ĐỀN ĐỒNG CỔ

30/11/2020

Di tích đền Đồng Cổ thờ thần Trống Đồng, được vua Lý Thái Tông cho xây dựng vào năm 1028 tại thôn Nam, Đông Xã, Yên Thái, vị trí tọa lạc là nơi hợp lưu của hai dòng sông Thiên Trù và Tô Lịch (sông Thiên Trù còn gọi là sông Đà La nay đã bị lấp, chỉ còn dấu tích là hệ thống ao hồ trũng kéo dài lên Xuân Tảo).

ĐỀN ĐỒNG CỔ

Di tích đền Đồng Cổ thờ thần Trống Đồng, được vua Lý Thái Tông cho xây dựng vào năm 1028 tại thôn Nam, Đông Xã, Yên Thái, vị trí tọa lạc là nơi hợp lưu của hai dòng sông Thiên Trù và Tô Lịch (sông Thiên Trù còn gọi là sông Đà La nay đã bị lấp, chỉ còn dấu tích là hệ thống ao hồ trũng kéo dài lên Xuân Tảo). Do đặc điểm điều kiện khí hậu tự nhiên xưa kia, công việc trị thủy bảo vệ phía tây thành Thăng Long rất khó khăn, thần Đồng Cổ đã góp công trong việc phù trợ, giúp dân trị thủy thời đó. Địa chỉ hiện nay: số 353 phố Thụy Khuê, phường Bưởi, quận Tây Hồ, TP Hà Nội, cách Hồ Gươm chừng 6km về phía tây bắc. Điểm dừng xe bus gần nhất: cuối các phố Thụy Khuê và Hoàng Hoa Thám (tuyến 14, 45).

3-13.jpg

Theo truyền thuyết, thần Đồng Cổ hay còn gọi là thần trống đồng, vốn là vị thần được thờ ở đền Đồng Cổ thuộc núi Đồng Cổ (còn gọi là núi Khả Phong), tỉnh Thanh Hóa, thuộc bộ Cửu Chân. Thần đã xin theo giúp Vua Hùng đánh giặc ở Hồ Tôn. Khi thắng trận trở về, Vua Hùng vào đền làm lễ tạ ơn, cho đúc trống đồng và phong cho thần là “Đồng Cổ Đại vương". Núi Đồng Cổ hiện nay đã được các nhà nghiên cứu tìm ra, đó là một cụm ba ngọn núi có tên là Tam Thai ở bên bờ phải sông Mã thuộc địa phận làng Đan Nê (Đan Nê trước kia còn có tên là Khả Lao, gọi là Khả Lao phong (phong là đỉnh núi) rồi gọi tắt là Khả Phong, có thể bao gồm cả ấp Xuân Thái ngày nay), xã Yên Thọ, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.

Tương truyền, năm 986, thần Đồng Cổ lại hiển linh giúp Lê Hoàn đánh giặc Chàm ở phương Nam tại sông Ba Hòa, Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Khi thắng trận, Lê Hoàn đã tạ ơn và ghi cho đền câu đối:

Long đình tích hiển Tam Thanh lĩnh,

Mã thủy Thanh lai Bản Nguyệt hồ.

Sách Việt điện u linh (của Lý Tế Xuyên người thời Trần, soạn từ thế kỷ XIV), truyện Minh chủ linh ứng chiêu cảm bảo hựu đại vương cho biết, "Theo Báo cực truyện chép: Vương là thần núi Đồng Cổ ở Thanh Hóa, tục gọi là núi Khả Phong" và có chép về việc: Năm 1020 khi Thái tử Lý Phật Mã theo lệnh vua cha Lý Thái Tổ đi đánh Chiêm Thành. Khi đến Trường Châu (bờ phải sông Mã, nay thuộc xã Yên Thọ), một đêm, thần Đồng Cổ báo mộng cho Lý Phật Mã: “Tôi là thần núi Đồng Cổ, nghe tin Thái tử sang đánh phương Nam, tôi xin theo giúp để phá giặc lập chút công nhỏ”.

