Chùa Trầm

30/11/2020

Chùa Trầm là một quần thể các ngôi chùa tọa lạc trên núi Trầm (hay còn gọi là Tử Trầm Sơn), thuộc địa phận xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, cách trung tâm Hà Nội khoảng 25 km. Địa thế cụm di tích rất đẹp với các núi nhỏ chung quanh như núi Ninh Sơn, Đồng Lư, Tiên Lữ

Chùa Trầm là một quần thể các ngôi chùa tọa lạc trên núi Trầm (hay còn gọi là Tử Trầm Sơn), thuộc địa phận xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, cách trung tâm Hà Nội khoảng 25 km. Địa thế cụm di tích rất đẹp với các núi nhỏ chung quanh như núi Ninh Sơn, Đồng Lư, Tiên Lữ…

Khu vực này thực ra là cả một cụm danh lam thắng cảnh với núi Trầm và ba ngôi chùa: chùa Trầm, chùa Hang và chùa Vô Vi. Sự hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên và các di tích đã làm nên một khu danh thắng tuyệt đẹp.

Là khối núi đá vôi được tạo thành từ chín đỉnh nhỏ, nổi lên sừng sững giữa những cánh đồng lúa trải dài mênh mông, giữa xóm làng chen vai sát cánh, lại được dòng sông Đáy xanh trong mềm mại như một dải lụa bao quanh, núi Trầm vì thế có phong cảnh hết sức nên thơ, tráng lệ. Điều này đã lý giải được việc xưa kia vua Lê, chúa Trịnh đã đặt hành cung ở đây để thưởng ngoạn cảnh sắc.

Di tích đầu tiên trong quần thể này là chùa Trầm, được xây dựng từ thế kỷ 16. Tuy là một ngôi chùa nhỏ, không đồ sộ hay hoành tráng như những ngôi chùa khác ở Bắc bộ, nhưng với thế “tựa sơn, hướng thủy”, lưng dựa vào dãy Tử Trầm còn mặt hướng ra sông Đáy, ra đồng ruộng, chùa Trầm có được một phong cảnh hữu tình hiếm có.

Những vách đá, những tán cây trên núi còn xòa bóng, che trở cho chùa Trầm, vừa làm cho không gian ở đây mát mẻ quanh năm, vừa khiến cho du khách có cảm giác như núi và chùa liền một khối, gắn bó khăng khít với nhau không thể tách rời. Sân chùa hiện cũng có rất nhiều những cây cổ thụ tỏa bóng mát, mang tới sự trong lành, mát mẻ quanh năm cho không gian chùa. Vào những ngày tháng ba mùa xuân, hoa mộc nở khắp sân chùa thơm ngát khiến cho không gian chùa thêm thanh tịnh.. Trên vách núi, những cây hoa xưa núi nở hoa trắng ngần, với hàng vạn bông hoa trắng rụng đầy sân chùa, làm du khách đến rồi chẳng muốn rời chân.

Ngay bên phải của chùa Trầm là động Long Tiên (hay còn gọi là hang Trầm), trong động có chùa Hang.

Cửa hang Trầm không lớn lắm, nhưng bên trong hang lại có không gian thoáng đãng với vòm hang khá cao. Vào những ngày đẹp trời, ánh sáng tự nhiên len qua những khe nhỏ trên vòm hang chiếu rọi có thể nhìn thấy nhiều thạch nhũ với nhiều màu sắc, hình thù trong hang, cùng với rất nhiều tượng phật được tạc khắc công phu nằm rải rác khắp lối đi.

Ở chính giữa động là bàn thờ phật được trang hoàng với nhiều bức tượng Phật từ nhỏ tới lớn được tạc bằng đá. Đây cũng là một trong những điểm hấp dẫn của cụm di tích này. Trong kháng chiến chống Pháp, hang Trầm là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng sống và làm việc trong những ngày đầu kháng chiến. Đây cũng là địa điểm đầu tiên Đài tiếng nói Việt nam chuyển về sau khi rời Hà Nội để tiếp tục làm việc (từ ngày 20-12-1946 đến ngày 4-3-1947). Chính từ đây Đài tiếng nói Việt nam đã phát đi lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến vào ngày 20-12-1946, ngay sau đêm quân dân thủ đô Hà Nội nổ súng tấn công giặc Pháp trở lại xâm lược nước ta. Hiện ở sân chùa Trầm vẫn còn tượng đài kỷ niệm sự kiện này.

Chính bởi những dấu tích lịch sử đó, cùng với kiến trúc độc đáo và lâu đời mà quần thể chùa Trầm đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1962.

