Di tích lịch sử văn hóa ở Tam Hiệp

30/11/2020

Di tích lịch sử văn hóa ở Tam Hiệp

1. Quán Ngự Hiệp Cát

Thôn Hiệp Cát có ngôi quán gọi là quán Ngự còn gọi là quán Nghố, là tài sản văn hóa chung của ba thôn Hiệp Cát, Đại Điền và Hòa Thôn thuộc xã  Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ.

Quán Ngự nằm về phía Tây, cách Hà Đông chừng 35 km. Di tích được xây trên khu đất bằng phẳng trong khu vực dân cư. Quán có quy mô kiến trúc khiêm nhường, làm theo kiểu chữ đinh gồm nhà Tiền tế và Hậu cung, hai nếp nhà này được xây tường bao quanh khép kín để tạo ra khoảng không gian tách biệt với bên ngoài. Sát di tích có cây đa cổ thụ vài trăm tuổi rợp bóng che khắp mái nhà.

Nhà Tiền tế được xây theo hướng Tây, nền nhà cao hơn sân 20 cm. Nhà lợp ngói ta, dạng quan sát bên ngoài là ngói nhà bốn mái với các góc đao uốn cong lớp mỏi ngúi mũi hài, đầu của mỗi đao đắp nổi đầu rồng đang nhìn về nóc mái. Bộ khung nhà Tiền tế gồm hai bộ vì chính và hai bộ vì bên ở phía đầu hồi. Hai bộ vì giữa làm theo kiểu thượng giá chiêng trụ trốn hạ kẻ và bẩy hiên. Những bộ vỡ đầu hồi làm kiểu vỉ ruồi, kẻ góc để đỡ các đao. Lòng nhà phân định gian giữa rộng 3,50m, gian bên là 2,80m là nơi tế lễ hội họp của dân làng.

Hậu cung là một nếp nhà dọc ba gian nối với gian giữa Tiền tế hình chuôi vồ. Các bộ vỡ đỡ mái được làm theo ba dạng khác nhau: Bộ vì ngoài làm theo kiểu rường cốn, bộ vì giữa làm theo kiểu thượng rường hạ kẻ, bộ vì bên làm theo kiểu giá chiêng kẻ bẩy. Hai gian ngoài bầy đồ khí tự như hương án, kiệu thờ, gian trong có sàn cao làm kiểu cung cấm. Trong cung có long ngai bài vị của thần Bạch Hạc. Vị thần này nằm trong hệ thống những biểu tượng anh hùng văn hóa của dân tộc thời Hùng Vương dựng nước. Theo thần tích, sau khi dẹp yên nạn ngoại xâm, Bạch Hạc được vua phong làm Thổ lệnh khâm sai thống quốc Trung Thành đại vương. Ngài lập chính cung ở Bạch Hạc, nhị cung ở Sơn Nam, tam cung ở vùng Tam Hiệp chính là quán Ngự. Khi Ngài mất, nhà vua ban sắc phong là “Tam Giang Bạch Hạc thượng đẳng thần”, nhân dân ba thôn: Hiệp Cát, Đại Điền và Hòa Thôn cùng thờ Ngài.

Di tích Quán Hiệp Cát được Nhà nước xếp hạng cấp Quốc gia tại Quyết định số 2307/QĐ ngày 30/12/1991.

2. Chùa Tổng (Kim Hoa Tự)

Tên thường gọi là chùa Tổng, tên chữ là “Kim Hoa tự” thuộc thôn Thượng Hiệp, xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ, cách trung tâm Hà Nội chừng 30 km về phía Tây