Sau khi thắng trận trở về, Lý Phật Mã qua Trường Châu làm lễ tạ ơn và xin được rước linh vị của thần Đồng Cổ về kinh đô thờ phụng để giữ nước hộ dân. Về đến Thăng Long, văn võ bá quan và các thầy phong thủy còn đang chọn đất lập đền thì ban đêm thần lại báo mộng: “Xin lập đền ở bên hữu, trong Đại La thành, sau chùa Thánh Thọ”. Thái tử theo lời, cho hưng công xây dựng, không bao lâu đền dựng xong (nay là đền Đồng Cổ, Tây Hồ, Hà Nội). Đến khi Thái Tổ mất, Thái Tông lên nối ngôi, đêm mộng thấy thần đến báo rằng: “Ba vị vương em vua mưu làm phản, định đem giáp binh đến, xin nhà vua nên kíp đề phòng!”. Vua thức dậy còn chưa tin, đến sáng mới thấy việc xảy ra đúng như lời thần báo. Vua lấy làm lạ, xuống chiếu phong thần làm “Thiên hạ minh chủ, gia tước Đại vương”.

Các sách chính sử cũng có ghi việc này, Đại Việt sử ký toàn thư, Kỷ nhà Lý, trong mục ghi các sự kiện xảy ra năm 1028 có đoạn tả: “Phong tước vương cho thần núi Đồng Cổ, dựng miếu để tuế thời cúng tế và làm lễ thề. Trước đây, trước khi ba vương làm phản một ngày, vua chiêm bao thấy một người tự xưng là thần núi Đồng Cổ nói với vua về việc ba vương Vũ Đức, Đông Chinh, Dực Thánh làm loạn, nên bảo đem quân đánh ngay đi. Khi tỉnh dậy, vua sai phòng bị, quả nhiên ứng nghiệm. Vua chiếu cho hữu ti dựng miếu ở bên hữu thành Đại La, liền sau chùa Thánh Thọ, lấy ngày 25 tháng ấy đắp đền, cắm cờ xí, dàn đội ngũ, treo gươm giáo. Ở trước thần vị, vua đọc lời thề rằng: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, xin thần minh giết chết.” Các quan đi từ cửa Đông đi vào đến trước thần vị cùng uống máu ăn thề, hàng năm lấy làm lệ thường. Sau vì tháng ba gặp ngày quốc kỵ, hoãn đến ngày 4/4”.

Tục lệ đó được giữ suốt hai thế kỷ triều Lý, gián đoạn một vài năm ở Triều Trần. Nhưng chỉ ba năm sau khi lên ngôi, vào năm 1228, vua Trần Thái Tông đã khôi phục hội thề ở đền Đồng Cổ vào ngày 4/4 âm lịch hàng năm giống nhà Lý nhưng sửa đổi lại lời thề. Tục lệ này được giữ suốt đời Trần. Sau đó, do nhà Hồ chuyển đô vào Thanh Hóa nên hội thề tổ chức ở núi Đún, tức Đốn Sơn nằm phía ngoài Chính môn của thành Tây Đô (Tây Giai), gọi là hội thề Đốn Sơn. Năm 1399, Trần Khát Chân cùng Thái bảo Trần Nguyên Hãng và một số vương hầu nhà Trần mưu sát Hồ Quý Ly trong hội thề này nhưng không thành. Sau vụ biến tại hội thề, Hồ Quý Ly cho là thần Đồng Cổ không còn thiêng nữa nên bãi bỏ hội thề. Hội thề Đồng Cổ và hội thề Đốn Sơn đã được nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đưa vào tiểu thuyết Hồ Quý Ly.

Đại Việt sử ký toàn thư, Kỷ nhà Trần có mô tả: Hàng năm vào ngày 4/4, tại đền thờ thần Đồng Cổ, theo lệnh của vua, Tể tướng và quan lại họp nhau lại uống máu ăn thề. Quan Trung thư kiểm chính tuyên đọc lời thề rằng: “Làm tôi tận trung, làm quan trong sạch, ai trái thề này, thần minh giết chết”. Đọc xong, Tể tướng sai đóng cửa điểm danh, người vắng mặt phải phạt 5 quan tiền. Ngày hôm ấy, con trai, con gái đứng ở bốn phương ở cạnh đường để xem, cho là hội lớn. Sang thời Lê mới đổi nơi thề ra bờ sông, sai quân đến tế ở đền Đồng Cổ.

