Du lịch Hà Nội dưới mắt nhìn của doanh nghiệp lữ hành châu Âu

08/10/2018

Kinhtedothi - Chiều 5/10, các đại diện của hơn 20 doanh nghiệp đến từ 12 quốc gia châu Âu đã bắt đầu chuyến khảo sát du lịch Hà Nội - Việt Nam kéo dài trong 6 ngày. Nhiều nhận định về tiềm năng du lịch thủ đô đã được đưa ra sau buổi tham quan đầu tiên.

Chương trình khảo sát FAM châu Âu là một hoạt động do Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) tổ chức, nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch Việt Nam và châu Âu được trực tiếp trao đổi, giới thiệu các sản phẩm du lịch, qua đó tăng cường quan hệ hợp tác và hoạt động xúc tiến du lịch giữa các bên.
Trong ngày đầu tiên của chuyến khảo sát, đại diện các doanh nghiệp lữ hành đến từ Pháp, Úc, Áo, Tây Ban Nha…đã tiến hành tham quan Văn Miếu Quốc Tử Giám và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam để hiểu thêm về lịch sử và bề dày văn hóa Việt Nam đã trải qua nhiều thăng trầm, biến cố.
Tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của Việt Nam, đại diện các doanh nghiệp được nghe giới thiệu về hệ thống giáo dục, thi cử đã phát triển từ khá sớm của người Việt xưa, đồng thời làm quen với một phần kiến trúc điện thờ và văn hóa tâm linh của người Việt thông qua những khu thờ kính ghi công các bậc cao nhân hiền triết, đặc biệt là vị học sĩ tài danh Chu Văn An.
Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia là địa điểm thực sự gây ấn tượng với nhiều đại diện đến từ châu Âu bởi theo họ, thế giới vốn đã biết nhiều đến nền văn hóa truyền thống cổ xưa nhưng lại ít khi được tiếp xúc với những tinh hoa của nền nghệ thuật đương đại Việt Nam. “Với tôi, những bức tranh sơn dầu hay các bức tượng đủ mọi chất liệu ngày hôm nay đã cho thấy một Việt Nam hoàn toàn mới”, cô Rita Obermaler – đại diện công ty 8TA Travel của Áo chia sẻ.

Lịch trình ngày khảo sát đầu tiên của đoàn còn bao gồm việc thăm thú hoạt động tại một số cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ trên địa bàn Hà Nội. Các đại diện được tận mắt chứng kiến toàn bộ quá trình để làm ra được một tác phẩm sơn mài hay chiêm ngưỡng những sản phẩm ấn tượng đến từ các thương hiệu Việt, tuy nhiên hoạt động khiến mọi người hào hứng nhất chính là trải nghiệm tự tay làm tranh vỏ trứng dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân người Việt.

Hơn 20 đại diện đã cùng nhau đi bộ gần 2 giờ đồng hồ, qua khắp các ngõ ngách tại khu phố cổ để dễ dàng làm quen với nếp sinh hoạt thường nhật của người dân Hà thành nói riêng và người Việt Nam nói chung: trải nghiệm các quán ăn vỉa hè, hoạt động mua bán náo nhiệt ở các khu chợ tạm hay cả bên những gánh hàng rong.
Bà Barbara Leitner, đại diện của một công ty lữ hành đến từ Tây Ban Nha, tỏ ra đặc biệt thích thú trong lần đầu đến Việt Nam khi được chứng kiến một văn hóa giao thông tấp nập và “đầy ngẫu hứng” của người dân nơi đây. Cả Leitner và Obermaler đều đồng tình rằng, chính những nét đặc trưng vốn có trong cuộc sống thường ngày của người dân sẽ là điểm thu hút du khách của Hà Nội, khi nó thỏa mãn khao khát được trải nghiệm những nét văn hóa hoàn toàn khác biệt với quê nhà của người dân các quốc gia châu Âu. Đây cũng được xem là mục tiêu quảng bá của nhiều doanh nghiệp châu Âu về du lịch Hà Nội cũng như du lịch Việt Nam tại quốc gia mình, cô Rita Obermaler cho biết.
Ông Pinon Herve, đại diện Vietnam Airlines tại Paris có mặt trong chuyến khảo sát lần này – người đã có cơ hội tới thủ đô Việt Nam trên dưới 10 lần, cho biết: “Hà Nội cổ kính, với những nét kiến trúc khá tương đồng với nước Pháp, thực sự luôn để lại trong tâm khảm những người từng đặt chân đến đây một dấu ấn khó phai”. Với Herve, đó là những buổi chiều dạo hồ Gươm, lê la các quán cà phê trước Nhà Thờ Lớn hay lạc bước đến cổng Nhà Hát Lớn để được gợi nhắc về Nhà hát Opera ở quê nhà nước Pháp.
Các đại diện cũng khẳng định, với những tiềm năng sẵn có, dưới sự tạo điều kiện phát triển của các cấp ban, ngành về những yếu tố như đường bay, giá vé…, kết hợp với quan hệ hợp tác lâu nay giữa các doanh nghiệp 2 bên trong việc phổ biến các tour du lịch phù hợp thị hiếu người châu Âu – kết hợp nhiều địa điểm tham quan và loại hình nghỉ dưỡng, Hà Nội chắc chắn sẽ trở thành lựa chọn lý tưởng, có tính cạnh tranh cao tại thị trường du lịch quốc tế của châu Âu.
Nguồn: Hương Thảo