Vận tải hàng không: Dư địa thúc đẩy du lịch phát triển

23/10/2019

Ông Kenneth Atkinson – Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) chia sẻ, vận tải hàng không đang là một trong những rào cản lớn của du lịch Việt. Và đây cũng là dư địa để có thể thúc đẩy du lịch Việt Nam tăng tốc.

Những điểm đến nào sẽ thu hút khách?

Việt Nam đã đạt được sự tăng trưởng rất đáng kể trong 3 năm qua với lượng khách quốc tế tăng từ 10 triệu trong năm 2016 lên 15,5 triệu trong năm 2018 và khách du lịch trong nước tăng từ 62 triệu trong năm 2016 lên 80 triệu vào năm 2018.

Và đây cũng là thách thức để ngành du lịch đạt được tốc độ tăng trưởng tương tự như trong giai đoạn 2016-2018.

"Tôi tin rằng với nhiều loại hình du lịch mà Việt Nam có thể cung cấp như du lịch di sản, bãi biển, sân golf, thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực, v.v… mà có thể đạt được sự tăng trưởng đáng kể hơn, nhưng có những rào cản lớn, mà quan trọng nhất theo tôi là vận tải hàng không"- ông K. Atkinson chia sẻ.

Theo vị chuyên gia này, gần như tất cả các sân bay của Việt Nam đang hoạt động vượt mức công suất thiết kế và đây chắc chắn sẽ là một yếu tố hạn chế đối với tăng trưởng du lịch.

Lấy ví dụ tại TP Hồ Chí Minh, ông K. Atkinson cho rằng, đây là một trung tâm nhập cảnh chính của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và có rất ít hy vọng tăng trưởng đáng kể về công suất trong 12 đến 24 tháng tới.

photo-2-1546048119373658274067

Không gian thư thái tại Sân bay Vân Đồn. Ảnh minh họa

Đánh giá về những điểm đến sẽ có sự tăng trưởng đáng kể trong 5 năm tới, theo ông K. Atkinson thì sẽ là những điểm đến mà trước hết cần có sân bay tốt và vận hành tốt, có sức chứa 2,5 triệu đến 4 triệu hành khách mỗi năm, hiện đang phát triển du lịch, vì vậy những nơi này có thể như Quy Nhơn và Huế. Các điểm đến khác như Sapa, nơi có tiềm năng phát triển tốt cũng sẽ phụ thuộc vào khả năng tiếp cận được cải thiện, tức là có đầu tư cơ sở hạ tầng. Các điểm đến tiềm năng khác bao gồm các địa điểm gần các sân bay quốc tế chính và các thành phố lớn có các điểm tham quan như Vũng Tàu và Hồ Tràm ở phía Nam và Vịnh Hạ Long, Cát Bà ở phía Bắc.

"Vịnh Hạ Long có tiềm năng phát triển tốt cả khách du lịch quốc tế và nội địa, nhờ có sự gia tăng các sản phẩm du lịch được Sun Group và Vinpearl phát triển, và tất nhiên là sân bay và sân golf quốc tế mới ở Vân Đồn sẽ tạo điều kiện cho các chuyến bay liên khu vực"- ông K. Atkinson chia sẻ.

Trong Báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch 2019 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) thì nhóm chỉ số Hạ tầng vận tải hàng không của Việt Nam tăng 11 bậc. Đây là mức tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực Châu Á- Thái Bình Dương. Trong đó tăng mạnh nhất là chỉ số số lượng hãng hàng không đang khai thác tăng 10 bậc.

Và phải làm gì?

Đà Nẵng trong những năm qua đã phát triển như là một điểm đến du lịch chính cả trong khu vực, quốc tế và đã đầu tư rất nhiều vào cơ sở hạ tầng. Hiện đã có kế hoạch mở rộng sân bay lên 25 triệu hành khách (tương đương công suất thiết kế hiện tại của sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất) cộng với sự phát triển của Nam Hội An và một số điểm vui chơi, giải trí khác sẽ tăng thêm sức hấp dẫn của Đà Nẵng đồng thời tăng đáng kể số lượng khách quay trở lại.

Theo các chuyên gia du lịch, thì các điểm đến khác của Việt Nam như Phú Quốc nếu có cơ hội "vượt" Đà Nẵng thì phải có cơ sở hạ tầng, trong đó hạ tầng hàng không, các chuyến bay đến – đi… thực sự phải được cải thiện.

Bamboo Airways của Tập đoàn FLC đã hoạt động được một thời gian và tạo được nhiều ấn tượng tốt với khách hàng.

Về cơ sở hạ tầng, thời gian qua có sân bay Vân Đồn, Quảng Ninh được xây dựng mới, tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, được vận hành bởi tư nhân. Theo đánh giá của Trưởng ban Thư ký TAB Hoàng Nhân Chính thì đó là "dự án tuyệt vời".

Thông tin mới nhất cho hay, tới năm 2025, Vinpearl Air sẽ có 62 đường bay quốc nội và 93 đường bay quốc tế, khai thác tại các thị trường trọng điểm châu Á, châu Âu và Mỹ.

Dự án của Vinpearl Air dự kiến khai thác vận chuyển hàng không thường lệ, vận chuyển hành khách, hàng hóa, hành lý với quy mô 6 tàu bay vào năm 2020 và tăng lên 36 tàu bay vào năm 2025, khai thác các đường bay quốc tế, nội địa.

Hãng này cũng dự kiến mạng đường bay nội địa có kết nối liên vùng, kết nối các cảng hàng không địa phương, các cảng hàng không thứ cấp và mạng đường bay quốc tế kết nối các cảng hàng không quốc tế chính và thứ cấp đi/đến các thị trường trọng điểm.

Ngoài các hãng bay đang hoạt động, hiện còn có Vietravel Airlines, Thiên Minh Group... cũng đang xếp hàng chờ cấp phép bay.

Theo ông Hoàng Nhân Chính, hiện TAB đang kêu gọi Chính phủ, thay vì chúng ta trông chờ vào ACV (Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam) thì nên có cơ chế cho các DN tư nhân tham gia đấu thầu, xây dựng và quản lý các sân bay. Từ đó chất lượng các sân bay được cải thiện nhanh./.

toquoc