Phát triển du lịch Hà Nội - Văn hóa là nền tảng

19/05/2018

Thủ đô Hà Nội với lợi thế là trung tâm văn hóa - chính trị - kinh tế - xã hội, nơi tập trung nhiều di sản, loại hình văn hóa nghệ thuật, ẩm thực... đã trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. Để tìm hiểu rõ hơn về hướng đi của du lịch trong thời gian tới, phóng viên Tạp chí Làng Việt đã có cuộc trao đổi với ông Trần Đức Hải - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội.

 Thưa ông, Hà Nội với bề dày văn hóa, lịch sử ngàn năm văn hiến, đây được xem là nguồn tài nguyên trong phát triển du lịch, vậy Hà Nội đã tận dụng những tài nguyên này như thế nào trong những năm vừa qua?

 

Hà Nội là điểm đến thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế
Hà Nội là điểm đến thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế . Ảnh: Thanh Hà

 

 

Ông Trần Đức Hải: Với bề dày lịch sử ngàn năm văn hiến của đất Thăng Long, thành phố vì hòa bình; Hà Nội đã xác định lấy sản phẩm du lịch văn hóa làm nền tảng để phát triển du lịch. Trong những năm qua, Hà Nội đã tập trung phát triển các sản phẩm du lịch thu hút du khách hiệu quả, tiêu biểu là đã tổ chức không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, cùng các hoạt động văn hóa nghệ thuật đường phố đã tạo hiệu ứng lớn cho du lịch Thủ đô; Khai trương phố sách Hà Nội tại khu vực phố 19/12; Phát triển các điểm đến đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch như: “Không gian áo dài Việt Nam” Lanhuong Fashion House, TanMy Design, “Không gian văn hóa Hà Nội”... Định hướng để các doanh nghiệp lữ hành xây dựng đưa vào hoạt động tuyến du lịch Hà Nội vàng từ trung tâm du lịch phố cổ - hồ Hoàn Kiếm kết nối với khu Quảng trường Ba Đình, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Mỹ thuật, Văn Miếu - Quốc Tử Giám; Chú trọng nâng cấp sản phẩm du lịch tại khu di sản văn hóa Hoàng thành Thăng Long, khu vực hồ Tây; Khai thác loại hình du lịch nghệ thuật gắn với di sản tiêu biểu như: Múa rối nước Đào Thục gắn với di tích Cổ Loa, Đông Anh; Khu vực đền thờ Hai Bà Trưng gắn với làng trồng hoa xã Tiền Phong, Mê Linh; Phát triển sản phẩm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng khu vực núi Ba Vì với hệ thống di tích lịch sử đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, đền thờ Bác Hồ gắn với khu di tích K9 - Đá Chông...; Phát triển các điểm đến du lịch làng nghề như làng gốm sứ Bát Tràng, làng nón Chuông, làng họa sỹ Cổ Đô... gắn với mô hình nghỉ tại nhà dân (homestay).

 

Ông Trần Đức Hải - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội
Ông Trần Đức Hải - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội.

 

 

Kết quả năm 2017, Hà Nội ước đạt đón được 23,83 triệu lượt khách, tăng 9% so với năm 2016; trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt 4,95 triệu lượt khách, tăng 23% so với năm 2016 (khách du lịch quốc tế có lưu trú ước đạt 3,533 triệu lượt khách); khách du lịch nội địa ước đạt 18,88 triệu lượt khách, tăng 6% so với năm 2016. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 70.958 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2016.

PV: Cơ cấu khách quốc tế đến Hà Nội hiện đang tập trung chủ yếu ở thị trường: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... Vậy năm 2018, Hà Nội dự kiến có những hoạt động xúc tiến như thế nào để mở rộng quảng bá hơn nữa Du lịch Thủ đô thưa ông?

Ông Trần Đức Hải: Năm 2017, công tác hợp tác, xúc tiến, quảng bá hình ảnh, sản phẩm du lịch của Thủ đô đã được triển khai mạnh mẽ. Thông qua đó, hình ảnh Thủ đô Hà Nội an toàn, thân thiện, hấp dẫn ngày càng được giới thiệu, quảng bá rộng rãi và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Hà Nội được đánh giá xếp thứ 7 trong top 10 thành phố có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới năm 2017 theo khảo sát của Mastercard về các điểm đến toàn cầu; Xếp thứ 6/10 điểm đến dẫn đầu xu thế du lịch 2017 (theo Tạp chí Business Insider dựa trên đánh giá của hệ thống chia sẻ nhà cho khách du lịch Airbnb); Đứng thứ 3 trong top 20 điểm đến du khách muốn ghé thăm nhất thế giới theo trang mạng xã hội Pinterest... Trong năm 2018, hoạt động hợp tác, xúc tiến, quảng bá của du lịch Hà Nội tập trung chủ yếu vào các nội dung sau:

Một là, tiếp tục triển khai Chương trình hợp tác chiến lược với Mạng tin tức truyền hình cáp CNN tuyên truyền quảng bá hình ảnh lịch sử, văn hóa, con người Hà Nội, Việt Nam trên kênh CNN quốc tế.