Tấm bia “Tôn tạo Kim Hoa tự bi” dựng năm Diên Thành thứ 2 đời vua Mạc Hậu Hợp (1579) cho biết: vào năm 1578 các bậc đại sĩ và mọi người ở xứ Thuấn Nhuế, Khánh Hiệp và Thượng Hiệp... thuộc huyện Đan Phượng phủ Quốc Oai đó đem tâm góp công đức để trùng tu điện, dựng Thiêu hương, xây cửa Tam quan, đắp tượng Ngọc Hoàng, tô vẽ ba vị tượng trên đài sen và trùng tu hai vị Thánh Tăng. Chùa Thượng Hiệp còn có tấm bia đá “Tôn tạo Kim Hoa tự bi” dựng năm Chính Hòa 12 (1691), bia đá Chính Hòa 13 (1692), tấm bia đá lớn “Thủy tạo thành lang bi ký” dựng năm Cảnh Thịnh 4 (1796), Cảnh Thịnh 6 (1798) tạc bia, đúc chuông lớn “Kim Hoa tự chung”... Điểm qua một số văn bia cho ta thấy chùa Kim Hoa có từ lâu đời, nhân dân mến mộ đạo Phật đem tâm đóng góp công đức tiền của để xây dựng, đặc biệt là dân tổng Thượng Hiệp đều dốc tâm đóng góp để dựng chùa, nên còn gọi là chùa Tổng.

Ngôi chùa Tổng được xây dựng trên khu đất cao, rộng rãi bằng phẳng. Ngôi chùa ngoảnh theo hướng Nam có chùa chính, nhà Tổ, khu tháp mộ.

Khu chùa chính được làm theo kiểu chữ đinh gồm 5 gian Tiền đường và 3 gian Thượng điện. Chùa được xây gạch kiểu bít đốc tay ngai. Đầu tường có một trụ biểu gần ngang với mái chùa. Nhà Tiền đường cao 80m so với sân, chùa xây tường gạch bao quanh đầu hồi bít đốc tay ngai. Phía hai đầu đặt nhiều tấm bia hậu nêu ở trên. Kiến trúc các bộ vì làm theo hình thức “chồng rường, hạ kẻ” và “giá chiêng, kẻ bẩy” trên bốn hàng cột gỗ tròn có tảng đá kê chân. Nghệ thuật trên kiến trúc là bào soi vỏ măng, gờ chỉ lá dắt, kỹ thuật mộng mẹo mang cá thiên về bền chắc.

Nhà Thượng điện gồm hai gian chạy dọc xây tường hồi bít đốc. Hệ thống bộ vì làm theo kiểu chồng rường phảng phất yếu tố kiến trúc thời hậu Lê với những con rường tạo tác hình rồng mây, trên thân đấu, câu đầu chạm trổ hoa văn cỏ linh chi, hoa cúc, hoa sen.

Nhà Tổ gồm 5 gian tường xây, có các vì kèo cầu qúa giang, mái lợp ngói ta. Sát bên phải là khu vườn tháp gồm 12 ngọn tháp mộ của các nhà sư trụ trì ở chùa đã viên tịch.

Ở chùa Tổng còn có bệ đá hoa sen thời Mạc kích thước 3mx1,7mx1,3m. Bốn góc có chim thần (Garuđa), trên thân có rồng, hoa sen, hoa cúc, cây cỏ... Con rồng ở đây thân tròn uốn hình yên ngựa là đặc điểm nghệ thuật trang trí của thời Lê Mạc. Ngoài ra còn kiểm kê được 8 bia đá ghi chép việc làm chùa và 20 pho tượng gỗ (tượng Phật thời Lê chiếm tỷ trọng cao, còn lại thời Nguyễn sớm thế kỷ XIX), một quả chuông đồng đúc năm Cảnh Thịnh 6 (1798).

Chùa Tổng (Kim Hoa tự) được Nhà nước xếp hạng cấp Quốc gia tại Quyết định số 1594QĐ/VH ngày 14/9/1998.

3. Đình Thượng Hiệp

Đình Thượng Hiệp thuộc xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội. Thời Lê gọi là Thượng Thôn, xã Thượng Hiệp, huyện Đan Phượng, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Đầu thế kỷ XX là thôn Thượng Hiệp, xã Thượng Hiệp, huyện Yên Sơn, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây.