Nằm tách biệt với hai ngôi chùa trên, cách chùa Trầm chưa đầy 1km, là chùa Vô Vi (còn gọi là Trầm Vô Vi). Đây là ngôi chùa nổi tiếng nhất và cũng độc đáo nhất trong quần thể chùa chiền quanh núi Trầm. Trải qua thời gian, kiến trúc của chùa vẫn được giữ gần như nguyên vẹn cho tới ngày nay.

Tương truyền, vào thế kỷ thứ X, một trong những thủ lĩnh của 12 sứ quân đến đây mai danh ẩn tích rồi dựng lên ngôi chùa. Thời Tiền Lê, chùa xây dựng ở chân núi có tên gọi là Phúc Trù tự. Thời Trần chùa được xây dựng ở lưng núi gọi là Trai Tinh tự. Thời Hậu Lê, niên hiệu Hồng Thuận 6 (1514) chùa dời lên gần đỉnh núi như ngày nay, đổi lại tên như thời nhà Đinh là Vô Vi tự.

Vì nằm trên đỉnh núi nên chùa không rộng, chỉ chừng hơn 10m2, tượng Phật cũng không có nhiều nhưng kiến trúc chùa còn bảo lưu được theo lối xưa. Trên vách núi còn treo một quả chuông đúc năm 1814. Bước qua hơn 100 bậc thang đá quanh co là lầu Nghênh Phong (lầu đón gió) trên đỉnh núi. Đứng trên lầu Nghênh Phong, phóng tầm mắt là có thể ngắm dòng sông uốn khúc, ruộng đồng phì nhiêu, khung cảnh thanh bình, bao nhiêu mệt mỏi, bụi bặm bon chen nơi  phố xá náo nhiệt, bỗng chốc tan biến…

Vô vi trong quan niệm Đạo giáo của Lão Tử thường được hiểu lầm là không nên làm gì cả, nhưng thật ra Lão Tử khuyên rằng làm mà như không làm, và không làm những điều không nên làm. Ông cũng viết rằng nước tuy mềm mại uyển chuyển nhưng có thể chảy đến bất cứ nơi nào, và với một khối lượng lớn thì có thể làm lở cả đất đá. Như vậy vô vi có thể ví von với cách hành xử của nước. Con người vô vi, tự nhiên vô bất vi, thánh nhân vô vi, bách tính vô bất vi, thiên địa vô vi, trừ đi sai lầm của “ hành động tạo tác của con người”, thì sẽ trở về với sự tốt đẹp của tự nhiên, đây cũng là ý “ vô vi nhi bất vi của Lão Tử”. Theo đạo Phật, “vô vi của đạo Phật” đó là triết lý “tính không của Bát Nhã”, tính không này chẳng phải không làm gì cả mà là tính không trung đạo duyên khởi, không để cho các vọng niệm sai lầm mê chấp của con người ảnh hưởng và tác động đến sự tồn tại của vạn sự vạn vật mà tiếp nhận sự tồn tại và không tồn tại của vạn vật theo các nhân duyên sinh khởi và hoại diệt của bản thân sự vật… Trong Phật giáo nguyên thủy, thì chỉ có Niết bàn được xếp vào hạng vô vi. Tất cả các pháp còn lại là hữu vi. So sánh giữa hai tư tưởng này thì vô vi của Lão giáo vẫn ở trong cuộc đời dù không bon chen, tranh dành, nhưng khi có vẫn nhận hưởng, còn tư tượng Phật giáo bắt đầu từ chữ “không” và có khuynh hướng xuất thế.

Sự tĩnh lặng của ngôi chùa cùng khung cảnh yên tĩnh sẽ khiến những muộn phiền hàng ngày trong bạn biến mất. Trước mắt bạn là ánh nắng mặt trời lấp lánh phản chiếu trên dòng sông, những cây hoa đại nở từng bông trắng rụng trước sân chùa... Cảm giác ấy khiến ai đã đến một lần còn mãi nhớ…Điểm xuyết đây đó giữa màu xanh thăm thẳm của cây cối đang mùa trổ lá là một vài cây hoa gạo đang rực nở những bông hoa đỏ thắm tháng ba, hay nhưng cây hoa xoan tím ngát một góc trời…

Cảnh quan thiên nhiên và những hệ thống kiến trúc, vật chất đã làm nên một thắng cảnh cụm di tích chùa Trầm nhiều giá trị. Cụm di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia năm 1962 tại Quyết định số 313VH/VP ngày 28/4/1962.