 

Ẩm thực là một trong những yếu tố thu hút khách du lịch khi tới Hà Nội
Ẩm thực là một trong những yếu tố thu hút khách du lịch khi tới Hà Nội.

 

 

Hai là, duy trì và mở rộng các chương trình hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong nước và với các tổ chức Hà Nội làm thành viên như: Tổ chức đăng cai hội nghị Hội đồng Xúc tiến Du lịch châu Á (CPTA) vào tháng 9/2018, tham gia hội nghị của Tổ chức Xúc tiến Du lịch các thành phố khu vực châu Á Thái Bình Dương (TPO). Chủ động phối hợp với các Đại sứ quán, các tổ chức quốc tế trên địa bàn thành phố để kết nối, giới thiệu quảng bá, hợp tác phát triển du lịch tại thị trường quốc tế và ngược lại.

 

Làng quạt Chàng Sơn (Thạch Thất, Hà Nội)
Làng quạt Chàng Sơn (Thạch Thất, Hà Nội).

 

 

Ba là, tập trung quảng bá điểm đến du lịch Hà Nội tại các thị trường khách du lịch quốc tế trọng điểm của du lịch Thủ đô thông qua việc chủ động tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế chuyên ngành du lịch như: Hội chợ du lịch quốc tế KOTFA tại Seoul, Hàn Quốc; Hội chợ Du lịch quốc tế Top Resa tại Paris, Pháp...

Bốn là, đẩy mạnh thực hiện công tác quảng bá, xúc tiến du lịch Hà Nội tại chỗ thông qua hợp tác liên kết với các hãng hàng không và hãng lữ hành quốc tế lớn như: Vietnam Airline, Emirates Airline (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất UAE), Qatar Airways (Qatar)… phối hợp tổ chức Hội chợ du lịch quốc tế VITM Hà Nội hàng năm thành sự kiện mang tầm quốc tế… gắn hoạt động quảng bá, phát triển du lịch với thực tiễn của các doanh nghiệp du lịch, khuyến khích sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp.

 

Tranh thêu Mỹ Đức (Mỹ Đức, Hà Nội)
Tranh thêu Mỹ Đức (Mỹ Đức, Hà Nội).

 

 

PV: Để nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, đưa Du lịch Thủ đô từng bước chuyên nghiệp hóa và phát triển bền vững, Sở Du lịch Hà Nội đã và đang có những bước đi như thế nào thưa ông?

Ông Trần Đức Hải: Hà Nội tập trung nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, vì vậy chúng tôi xác định định hướng xuyên suốt trong giai đoạn tới là phát triển du lịch chất lượng, hiệu quả theo hướng chuyên nghiệp, có trọng tâm, trọng điểm, trong đó đặc biệt coi trọng phát triển du lịch văn hóa, như tạo dựng sản phẩm hoàn chỉnh và đồng bộ gắn với phát triển các sản phẩm du lịch theo chuyên đề, sản phẩm du lịch phố cổ - hồ Hoàn Kiếm; Xây dựng sản phẩm du lịch kết nối với các địa phương; Phát triển điểm đến du lịch mới tại một số huyện ngoại thành có tiềm năng du lịch như: Ba Vì, Phú Xuyên, Thạch Thất, Chương Mỹ…

 

Rất đông du khách tham quan đền Ngọc Sơn
Rất đông du khách tham quan đền Ngọc Sơn . Ảnh: Thành Đạt

 

 

Chúng tôi nhận thấy, để phát triển du lịch Thủ đô cần phải đẩy mạnh thu hút các nguồn lực phát triển hạ tầng du lịch, các dự án đầu tư du lịch đạt tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế để tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc, có sức cạnh tranh, các dịch vụ hỗ trợ du lịch chất lượng cao để thu hút khách, tăng mức chi của khách du lịch, phấn đấu xây dựng, phát triển du lịch Hà Nội xứng đáng là trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước và khu vực, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 26/6/2016 của Thành ủy về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo.

 

PV: Xin cảm ơn ông!

Nguồn: http://langvietonline.vn