Những năm gần đây, loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có sự phát triển khá nhanh, trở thành một trong những sản phẩm du lịch độc đáo và hấp dẫn, thu hút du khách trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, để khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của du lịch nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là phát huy lợi thế các làng nghề truyền thống, gắn kết với cộng đồng, đảm bảo sự phát triển hài hòa…, Hà Nội còn rất nhiều việc cần làm. Tạp chí Du lịch đã trao đổi với bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội xung quanh vấn đề trên.

Thưa bà, dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, bà đánh giá thế nào về thực trạng du lịch nông nghiệp, nông thôn Hà Nội thời gian qua?

Với điều kiện đa dạng về hệ sinh thái – tự nhiên, văn hóa, đặc biệt với vị trí thuận lợi kết nối với các tỉnh, thành phố trong cả nước, Hà Nội có tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Hà Nội hiện có 11 trang trại nông nghiệp sinh thái hoạt động theo mô hình giáo dục, du lịch trải nghiệm; 5 hợp tác xã (HTX) chuyên ngành kết hợp giáo dục, du lịch trải nghiệm tại 4 huyện, thị xã: HTX rau hữu cơ Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn; HTX rau Đường Lâm, HTX dịch vụ du lịch Đồng Mô thuộc xã Kim Sơn, thị xã Sơn Tây; HTX trải nghiệm xã Đồng Tiến, huyện Ứng Hòa và HTX Hồng Vân, huyện Thường Tín. Một số điểm đến du lịch nông nghiệp, nông thôn (DLNNNT) được khách du lịch biết đến nhiều như: Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), làng gốm sứ Bát Tràng, làng hoa giấy Phù Đổng (huyện Gia Lâm), làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân (huyện Thường Tín), núi Hàm Lợn (huyện Sóc Sơn)… Đây là những địa chỉ quen thuộc với nhiều người, nhất là học sinh. Đến với mô hình, khách du lịch được trải nghiệm không khí trong lành, tự tay trồng rau, thu hoạch sản phẩm và thưởng thức các loại nông sản tươi ngon do nông dân nuôi, trồng theo phương pháp hữu cơ ngay tại trang trại. Ngoài ra, tại các huyện Thanh Trì, Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn, Thạch Thất cũng đang hình thành ngày càng nhiều mô hình trang trại nông nghiệp kết hợp với du lịch, hấp dẫn du khách…

Có thể thấy, phát triển trang trại, hợp tác xã nông nghiệp kết hợp du lịch giáo dục trải nghiệm đã mở ra hướng mới cho nhiều vùng ngoại thành Hà Nội trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

du-lich-lang-hoa.jpg

Có một thực tế là, tiềm năng du lịch nông nghiệp còn rất lớn nhưng dường như vẫn chưa được khai thác, phát triển xứng tầm. Điểm “vướng” ở đây là gì? Thưa bà?

Điều này rất chính xác. Còn nhiều cái “vướng” khiến cho du lịch nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế trong phát triển. Có thể nêu một vài điểm chính: Hiện chưa có chính sách cụ thể thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân cho phát triển DLNNNT (chính sách đất đai, chính sách ưu đãi cho liên kết đầu tư, chính sách tiếp cận vốn đầu tư…)…

Hoạt động DLNNNT chủ yếu phát triển tự phát, không có quy hoạch nên chưa thu hút được nhiều khách du lịch. Sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn chưa chú trọng về xây dựng thương hiệu. Một số khu vực có điều kiện tự nhiên đồng nhất, tập quán sinh hoạt, văn hóa cộng đồng giống nhau dẫn dến các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn giữa các địa phương có sự trùng lặp, đơn điệu.

Nguồn nhân lực du lịch nông nghiệp, nông thôn chưa được đào tạo, thiếu kiến thức và kỹ năng du lịch. Phần lớn các hộ gia đình tại khu vực nông thôn chỉ quen sản xuất nông nghiệp, chưa có đủ các kỹ năng để có thể phục vụ khách du lịch một cách chuyên nghiệp.

Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật DLNNNT chưa phát triển đồng bộ, thiếu về số lượng và yếu về chất lượng…

du-lich-nong-nghiep.jpg

Ngành Du lịch Hà Nội sẽ có những giải pháp gì để thúc đẩy du lịch nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới?

Để thúc đẩy DLNNNT phát triển, thu hút được đông đảo khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm, Sở Du lịch sẽ tập trung triển khai một số giải pháp cụ thể như sau:

Đề xuất tích hợp định hướng phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn vào phương án phát triển du lịch Thủ đô trong tổng thể quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.  

Đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc sắc, khác biệt, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao; Tạo không gian đổi mới, sáng tạo, hình thành sản phẩm mới, xanh và bền vững, gắn với xu hướng tìm về thiên nhiên, tăng tính trải nghiệm, trách nhiệm cho khách du lịch; Phát triển hài hòa,lấy cộng đồng làm trung tâm. Xây dựng mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc thù; xây dựng điểm đến du lịch nông thôn gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề, môi trường sinh thái của các huyện, thị xã.

Ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thônXây dựng ngân hàng hình ảnh, số hóa các thông tin, tài liệu về các điểm DLNNNT, tăng cường ứng dụng dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường (AR) để từng bước hình thành và  phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh nhằm hỗ trợ và tăng trải nghiệm cho khách du lịch, tạo điều kiện cho khách du lịch trải nghiệm các hoạt động, dịch vụ DLNNNT an toàn, thuận tiện và thân thiện.

Quan tâm, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực phục vụ DLNNNT.

Tăng cường công tác truyền thông, quảng bá, xúc tiến DLNNNT. Xây dựng, triển khai các chương trình xúc tiến quảng bá, hỗ trợ phát triển sản phẩm DLNNNT dựa trên lợi thế của hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc trưng văn hóa, sinh thái của các địa phương; xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu điểm đến DLNNNT trên địa bàn thành phố.

Xin cảm ơn những chia sẻ của bà!   

 

Nguồn: TẠP CHÍ DU LỊCH

https://www.vtr.org.vn/giam-doc-so-du-lich-ha-noi-dang-huong-giang-xay-dung-mo-hinh-chuoi-lien-ket-de-dinh-vi-thuong-hieu-du-lich-nong-nghiep.html