Đình Thượng Hiệp có từ lâu đời, kiến trúc đậm nét nhất vào thời Nguyễn. Năm 1948, nhân dân tu tạo lại đình to đẹp để lại đến nay. Đình được xây dựng theo hướng Tây - Nam, ven khu cư trú của làng.

Các bộ phận kiến trúc của đình được bố trí theo chiều sâu trong khuôn viên hoàn chỉnh. Từ ngoài vào, di tích bao gồm: cổng vào xây bằng hệ thống tường lửng, sân vuông rộng lát gạch Bát Tràng, hai bên có hai dãy nhà Dải vũ chạy song song đối diện với nhau qua sân gạch. Đại bái ở chính giữa và khu cung cấm ở tách biệt phía sau. Hai dãy nhà Dải vũ có quy mô thấp nhỏ, mỗi dãy gồm 5 gian xây gạch kiểu tường hồi bít đốc tay ngai. Mặt trước có hai hồi xây trụ biểu cao gần ngang nóc nhà, trụ có mặt cắt ngang hình vuông, đỉnh đắp nổi tượng nghê đang hướng mặt vào nhau. Các bộ vì làm thống nhất theo kiểu kèo cầu quá giang nom rất nhẹ nhàng.

Đại bái là một dãy nhà hình chữ nhật, xây theo kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, mái lợp ngói mũi. Các bộ vì đỡ mái được làm theo kiểu thượng giá chiêng trụ trốn, hạ kẻ bẩy hiên. Bộ vì giá chiêng được tạo ra bởi hai trụ trốn đặt trên lưng câu đầu. Mỗi bộ vì gồm bốn hàng chân, hai cột cái và hai cột quân dưới kê tảng đá xanh. Nền nhà Đại bái được tôn cao 40cm so với mặt sân. Lòng nhà chia thành 5 gian nhỏ hẹp, gian giữa lớn nhất là 2,50m, những gian bên đều nhau là 2,30m, trên diện tích này có lát gạch sạch sẽ là nơi để tế lễ, hội họp của dân làng.

Ngôi nhà hậu cung xây ở phía sau cách Đại bái khoảng 3m. Nhà gồm 4 gian xây dọc kiểu chồng diêm cổ ngỗng tạo nên 2 tầng 8 mái với các đầu đao cong vút lên được trang trí đầu rồng. Kết cấu những bộ vì làm theo kiểu kèo cầu, giá chiêng kẻ bẩy, soi các gờ chỉ, vỏ măng. Trong Hậu cung có ngai thờ thành hoàng làng là tác phẩm điêu khắc nghệ thuật mang phong cách của thời Nguyễn. Đình Thượng Hiệp thờ vị Bạch Hạc Long  thần đại vương ở thời các vua Hùng dựng nước. Thần là anh hùng văn hóa, giỏi đánh giặc, giỏi trị thủy được vua phong làm Thổ lệnh khâm sai, Thống quốc Trung thành đại vương. Sau khi mất, ông được nhà vua phong làm Tam giang Bạch Hạc thượng đẳng phúc thần và cho phép nhân dân Tam Hiệp được thờ phụng muôn đời. Vùng đất Tam Hiệp, có làng Thượng Hiệp cũng thờ ngài Trung Thành đại vương thượng đẳng thần.

Di tích đình Thượng Hiệp được Nhà nước xếp hạng cấp Quốc gia tại Quyết định số 2307/QĐ ngày 30/12/1991.

