Đến với nghề trà nhờ chữ “duyên”

26/06/2020

Khoảng cuối tháng 5, đầu tháng 6 là thời điểm hoa sen Tây Hồ vào “chính vụ”. Sớm tinh mơ, men theo con đường quanh hồ Tây lên Quảng An, Nhật Tân ta như lạc vào “cõi mơ” giữa những đầm sen hồng, sen trắng đua nhau bung nở. Những cơn gió mát lành từ mặt hồ thổi về khiến hương sen càng trở nên dịu dàng, tao nhã và tinh khiết, mang lại cảm giác thư thái, dễ chịu vô cùng.

 

“Dọc dải đất hình chữ S có rất nhiều sen, nhưng không nơi nào có loài sen trăm cánh như sen Tây Hồ, sen Đầm Trị” - trong không gian yên tĩnh của ngôi nhà được thiết kế theo lối cổ, giữa những bó hoa sen vừa mới được cắt về từ Đầm Trị còn tươi rói rói, tỏa hương thơm ngào ngạt - chị Bách Diệp hào hứng chia sẻ với chúng tôi về nghề làm trà sen thủ công của gia đình chị, nghề gắn với chị nhờ chữ “duyên”.

Bách Diệp là tên của một loại sen, cũng là tên của bà chủ cơ sở sản xuất trà sen Bách Diệp ở 28 ngõ 12 Đặng Thai Mai, Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội. Cái tên do bà nội đặt và nó gắn với nghề làm trà sen của Diệp như một định mệnh.

Diệp vẫn nhớ như in trong ký ức tuổi thơ của mình những kỷ niệm ngọt ngào nơi miền quê yêu dấu. Đất Lý Nhân, Hà Nam (Nam Hà cũ) hồi đó vẫn là vùng chiêm trũng, sau mỗi trận mưa nước ngập trắng đồng, cấy hái, trồng trọt phụ thuộc vào mùa vụ, thời tiết. Duy chỉ có cây sen là vươn lên một cách rất tự nhiên như khẳng định sự thích nghi với thổ nhưỡng, khí hậu miền đất trũng.

Diệp nhớ những buổi sớm tinh sương theo chân bà ra ruộng hái sen về ướp trà. Nhìn bà bỏ trà vào búp sen rồi bọc lại bằng những lá sen được cắt phẳng phiu, vuông vắn; hay cách bà tách gạo sen từ những đóa sen bị loại ra vì không đủ tiêu chuẩn để cho trà vào ướp…khiến cô “ngấm” dần từng chi tiết, cách thức làm trà.

Hương vị thơm ngát của những ấm trà sen ông nội pha tỏa khắp mấy gian nhà. Vốn là nhà nho, những người bạn của ông cũng đều là những nho sỹ trong vùng. Mỗi lần ông tiếp khách, Diệp thấy từng động tác pha trà, châm nước, rót trà rồi khoan thai nâng chén trà lên thưởng thức hương vị đều toát lên một sự trân trọng, kính ngưỡng. Lúc đó, cô bé Diệp đã tâm niệm “sau này nhất định phải trở thành một người làm trà sen thật ngon”.

Năm lên 6 tuổi, Diệp được bố chở bằng xe đạp từ Lý Nhân lên Hà Nội chơi. Lần đầu được ra thủ đô nên cái gì cũng lạ, thế nhưng điều khiến cô nhớ nhất lại chính là sen – loài hoa vô cùng quen thuộc với cô ở quê nhà lại gây ấn tượng mạnh bởi bông sen to, lá sen rất rộng; hơn nữa, trong mắt cô lúc đó, Hồ Tây, Đầm Trị thật mênh mông, đứng bên này không thấy bờ bên kia…

Biết bà thích hoa sen, Diệp bảo bố mua một bó sen về làm quà cho bà. Thế rồi trên chiếc xe đạp kẽo kẹt, bố lại chở con gái về Lý Nhân. Cô bé Diệp hai tay bám chặt áo bố, bó hoa sen bọc kỹ được cô bé ôm khư khư trong lòng…

Năm 1999 Diệp thi đỗ trường Đại học sư phạm Hà Nội. Và chữ “duyên” đã đưa cô về làm dâu một gia đình làm trà ở làng Nghi Tàm, Yên Phụ, sát với bờ đông của Hồ Tây.

Phương pháp ướp trà thủ công của bà nội được Diệp áp dụng. Về cơ bản không có sự khác biệt nhiều so với cách ướp trà của người dân Nghi Tàm (gọi dân dã là ướp xổi). Vì vậy, sản phẩm trà cũng không có sự nổi trội. Lúc đó, Diệp nghĩ tại sao không tận dụng hết những thứ của bông sen để tạo cho trà một hương vị khác so với ướp xổi. Nghĩ là làm, cô lấy lá sen ủ lấy bông sen ướp trà bên trong.  Hương thơm,vị thanh mát như được cộng hưởng, rồi tiếp tục lấy lá sen non ướp lại một lần nữa. Trà cho hương vị khác hẳn.
Lúc đó, trà làm chủ yếu để biếu tặng người thân. Nhiều người thưởng trà khen “trà nhà Diệp” có vị thơm khác biệt với trà sen khác. Tiếng lành đồn xa, “đơn đặt hàng” gửi về tới tấp, khi ấy Diệp mới chính thức làm trà để bán.
“Để có tách trà sen ngon, quan trọng nhất là khâu chọn nguyên liệu. Trà nhất định phải là loại trà sạch, mộc không qua bất kỳ khâu tẩm ướp nào, được sao, sấy bằng kỹ thuật riêng. Trà của Bách Diệp được đặt từ vùng trà Suối Giàng (Hà Giang) và Tân Cương (Thái Nguyên), bắt buộc phải 1 tôm 1 lá. Nếu mua trà phổ thông bán trên thị trường trà sẽ không lên mùi, hoặc trà chỉ ‘dính’ một tý thuốc bảo vệ thực vật cũng không thể ướp sen”, chị Diệp chia sẻ.
Mỗi vụ sen chỉ kéo dài khoảng 3 tháng, đầu tháng 5 là “sen bói” – là loạt đầu tiên của mùa nên sen nhỏ và ít. Vì vậy giá đắt, người trồng sen chủ yếu bán ra thị trường cho người chơi hoa.
Sen “chính vụ” từ đầu tháng 6 đến khoảng giữa tháng 8. Đây là khoảng thời gian những người làm sen bận rộn nhất. Theo chị Diệp, sen phải được cắt từ sớm tinh mơ mới giữ được độ tươi và hương thơm.

