Hà Nội: Bảo tàng đổi mới để thu hút khách

31/05/2021

Trước sự lây lan nhanh chóng của dịch Covid-19, phần lớn các bảo tàng trong nước đã phải dừng đón khách từ đầu tháng 5/2021. Tuy nhiên, đây cũng là thời gian cần thiết để các bảo tàng tái tạo, đổi mới, tìm hiểu nhu cầu của công chúng để có những hướng đi phù hợp trong giai đoạn tới.

3005hanoibaotangdoimoidethuhutkhach1.jpg

Thích nghi với dịch bệnh

Không giống các ngành nghề khác, dịch Covid-19 là thời gian thuận lợi để các bảo tàng thực hiện công tác chuyên môn như tiến hành các quy trình bảo quản, kiểm tra, xử lý, chăm sóc hiện vật; tăng cường công tác sưu tầm tài liệu, hiện vật; sửa chữa, cải tạo cơ sở vật chất hay bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên...

Suốt thời gian qua, các cán bộ, nhân viên của Bảo tàng Hà Nội vẫn miệt mài thực hiện việc thiết kế, thi công khu trưng bày mẫu với chủ đề “Thiên nhiên Hà Nội” - một trong 6 chủ đề trưng bày thường xuyên đã được thành phố Hà Nội phê duyệt. Sau khi hoàn thiện, du khách sẽ được tham quan, tìm hiểu những nét đặc trưng trong sự đa dạng của thiên nhiên Hà Nội thông qua hệ thống trưng bày hiện vật, hình ảnh, tư liệu phong phú, đặc sắc cùng sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại.

Phó Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Đặng Minh Vệ chia sẻ: “Khu trưng bày mẫu có sự tham gia tư vấn của đội ngũ các nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử, văn hóa và các chuyên gia bảo tàng hàng đầu ở trong và ngoài nước. Chúng tôi kỳ vọng thu hút công chúng nhiều hơn nhờ sự đổi mới trong cách tiếp cận, trưng bày cùng những trải nghiệm mới lạ, hấp dẫn”.

Trước bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến khá phức tạp, ở những thời điểm có thể mở cửa đón khách, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cũng luôn nghiêm túc thực hiện phòng, chống dịch nhờ hệ thống giám sát và tuân thủ thông điệp 5K của Bộ Y tế. Bà Trần Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho biết, du khách tới bảo tàng luôn được hỗ trợ để thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch như sát khuẩn, đo thân nhiệt, phát khẩu trang miễn phí...

Theo bà Hạnh, thời gian này cũng là dịp để cán bộ, nhân viên Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam nghiên cứu, xây dựng các chương trình tham quan, trải nghiệm mới theo từng chủ đề, đặc biệt là các dịp lễ, ngày kỷ niệm... Với mong muốn tạo sân chơi bổ ích cho các em nhỏ trong dịp nghỉ hè, bảo tàng đã thiết kế những chương trình phù hợp với các gia đình. Tại đây, trẻ em có thể cùng bố mẹ tham gia các trò chơi dân gian, xem múa rối nước, tìm hiểu nghề truyền thống cùng nghệ nhân trong không gian giãn cách...

Chị Nguyễn Thu Hà (phường Mai Động, quận Hoàng Mai) cho hay: “Thời điểm bảo tàng mở cửa, tôi đưa gia đình đến đây vui chơi và tham quan từ sáng đến trưa. Bảo tàng rộng rãi, nhiều cây xanh. Các nhân viên nhắc nhở khách thực hiện thông điệp 5K từ cổng vào nên chúng tôi cảm thấy rất an toàn”.

Duy trì kết nối với du khách

Mặc dù không mở cửa đón khách nhưng thời gian qua, nhiều bảo tàng đã nỗ lực ứng dụng công nghệ số, xây dựng bảo tàng “ảo” để phục vụ nhu cầu tìm hiểu của công chúng. Phó Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam Vũ Văn Liên cho biết: “Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã xây dựng bảo tàng “ảo” nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tìm hiểu về bảo tàng. Đồng thời, chúng tôi cũng tăng cường kết nối với du khách trên hệ thống website thông qua các bài viết chuyên sâu và các tin tức mới... Dự kiến, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, chúng tôi sẽ đẩy mạnh triển khai các hoạt động trải nghiệm, hướng tới đối tượng khách học sinh với các hoạt động thú vị như làm tiêu bản côn trùng, mô phỏng hóa thạch khủng long, sinh vật biển hay mặt nạ động vật... Các hoạt động này không chỉ giúp các em tìm hiểu sâu hơn về thế giới tự nhiên mà còn tạo thói quen đến bảo tàng cho các em từ khi còn nhỏ”.

Cũng nhằm duy trì kết nối với du khách trong và sau dịch, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như xây dựng nội dung giới thiệu hiện vật và không gian trưng bày qua mạng xã hội, tổ chức “Trưng bày Mở” ở phía mặt tiền của bảo tàng nhằm giới thiệu đến công chúng những hình ảnh, không gian, hoạt động tiêu biểu. Thông qua các hoạt động này, công chúng có cơ hội tìm hiểu, khám phá văn hóa các dân tộc ở Việt Nam và một số nước trên thế giới ngay từ bên ngoài bảo tàng. Đây cũng là cách đa dạng hóa hình thức phục vụ khách tham quan.

 

Với những nỗ lực trong việc đổi mới cách tiếp cận và đa dạng hóa hoạt động phục vụ du khách, các bảo tàng đã không chỉ thể hiện nỗ lực vượt khó trong giai đoạn dịch bệnh mà còn thể hiện trách nhiệm với xã hội và công chúng thông qua những hoạt động thiết thực.

                                                                                                      Nguồn vietnamtourism.gov.vn