới. Từ chuyện thu hút đến đền Angkor, khách du lịch đến với khắp đất nước Campuchia.

Có lẽ rằng, vấn đề thu hút nguồn lực, tôi có đề cập đến phương án, một là chiểu theo chiều dọc từ các cơ quan trung ương của nhà nước về du lịch, làm đầu tàu cho các cơ sở, cơ quan quản lý du lịch địa phương, hai là cơ quan quản lý nhà nước phụ trách công tác xúc tiến làm thế nào để phối hợp các ngành khác. Chúng ta hình dung tập trung nguồn lực như thế này, quảng bá cho một điểm du lịch thì công tác phối hợp các cơ quan liên quan thì liên quan đến xúc tiến điểm đến (của một địa phương, đất nước). Song song với nó là các điểm đến du lịch, đó là thu hút nguồn lực theo chiều ngang. Nếu xúc tiến tốt điểm đến thì chúng ta sẽ làm tốt xúc tiến du lịch.

 

Nhà báo Lại Thúy Hà: Vậy thưa ông Hoàng Nhân Chính, theo ông thì chúng ta có cần thiết phải thành lập một cơ quan xúc tiến du lịch quốc gia không?

Ông Hoàng Nhân Chính: Chúng tôi rất tán thành để thành lập một cơ quan quản lý về xúc tiến du lịch quốc gia. Như chúng tôi đã nhiều lần đề cập tại các diễn đàn về du lịch gần đây. Khi các ý kiến được nêu ra dưới góc độ các doanh nghiệp mong muốn, chúng ta đều thấy rằng hiện nay Tổng cục Du lịch đang phải đóng hai vai trò cùng lúc. Và với hai vai trò này thì rất khó để cùng lúc thực hiện hoàn thành tốt cả hai nhiệm vụ là cơ quan quản lý về du lịch, vừa đồng thời là cơ quan xúc tiến du lịch quốc gia.

Khi thực hiện cùng lúc hai nhiệm vụ như vậy thì có vẻ chồng chéo, và bị hạn chế về con người, đồng thời như ý kiến một số diễn giả lúc đầu cũng có nói là vai trò nhạc trưởng chưa được đậm nét.

Làm sao để vai trò nhạc trưởng này phải được thể hiện một cách rõ rệt, thậm chí là tôi còn mong muốn là nếu được thì tại sao chúng ta không thành lập “Bộ Du lịch” như các nước khác, để cơ quan này thực sự có vai trò lớn và tập hợp được sự hỗ trợ của các bộ, ban, ngành khác. Bởi vì du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, phụ thuộc vào rất nhiều cơ quan khác nhau.

Tuy nhiên, đối với cơ quan quảng bá và xúc tiến du lịch thì chúng tôi cũng mong muốn là cách “thành lập” hơi khác một chút so với đề xuất mà hiện nay có một số cơ quan đã đưa ra. Đó là thành lập “Cục xúc tiến du lịch quốc gia”.

Chúng tôi cho rằng, nếu thành lập Cục này thì chúng ta mới chỉ đi được một nửa con đường thôi. Bởi vì, Cục xúc tiến du lịch quốc gia nếu thành lập cũng chỉ là thay mặt cơ quan quản lý nhà nước để quản lý các quỹ của Nhà nước, nhưng có thể vẫn chưa mang được “hơi thở” của các doanh nghiệp.

Vì vậy, nên chăng là chúng ta thành lập một Hội đồng Xúc tiến du lịch quốc gia, với thành phần là cả cơ quan quản lý nhà nước và có cả đại diện của các hiệp hội, các doanh nghiệp tham gia để cùng có ý kiến, thậm chí là cùng đóng góp và quỹ xúc tiến du lịch.

Trong những năm gần đây, Việt Nam có nhiều khu nghĩ dưỡng đẳng cấp quốc tế đáp ứng nhu cầu của du khách.

 

NHÂN DÂN ĐIỆN TỬ