Việt Nam cần xã hội hóa việc xây dựng hạ tầng sân bay

05/12/2018

Kinhtedothi - Xã hội hóa việc xây dựng hạ tầng sân bay có thể là một trong những giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam. Đây là chia sẻ của Tiến sĩ Lương Hoài Nam - Phó Tổng Giám đốc VietStar Airlines trong phiên thảo luận tại Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam năm 2018 chiều 5/12.

Theo Phó Tổng Giám đốc VietStar Airlines Lương Hoài Nam, hạ tầng sân bay là một trong những thách thức lớn đối với đề án phát triển du lịch Việt Nam trong tương lai. Việc này cần phải được lưu tâm lưu ý, cần những động thái tháo gỡ kiên quyết. Nếu không thì hạ tầng sân bay sẽ kìm hãm phát triển du lịch.

Theo đó, từ năm 1975 đến nay, Việt Nam mới chỉ xây mới hoàn toàn và đưa vào hoạt động duy nhất sân bay Phú Quốc. Các sân bay khác được cải tạo từ sân bay quân sự với khả năng khai thác hạn chế. Đến nay, Việt Nam mới có 21 sân bay, công suất được 75 triệu khách mỗi năm.

“Công suất 21 sân bay này cộng lại với bằng được một sân bay ở Bangkok. Đây là những con số đáng lo ngại. Năm 2017, hệ thống sân bay phục vụ 95 triệu khách trên thực tế và dự kiến năm nay sẽ là 105 triệu khách. Đó là lý do các sân bay Tân Sơn Nhật, Nội Bài... luôn nằm trong tình trạng quá tải. Giao thông quanh khu vực sân bay cũng vì vậy mà bị quá tải. Điều này tạo hình ảnh xấu cho ngành du lịch Việt Nam”, ông Nam cho biết.

Ông Nam đưa ra giải pháp xã hội hóa hạ tầng sân bay tại Việt Nam. Dẫn chứng những trường hợp làm tốt như Vingroup làm đươc ôtô chỉ trong thời gian ngắn, ông cho rằng Nhà nước cần tin tưởng hơn ở khối tư nhân, để họ tham gia vào việc xây dựng và khai thác ngành hàng không, xây mới sân bay để đẩy nhanh tốc độ phát triển ở lĩnh vực này.

Bên cạnh vấn đề liên quan tới cơ sở hạ tầng du lịch, các đại biểu đưa ra rất nhiều thách thức cũng như giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam. Theo Phó chủ tịch cấp cao Tập đoàn Minor James A.Kaplan, để thành công trong việc tăng lượt khách đến thì các yếu tố về cơ sở hạ tầng, công suất sân bay, nhân lực... cũng là những yếu tố đóng vai trò quan trọng. “Chúng ta phát triển du lịch nhưng cơ sở hạ tầng, nhân lực, môi trường cần được tôn trọng”, ông nhấn mạnh.

Theo James, để giải quyết điều đó, Việt Nam cần tham gia vào kỷ nguyên số cùng khu vực tư nhân, thông qua giải pháp sô, dữ liệu nhân tạo, Big Data để thúc đẩy Việt Nam làm điểm đến. Ông dẫn chứng ngành du lịch phải tiếp cận hàng triệu nhóm khách hàng, do đó, Chính phủ cần xem đến giải pháp số, marketing số.

Bên cạnh đó, Chuyên gia du lịch toàn cầu và cố vấn cấp cao của BCG, John Lindquist cũng đưa ra lời khuyên cho Tổng cục du lịch về việc tái cơ cấu ngành. Dựa trên kinh nghiệm tư vấn cho chính phủ nhiều quốc gia, ông John Lindquist cũng cho rằng, Tổng cục Du lịch nên tách riêng chức năng quản lý và quảng bá du lịch để không có xung đột lợi ích. Tuy nhiên, Chính phủ cũng cần quy định rõ ràng về vai trò của hai đơn vị này.

Bên cạnh đó, chúng ta cần có sự tham gia của khu vực công - tư để đảm bảo phát triển thành công thành công. Ngân sách chủ yếu từ Chính phủ nhưng tư nhân cũng có thể tham gia, đóng góp vào quá trình này. Để phát triển du lịch, Việt Nam cần phân bổ nhân lực cho điểm đến, sản phẩm phù hợp, cần có sự linh hoạt khi bối cảnh thay đổi, từ có có thể xây dựng chiến lược marketing, quảng bá du lịch.

Hà Phương