Đền Đồng Cổ nằm trên khu đất cao trông ra khúc sông Tô Lịch ven đường Thụy Khuê. Từ thế kỷ XX, khúc sông này bị thu hẹp dần, vào thời kỳ Thực dân Pháp đô hộ nhân dân đã chuyển trống đồng về nhà Hội đồng, đến thời kỳ chống Mỹ thì bị mất trống, còn ngôi đền thì bị thực dân Pháp phá hủy, vì thế mãi đến năm 2000 dân làng mới góp công sức xây dựng lại đền. Năm 2010 sau lần tu bổ tôn tạo lớn chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, ngôi đền đã có đầy đủ các hạng mục: Nghi môn, Tả hữu vu, Tiền tế, Trung cung và Hậu cung. Dáng vẻ hiện nay mang phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn, cổng tam quan cũ xây lại kheo kiểu nghi môn, tiền tế xây 2 tầng 8 mái như một Phương đình. Chính giữa Hậu cung là hương án thờ, trên đặt long ngai bài vị - áo mũ thần Đồng Cổ.

Trên trụ biểu ở cửa đền còn có đôi câu đối:

Bát diệp sơ Đồng Cổ sơn ngôn, lịch đại bao phong lưu ngọc điệp;

Thiên tải hậu Chu Bàn hải thệ, nhất tâm trung hiếu phụng kim chương.

Tạm dịch là:

Tám đời vua, Đồng Cổ núi vang, hậu thế phong thần lưu sắc ngọc;

Ngàn năm trải, Đàn Thề biển tạc, một lòng trung hiếu tỏa ánh vàng.

Trên bức ván mê nối giữa gian Trung tế và Tiền tế có bức hoành phi đề bốn chữ lớn: “Đồng Cổ linh từ”.

Đền Đồng Cổ còn giữ được 12 đạo sắc phong từ năm 1741 đến 1855, mang các niên hiệu: Cảnh Hưng, Chiêu Thống, Quang Trung, Cảnh Thịnh, Thiệu Trị, Tự Đức. Tiến sĩ Trần Bá Lãm (1757-1815) có bài “Vịnh Đồng Cổ đàn”.

Phiên âm như sau:

Liên hoa bát diệp mộng sơ tinh,

Hà xứ sơn thần tự hiển linh.

Tha niên Trần Cảnh di thần khí,

Dao vọng minh đàn thảo sắc thanh.

 Dịch thơ:

Hoa sen tám cánh, mộng không thành,

Thần núi nơi nào tự hiển linh?

Trần Cảnh năm xưa dời trống thánh,

Đàn thề xa ngắm: cỏ màu xanh.

Ngày 31/01/1992 đền được công nhận Di tích lịch sử quốc gia.

Cho đến nay đền Đồng Cổ vẫn giữ được tục lệ hội thề "Trung hiếu" truyền thống. Cứ ngày 4/4 âm lịch hằng năm, chính quyền và nhân dân lại mở hội. Tham gia lễ hội không chỉ có dân vùng Bưởi mà còn có đông đảo bà con các vùng khác.

Xưa kia, người thề trước uy linh Đại vương Thần minh chủ là vua chúa, những người điều hành đất nước; ngày nay là tập thể nhân dân, hàng ngũ chỉnh tề dưới đền hồng xin thề. Nhân dân Đông Xã, ngày ngày mở cửa hương khói chăm nom đền Đồng Cổ. Kết thúc lời thề trung hiếu tại đền Đồng Cổ là dư âm của chiêng trống, là cõi tâm linh, mỗi người đều ngân trong lòng lời cầu nguyện.

Trống đồng được coi là một "bảo vật", gắn liền với nền văn hoá Đông Sơn nổi tiếng. Nó vừa là biểu tượng của quyền uy, song rất đỗi gần gũi, gắn với tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp. Chính bởi vậy, việc thờ thần trống đồng đã trở thành một bộ phận tín ngưỡng dân gian. Về vị thần và sự tích Đồng Cổ nói chung cũng như với Đồng Cổ (ở Nguyên Xá) nói riêng được ghi chép trong nhiều tư liệu (như Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên; Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên...). Cho đến nay, chúng ta đã biết tới 3 di tích thờ thần Đồng Cổ (Đan Nê -Thanh Hoá; Đền Đồng Cổ ở Bưởi, Tây Hồ và Đền Đồng Cổ ở Nguyên Xá). Lắng đọng sâu xa và là linh hồn của mỗi di tích là hội thề Đồng Cổ, có lúc nó đã trở thành là một sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng quan trọng của kinh thành Thăng Long xưa. Mặc dù còn có nhiều quan điểm khác nhau về đền thờ Đồng Cổ ở Hà Nội, giữa sử sách và truyền thuyết dân gian, giữa ngôi đền/miếu Đồng Cổ ở Nguyên Xá (Từ Liêm) và ngôi đền/miếu ở phường Bưởi (Tây Hồ)... song giá trị lịch sử - văn hoá của di tích là không thể phủ nhận.