Nức tiếng lồng chim làng Vác

09/08/2019

Cách trung tâm Hà Nội chừng hơn 30km, làng Canh Hoạch (còn gọi là làng Vác) lâu nay vẫn là nơi lui tới của giới sành chơi chim cảnh, bởi nơi đây từ lâu đã nức tiếng với nghề đan lồng chim truyền thống lưu truyền trong ca dao xưa: “Ai về làng Vác nhắn nhờ/ Mua lồng Canh Hoạch, đồ thờ Võ Lăng…”

Làng Vác – địa chỉ quen thuộc của giới sành chim cảnh

Làng Vác ở xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội những ngày tháng 6 nóng như đổ lửa. Tuy nhiên, bước chân vào đến làng, ta sẽ bị hút vào không khí lao động nhộn nhịp, khẩn trương mà quên đi những giọt mồ hôi đang lấm tấm. Những người dân làng ai nấy đều tất bật không ngơi tay. Cái nóng không hề làm chững lại nhịp sống của làng nghề thủ công truyền thống vẫn đứng vững trước cơn bão đô thị hóa, vẫn làm ra những sản phẩm mộc mạc, giản dị, gắn bó với cuộc sống hàng ngày như đã từng gắn bó hàng trăm năm.

Tre - nguyên liệu làm lồng chim được phơi khắp đường làng, ngõ xóm

Nói đến lồng chim, người chơi chim ai cũng nhắc tới lồng chim làng Vác. Cũng trải qua các công đoạn làm lồng như lựa chọn nguyên liệu, ngâm tre, hun tre, vót nan làm đáy, làm vanh, gắn đế, ráp lồng, nhưng lồng chim làng Vác đòi hỏi các công đoạn cầu kỳ hơn nhiều mà chỉ những người dân làng sành nghề mới biết, mới làm. Riêng công đoạn chọn tre làm lồng cũng khiến cánh buôn tre phải "nể", phải là tre rừng tốt, xuất xứ từ các tỉnh miền núi phía Bắc: Cao Bằng, Lạng Sơn, Hòa Bình... 

Chẳng vì thế mà lồng chim làng Vác, dù có đủ mọi kích cỡ, kiểu dáng khác nhau, nhưng đều có điểm chung là để càng lâu càng rắn chắc, bóng đẹp… Do đó, làng trở thành địa chỉ nức tiếng mà giới chơi chim cảnh sành sỏi ở Hà Nội và khắp các tỉnh thành trên cả nước như Hưng Yên, Hải Phòng đều... lặn lội tìm về để tìm mua những chiếc lồng ưng ý.

Những chiếc lồng chim bền chắc, trau chuốt và tinh tế có thể làm hài lòng bất kỳ người nuôi chim nào

Nghề truyền thống cha truyền con nối

Cũng giống như bao làng nghề gia truyền khác, ở làng Vác này, tất cả mọi người đều có thể tham gia vào quá trình sản xuất lồng chim. Chẳng hạn, hộ sản xuất lồng chim của gia đình anh Đào Quốc Việt và chị Nguyễn Thị Thư, anh đảm nhận khâu làm đáy lồng, con rể anh phụ trách làm chân, con gái làm vanh (người dân ở đây gọi vành như vậy) và chị làm thân lồng. Dù đảm nhận những công việc khác nhau, nhưng người nào cũng hết lòng với việc của mình. Đấy chính là bí quyết để những người thợ thủ công tạo ra được những sản phẩm ăn khớp từng chi tiết.

Cơ sở sản xuất lồng chim của gia đình anh Đào Quốc Việt và chị Nguyễn Thị Thư

“Gia đình tôi nối nghiệp nghề làm lồng chim từ bố tôi, chúng tôi khi tiếp quản cơ sở, cũng truyền nghề lại cho các con để chúng tiếp tục theo nghề truyền thống của cha ông. Làm lồng chim rất khó để phân biệt khâu nào quan trọng nhất vì mọi khâu đều quan trọng như nhau: từ lựa chọn nguyên liệu, vót vanh, làm đáy, làm thân lồng…đều phải đặt vào đó tâm huyết và sự khéo léo”- anh Quốc Việt chia sẻ.

Để làm nên một chiếc lồng chim đẹp, người thợ ngoài đôi bàn tay khéo léo, còn phải hiểu từng loại chim để làm ra những chiếc lồng phù hợp với hình dáng và tập quán sinh hoạt của chim. 

Người thợ phải am hiểu về đặc tính, tập quán của từng loại chim để làm nên chiếc lồng phù hợp. Ảnh: Tiến Sỹ

“Thường thì chúng tôi làm lồng chim theo đơn đặt hàng của khách chơi chim cảnh, và trước đó đã phải trao đổi và tìm hiểu về loại chim mà khách đặt để thiết kế lồng cho phù hợp với từng loại chim. Điều đó cũng đòi hỏi sự tinh tế ở người thợ thủ công” – chị Nguyễn Thị Thư cho biết.

Nghề truyền thống làm thay đổi diện mạo quê hương

Ngay gần nhà anh Việt, chị Thư là cơ sở làm lồng chim của ông Nguyễn Quang Vinh và bà Nguyễn Thị Nông. Ông bà đã gắn bó cả cuộc đời với nghề đan lồng chim. Giờ đây, nghề ấy lại được những người con gái và con rể của ông bà tiếp nối. Bản thân ông bà, dù đã đến tuổi nghỉ ngơi nhưng vẫn hàng ngày đan lồng chim như một… thói quen, sở thích. 

“Trước đây, thời trẻ tôi làm nông nghiệp rất vất vả, cực nhọc mà thu nhập chẳng đáng bao nhiêu. Sau khi chuyển sang làm nghề đan lồng chim, đời sống khấm khá hơn. Các con tôi không những theo nghề bố mẹ, mà còn phát triển mạnh mẽ hơn, ngoài việc sản xuất thì còn tiến hành thu mua sản phẩm lồng của các hộ sản xuất rồi xuất khẩu đi khắp các tỉnh thành” - bà Nguyễn Thị Nông chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Nông đang khoan chóp lồng 

Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai cho biết, nghề làng lồng chim làng Vác không những góp phần đảm bảo thu nhập cho người dân mà còn góp phần thay đổi diện mạo quê hương với việc phát triển mô hình du lịch khám phá làng nghề.

“Tại xã Dân Hòa, sản xuất nghề thủ công chiếm khoảng 70% tổng thu nhập trên địa bàn, trong khi nông nghiệp chỉ còn chiếm dưới 10%. Trong đó, điểm sáng là làng Canh Hoạch (làng Vác) với nghề làm lồng chim. Ước tính, việc đan lồng chim đem đến cho người dân thu nhập trung bình 6-8 triệu/tháng."

Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội

"Huyện ủy Thanh Oai cũng đang xây dựng đề án phát triển các tour du lịch làng nghề trên địa bàn huyện, trong đó có làng nghề làm lồng chim Canh Hoạch. Những năm gần đây, có một số công ty du lịch đã triển khai đưa du khách đến tham quan và tìm hiểu làng nghề truyền thống. Tôi cho rằng, việc phát triển mô hình du lịch trải nghiệm làng nghề sẽ rất có tiềm năng tại đây” – ông Nguyễn Văn Dương cho biết.

Với phong cảnh ngoại ô thanh bình và nghề truyền thống vẫn đang được miệt mài tiếp nối, những chiếc lồng chim nức tiếng trong giới sành chim cảnh đã, đang và sẽ chắp cánh cho danh tiếng của làng Vác vươn xa.

vovdulich