4. Chùa Mỹ Giang (Thiệu Long tự)

Chùa Mỹ Giang, còn có tên chữ là “Thiệu Long tự” thuộc xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ. Chùa được xây dựng đầu thời Trần, hiện còn văn bia (Thiệu Long tự bi) soạn khắc ngay khi dựng chùa. Căn cứ nội dung văn bia này, chùa do Đỗ Năng Tế, thuộc tướng của Kiến Quốc Đại vương cho xây dựng tại ấp thang mộc của ông, đương thời gọi là hương Binh Hợp. Đỗ Năng Tế là nhân vật lịch sử cuối thời Lý, đầu thời Trần song truyền thuyết dân gian tại địa phương lại truyền thuyết hóa nhân vật này, khiến ông trở thành nhân vật của hơn nghìn năm trước, thành thầy dạy Hai Bà Trưng.

Chùa tọa trên roi đất hình trán con rồng, giữa gò đất này là mộ táng của Thánh phụ và Thánh mẫu ngài Đỗ Năng Tế. Bên tả dựng gác chuông, gác trống, bên hữu dựng bia đá để làm sự tích. Phong cảnh có vẽ “Long bành hồi tổ”, đằng trước mặt có minh đường thủy tụ hội. Biết thế có mạch am thủy nhiễu bốn khai một cái giếng ở đó.

Chùa Thiệu Long cách đình khoảng 200m về phía Đông, tọa trên thế đất rộng ở giữa làng, ngoảnh hướng Nam. Sau cổng gạch nhỏ là đường dẫn vào sân chùa tiếp đến nhà Tiền đường, Thượng điện và nhà Tổ.

Về địa thế, phương hướng, cảnh sắc, cấu trúc, hệ thống thờ tự của chùa này khi mới xây dựng được mô tả rất chi tiết trong văn bia Thiệu Long tự bi, cho thấy đây là một ngôi chùa đẹp, quy mô rất lớn. Tuy nhiên, trải thời gian lâu dài với nhiều biến cố khác nhau, đến nay ngoài văn bia thời Trần còn lại, các yếu tố khác hầu như đã không còn được bảo lưu.

Hiện nay, chùa có hai công trình kiến trúc chính là nhà Tiền đường và Thượng điện làm kiểu chữ đinh hình chuôi vồ. Nhà Tiền đường gồm 5 gian xây gạch, hai đầu hồi bít đốc tay ngai. Bộ khung cột, xà, bẩy làm bằng gỗ tốt, bộ vì kiến trúc theo lối chồng rường kẻ bẩy. Hàng hiên rộng có những bức cốn trên xà chạm khắc hình rồng lá, văn triện, trúc, cúc, hoa lá. Phía trong là Thượng điện nhà dọc 3 gian cũng xây tường bít đốc mái chảy lợp ngói mũi. Những bộ vì nhỏ hẹp làm kiểu giá chiêng hạ kẻ. Trên Thượng điện là hệ thống tượng Phật sắp xếp theo tầng lớp, tượng pháp có kích thước nhỏ, số lượng nhiều. Trên cùng là ba pho Tam Thế được tạo tác ở tư thế ngồi thiền định trên tòa sen. Tiếp là bộ tượng Di Lặc, Ngọc Hoàng... hai bên là những pho tượng Bồ Tát. Dọc theo tường hồi là tượng Thập Điện, Thánh Tăng và Thổ Địa. Ở ngoài nhà Tiền đường có nhóm tượng Đức Ông, Thánh Hiền và hai pho tượng Hộ Pháp đứng giữa cửa thiền. Chùa Mỹ Giang có nhiều pho tượng tròn phong cách nghệ thuật của các thời Lê - Nguyễn.

Ngôi nhà Tổ cũng thiết kế hình chữ đinh, ngoài là 5 gian Tiền tế, trong là 3 gian Hậu cung. Những bộ vì trên khung nhà làm theo kiểu giá chiêng cột trốn, kỹ thuật thiên về bào trơn đóng bén, công trình kiến trúc mang đậm màu sắc dân gian của cư dân nông nghiệp vùng xứ Đoài.

Di vật quan trọng nhất hiện còn của chùa này là tấm bia Thiệu Long tự bi.