“Cây sen có 3 giai đoạn tỏa hương, thứ nhất là vừa cắt lên khỏi hồ, một số người cho trà vào ủ ngay vì lúc này sen rất tươi, hương thơm ngát; tuy nhiên cũng có một số người lại ủ trà sau. Nếu chọn cách ủ sau phải dùng dao thật sắc phạt bỏ đoạn cắt để cây hồi lại, cây sẽ tỏa hương đợt 2, lúc đó mới cho trà vào ủ. Trong khi ủ không dùng dây buộc túm bông sen lại, mà phải dùng lá sen bọc, tạo sự lưu thông khí trong đóa hoa, một lần nữa sen tỏa hương khiến trà đạt độ tinh. Một bông sen dùng ướp xổi phải có đủ lá, cánh, gạo, tua, đài sen và mỗi bông chỉ ủ 20-25gram. Sen gói xong được cắm ngập trong nước qua một đêm để dưỡng hoa, chờ cho sen nhả hương và từng cánh trà được thẩm thấu. Khi cắt bông sen vẫn hồng tươi, bông sen sẽ được đưa vào tút hút chân không, sau đó cho vào ngăn đá để khí lạnh hút hết hơi nước còn trong cánh trà, chỉ còn hương đọng lại”, chị Diệp chia sẻ.

Cách ướp trà sen khác là nhặt hết gạo trong bông sen ra để ướp với trà. Với cách này, trà vẫn phải được ủ qua lá sen để có độ thơm nhất định.

Cách ướp này khá cầu kỳ, vì việc lấy gạo sen tốn nhiều thời gian và người làm phải khéo léo gạo sen mới không bị nát, bay mất mùi hương.

Để có ấm trà ngon, bên cạnh trà là chủ đạo thì các yếu tố khác như nước, chất liệu ấm, chén đóng vai trò hết sức quan trọng. Theo chị Diệp,Việt Nam có 2 nơi làm ấm chén “chuẩn” nhất là Phù Lãng (Bắc Ninh) và Quế Quyển (Hà Nam), do chất đất sét tốt, khi nung thành sản phẩm già như sành (tử sa). Không chỉ giữ nhiệt tốt, mà còn tạo vị rất đặc trưng khi pha trà. Do phải làm bằng phương pháp thủ công với sự công phu và tiêu chuẩn đặc biệt nên sản phẩm ấm, chén tử sa cực đắt, không phải ai cũng có điều kiện để dùng.

Cùng với việc làm trà, Bách Diệp đặt một số cơ sở sản xuất ấm chén ở Phù Lãng và Quế Quyển làm những bộ trà chất liệu trung bình, giá cả hợp lý, phù hợp với đa số người tiêu dùng. Ngoài ra có thể dùng trưng bày.

“Để trà sen nổi lên được cái chất riêng đòi hỏi sự cầu kỳ, chăm chút, bên cạnh nguyên liệu được lựa chọn kỹ càng. Từ nhiều năm nay, Bách Diệp đã thầu hồ Đầm Trị trồng sen phục vụ làm trà. Để cây sen ra bông đẹp phải có kỹ thuật tốt, mùa cạn phải vệ sinh hồ, rắc vôi bột, làm cho đất tơi xốp… thân cây sen mới to, hoa đậm hương thơm”, chị Diệp tâm sự.
Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, trong tương lai Bách Diệp sẽ gây vùng nguyên liệu, tạo sản lượng nhiều hơn để làm trà.
Mong muốn của gia đình Bách Diệp là thành lập một Hợp tác xã xúc tiến nông sản, trưng bày, giới thiệu các sản phẩm nông sản của các vùng miền trên cả nước, kết hợp với phát triển du lịch. Trong đó, tạo không gian để du khách có thể ăn uống, check-in đầm sen, tìm hiểu - mua sắm các mặt hàng nông sản làm quà tặng người thân và gia đình. Trước mắt là những mặt hàng nông sản mang nét đặc trưng của Hà Nội, tiến tới trưng bày và bán các sản phẩm của cả nước để du khách đến Hà Nội có thể lựa chọn sản phẩm của bất kỳ vùng miền nào.
Tâm nguyện lớn hơn của anh Mai chồng chị là hoàn thiện một sản phẩm quà  được thiết kế trang trọng, tinh xảo với biểu trưng nổi bật là hoa sen, trong đó gồm một hộp trà sen cao cấp cùng một bộ đồ pha trà xinh xắn bằng chất liệu đất nung để có thể làm quà tặng tại những hội nghị lớn, hoặc những sự kiện ngoại giao, với mong muốn quảng bá, lan tỏa hình ảnh Hà Nội, hình ảnh Việt Nam ra thế giới…

Nguồn:Hanoitv.vn