Các nhà hát của Hà Nội đã xây dựng những chương trình chỉ dành riêng phục vụ khách du lịch.

Dày đặc lịch diễn

Nhà hát Múa rối Thăng Long đạt kỷ lục top 10 nhà hát Đông Nam Á “đỏ đèn” tất cả 365 ngày với hơn 700 suất diễn/năm. Đối tượng làm nên kỷ lục của Nhà hát Múa rối Thăng Long không phải là khách Việt, mà chủ yếu là du khách nước ngoài. Rất nhiều công ty du lịch chọn điểm dừng chân trong tour diễn của mình là tại nhà hát này. Không kín lịch diễn như Nhà hát Múa rối Thăng Long, nhưng 2 năm trở lại đây, mỗi tuần 2 buổi, ngôi nhà 15 Nguyễn Đình Chiểu đã trở thành điểm diễn thường xuyên của chiếu chèo Hà Nội. Đến với chiếu chèo này là các ông “Tây”, bà “Tàu”. NSND Thúy Mùi – Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội cho biết: “Các buổi diễn phục vụ du khách có nhu cầu thưởng thức chỉ trong vòng 45 – 60 phút. Chính vì vậy, nhà hát không tham những vở diễn lớn, chỉ dựng những trích đoạn toát lên được cái hay của giai điệu và động tác của chèo”. Sau điểm diễn 15 Nguyễn Đình Chiểu, mới đây Nhà hát Chèo mở thêm chương trình “Hà Nội đêm thứ 7” tại 87 Đại Nam. Tại đây, chiếu chèo dành cho những người thích tìm hiểu sâu, khám phá những vở diễn kinh điển như: Quan âm thị Kính, Nàng Sita, Long thành diễn xướng.

 Vở diễn “Tứ phủ” của Nhà hát Kịch Hà Nội ngày càng thu hút nhiều du khách nước ngoài đón xem.  Ảnh:  Loan Thanh

Hà Nội đang xây dựng các đặc sản nghệ thuật mang dấu ấn Thủ đô, đó là điều dễ nhận thấy trong các chương trình “Tứ phủ” của Nhà hát Kịch Hà Nội – lấy cảm hứng từ các giá đồng và nghệ thuật hát chầu văn hay “Mệnh đế vương” của Nhà hát Cải lương Hà Nội. Một số nhà hát T.Ư cũng bắt đầu khai thác tiềm năng khán giả từ lượng khách du lịch. Ví như Nhà hát Kịch Việt Nam hợp tác với Công ty Du lịch Vietrantour xây dựng và giới thiệu chùm sản phẩm tour kết hợp xem các chương trình kịch của nhà hát. Nhà hát Lớn Hà Nội cũng bắt đầu thu hút khách du lịch đến tham quan công trình nhà hát và xem biểu diễn nghệ thuật. Ngoài ra, nhiều câu lạc bộ nghệ thuật khác như Ca trù Thăng Long, Ca trù Hà Nội… cũng biểu diễn định kỳ tại các di tích trong khu Phố Cổ nhằm phục vụ khách du lịch.

Nơi sôi động, chỗ đìu hiu

Hơn 10 năm, các nhà hát xây dựng chương trình thương hiệu phục vụ khách nước ngoài. Tuy nhiên, ngoại trừ Nhà hát Múa rối Thăng Long, Nhà hát Chèo Hà Nội và mới đây là Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Kịch Hà Nội… thì không thiếu điểm diễn có không quá 50 người xem/1 buổi diễn. Thậm chí Bích Đạo Quán ở phố Cát Linh, có những đêm 10 ca nương, đào kép… hòa phách nhịp cả tiếng đồng hồ, cũng chỉ đón được một du khách nước ngoài đến thưởng thức. “Dù có 1 khán giả, chương trình vẫn đảm bảo biểu diễn trong một giờ đồng thời tạo điều kiện cho khách giao lưu, trải nghiệm với các nhạc cụ mà không cắt bớt thời gian. Khách đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác bởi sự độc đáo của nghệ thuật ca trù và tinh thần hiếu khách của các nghệ sĩ” – Nghệ sĩ Lê Thị Bạch Vân – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội chia sẻ.

Nhà hát Cải lương Hà Nội hiện sở hữu điểm diễn đẹp ngay phố Hàng Bạc – nơi tập trung rất đông du khách nước ngoài, song lịch diễn khá thưa. Ông Trần Quang Hùng – Giám đốc Nhà hát chia sẻ, mỗi tháng Nhà hát chỉ biểu diễn 4 buổi vào thứ 5 hàng tuần, nhưng mỗi buổi chỉ khoảng 50 khách đến xem. Theo ông Hùng, mặc dù ít nhưng duy trì lượng khách như vậy vẫn là điều may mắn cho Nhà hát. Muốn đưa chương trình nghệ thuật vào tour của các công ty du lịch nước ngoài (đối tác đưa khách du lịch quốc tế sang Việt Nam), cần một khoản kinh phí lớn, mà Nhà hát lại chưa tìm được nguồn.

Sở hữu nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống, trong đó có loại hình được vinh danh di sản văn hóa thế giới, Hà Nội có nhiều lợi thế để khai thác, phát triển thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, cách thức quảng bá của nhiều đơn vị vẫn chưa chuyên nghiệp, nên sản phẩm được làm ra vẫn chưa thu hút được du khách.