Xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030

18/06/2021

Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã ban hành Nghị quyết 04-NQ/TU về “xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”.

1706xaydungthuathienhuexungtamlamottrongnhungtrungtamlon.jpg

Xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo động lực thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các sự kiện, lễ hội được tổ chức đa dạng; hình thành những sản phẩm du lịch mới, điểm đến hấp dẫn. Quần thể Di tích Cố đô Huế, các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử được phục hồi, gìn giữ, tôn tạo, đã vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp và từng bước phát huy giá trị. Hệ thống thiết chế văn hóa, du lịch được quan tâm đầu tư. Hạ tầng hỗ trợ phát triển du lịch được đầu tư, nâng cấp. Cảnh quan, môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa, du lịch được chú trọng. Hoạt động giao lưu, hợp tác, hội nhập quốc tế về văn hóa; xúc tiến, quảng bá du lịch được tăng cường, góp phần nâng cao vị thế của Thừa Thiên Huế đối với trong nước và thế giới.

Nghị quyết 04-NQ/TU đã xác định mục tiêu, tầm nhìn nhằm phát triển văn hóa, du lịch của tỉnh: Đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước, Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, Thành phố Văn hóa ASEAN, Thành phố Du lịch sạch ASEAN, Thành phố bền vững môi trường ASEAN và đạt danh hiệu Thành phố sáng tạo về văn hóa. Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm văn hóa, du lịch lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á; là tiền đề để xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm văn hóa, du lịch lớn, đặc sắc, thành phố Festival của châu Á vào năm 2045.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu trên, Nghị quyết 04 đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đó là: 

- Xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa với các nội dung: Xây dựng hệ giá trị, phát triển văn hóa Huế, con người Huế mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó xây dựng hệ giá trị đặc trưng, giàu bản sắc của văn hóa Huế, con người Huế trên cơ sở gìn giữ, bảo tồn, tôn vinh, phát huy những giá trị truyền thống độc đáo, đặc trưng, tiêu biểu về văn hóa, lịch sử, con người xứ Huế; Bảo tồn, phát huy giá trị hệ thống di sản văn hóa; Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế xứng tầm là thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, thành phố lễ hội của Đông Nam Á; Đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa. Đẩy mạnh xây dựng môi trường và đời sống văn hoá lành mạnh, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, “xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa.

- Xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về du lịch với các nội dung: Tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng phát triển du lịch, ưu tiên hạ tầng phát triển du lịch thông minh và bền vững; Xây dựng các sản phẩm du lịch chủ lực thương hiệu Huế; Tăng cường quảng bá và xúc tiến du lịch.

- Phát triển công nghiệp văn hóa trên cơ sở hình thành và phát triển công nghiệp văn hóa gắn với việc quảng bá thương hiệu Huế, con người Huế. Xác lập các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ: Nhã nhạc Cung đình, Ca Huế, Tuồng Huế, Ẩm thực, Áo dài, tín ngưỡng, văn hóa dân tộc ít người; Tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp văn hóa nhằm khai thác, phát huy những tiềm năng, giá trị đặc sắc của địa phương gắn với phát triển du lịch, dịch vụ.

- Tăng cường sự gắn kết giữa du lịch với văn hóa, lấy văn hóa làm nền tảng để đẩy mạnh phát triển du lịch, giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, giữa phát triển đô thị và giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, môi trường sống. Triển khai các giải pháp đồng bộ về đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, bảo đảm hài hòa về kiến trúc, cảnh quan và môi trường. 

- Đẩy mạnh liên kết trong phát triển văn hóa, du lịch, nhất là với các trung tâm du lịch lớn của cả nước; các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; các địa phương có thế mạnh về văn hóa, du lịch. Qua đó, phát huy hiệu quả bản sắc văn hóa, giá trị đặc trưng của các địa phương để thu hút du khách bền vững, lâu dài.

- Phát triển nguồn nhân lực văn hóa, du lịch, có cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về văn hóa, nghệ thuật, du lịch.

- Nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước; phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể trong xây dựng, phát triển văn hóa, du lịch.

- Xác định tổ chức thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU là khâu quan trọng, Tỉnh ủy giao Đảng đoàn HĐND, Ban Cán sự Đảng UBND lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan liên quan để nghiên cứu, xây dựng chương trình Chương trình hành động thực hiện; các huyện ủy, thị ủy, thành ủy Huế và các đảng ủy trực thuộc có kế hoạch triển khai Nghị quyết nghiêm túc, chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 04; phát huy cao độ sự đồng thuận xã hội, vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống. 

                                                                                               Nguồn vietnamtourism.gov.vn