Bia cao 1,35m, rộng 0,8m, được đặt trên lưng rùa, khắc chữ 2 mặt, tiêu đề của bia khắc thành 5 hàng dọc; hai bên phần trán bia khắc hình chim phượng, diềm bia hai bên và phía trên trang trí hình hoa cúc có các chấm nhỏ, phần dưới bia, tiếp xúc với lưng rùa, trang trí hoa văn sóng nước cách điệu. Mặt sau của bia, phần giữa trán bia để trống, không đề chữ, các chi tiết khác trang trí tương tự mặt chính. Hoa văn trang trí trên bia tương tự các văn bia thời Lí, gần như hoàn toàn tương đồng với bia chùa Diên Phúc (Cổ Việt thôn Diên Phúc tự bi minh). Phần đầu văn bia cho biết văn bia này do Tiết cấp nhập nội thái tử Đỗ Năng Tế cùng vợ là Đặng ngũ nương dựng lập, cho thấy văn bia được dựng khi Đỗ Năng Tế còn sống. Về Đỗ Năng Tế, theo ghi chép trên văn bia, ông là nhân vật lịch sử sống vào cuối triều Lí, đầu triều Trần, “Tiên khảo của ông người ở quận Kinh Triệu, lấy vợ là con gái nhà lệnh tộc họ Trần, sinh được bốn người con, ba gái, một trai, [con trai] chính là ông vậy”. Tác giả văn bia miêu tả về Đỗ Năng Tế một cách hết sức khoa trương, rằng ông “Lúc nhỏ có kì tướng, khi lớn càng phi phàm. Dáng vẻ đường đường xuất chúng, phong tư nghiêm nghị hơn người… Oai hùng trùm đời, khí lực nhổ núi. Sắp đặt sĩ tốt chỉnh tề, điều động quân đội nghiêm cẩn. Cơ binh chỉ một, nghiệp tướng không hai… Dập khói lang khắp miền biên tái, diệt giặc dữ đủ bốn phương trời”, thông qua đó người đọc có thể nhận ra ông là một võ tướng đương thời, có huân nghiệp khá lớn. Chính vì vậy, ông được Kiến Quốc đại vương Trần Tự Khánh coi trọng, “đem con gái dòng lệnh tộc họ Đặng gả cho ông để kết làm đôi lứa. Lại trao trấn lớn Binh Hợp cho ông để làm đất thang mộc”. Chùa Thiệu Long tại hương Binh Hợp do ông và vợ xây dựng, hoàn thành vào ngày 8 tháng Ba năm Bính tuất niên hiệu Kiến Trung [1226]. Văn bia không ghi niên đại nhưng dựa vào nhiều yếu tố khác nhau, có thể khẳng định văn bia được dựng lập ngay trong năm 1226 hoặc sau đó không lâu. Như vậy, đây là văn bia dựng vào những năm đầu tiên của triều Trần đồng thời là văn bia sớm nhất của thời Trần hiện sưu tầm được. Trên phương diện lịch sử vận động, phát triển của thể loại bi kí tại Việt Nam, đây là tác phẩm bi kí của giai đoạn giao thời Lí - Trần. Văn bia được viết với ngôn ngữ không chỉ điền nhã mà còn bóng bảy, giàu hình ảnh và chất văn chương, hoàn toàn không sút kém so với các bi kí xuất sắc nhất thời Lí như Đại Việt quốc lí gia đệ tứ đế Sùng Thiện Diên Linh tháp bi minh hay Cổ Việt thôn Diên Phúc tự bi minh.

Văn bia này là tư liệu đặc biệt cho biết thông tin chuẩn xác về chùa Thiệu Long cũng như nhân vật Đỗ Năng Tế.

Di tích chùa Mỹ Giang - “Thiệu Long tự” được Nhà nước xếp hạng cấp Quốc gia tại Quyết định số 1570VH/QĐ ngày 5/9/1989.