Khách Ấn Độ - thị trường du lịch bị bỏ quên

08/11/2019

Tại Ấn Độ, những người có mức chi trả cao mới thường ra nước ngoài du lịch và họ thích đi theo nhóm gia đình hoặc bạn bè.

Thu hút khách du lịch chi trả cao, lưu trú dài ngày là mục tiêu Việt Nam hướng đến. Bên cạnh khách đến từ Âu, Mỹ... Ấn Độ với hơn một tỷ dân cũng được đánh giá là "mỏ vàng" tiềm năng. Dưới đây là chia sẻ của Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu về thị trường này.

Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu.

Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu. Ảnh: NVCC.

- Ông đánh giá thế nào về tiềm năng khai thác du lịch từ Ấn Độ?

- Ấn Độ là một quốc gia rộng lớn, với dân số hơn 1,3 tỷ người, khoảng 25 triệu khách ra nước ngoài một năm và sắp tới tăng lên 35 triệu. Họ có đặc điểm đã đi du lịch thì chi tiêu lớn. Đã có thống kê họ là khách chi trả nhiều nhất ở Thụy Sĩ. Du khách Ấn Độ là thị trường chúng ta bỏ quên lâu nay, vì không hiểu được, không nhận thức đầy đủ về họ.

- Đặc trưng của khách Ấn Độ là gì, thưa ông?

- Khách Ấn Độ chưa hiểu nhiều về Việt Nam. Họ chủ yếu đến qua các chương trình hợp tác, xúc tiến thương mại và đầu tư. Nhưng khi đã đến Việt Nam, các du khách đều thấy thích thú. Họ không ngờ đất nước phát triển như hiện nay: cảnh quan đẹp, quy hoạch chặt chẽ, công tác tổ chức chỉn chu (đúng giờ, chuyên nghiệp, hạ tầng tốt). Đây cũng là 3 điểm mà Ấn Độ không mạnh.

Bên cạnh những resort đẹp, khách Ấn Độ thích tiêu dùng, ăn uống, tiệc tùng. Họ không bao giờ đi một mình mà thường đi cả nhóm bạn bè hoặc gia đình. Họ kỹ tính về đi lại, ăn uống nhưng chi rất mạnh cho tiêu dùng và mua sắm. Những người Ấn đi du lịch nước ngoài là những người thuộc đẳng cấp giàu có, trong nhà có ít nhất 4-5 người giúp việc. Đơn cử trong đám cưới Ấn Độ tại Phú Quốc, họ mang đến 50 đầu bếp sang để phục vụ.

- Vậy đâu là rào cản cần vượt qua để Việt Nam thu hút khách Ấn Độ?

Rào cản lớn nhất là nhận thức. Mình có coi họ là một thị trường quan trọng để khai thác không? Tại hội chợ quốc tế ITB tại Đức, một bạn Ấn Độ đến gian hàng Việt Nam và được trả lời Ấn Độ không phải là thị trường trọng điểm của chúng tôi.

Chúng ta hiện nhắm vào thị trường Âu Mỹ, mà không nghĩ nếu đánh đúng thì Ấn Độ mới là thị trường khách chi trả cao. Bởi người giàu Ấn Độ mới đi du lịch, từ trung lưu trở xuống thì không. Vì thế, dân số 1,3 tỷ mà 25 triệu đi du lịch rất ít. Khác Trung Quốc, toàn dân đi du lịch, chi trả ít và phổ biến ở Việt Nam với các tour 0 đồng.

Trở ngại thứ hai là đường bay. Hiện có hai đường bay thẳng giữa Việt Nam và Ấn Độ được mở. Duy trì đường bay này là nhiệm vụ giai đoạn tới.

Thứ ba là cần hiểu được phong tục tập quán, thói quen của nhau. Vui vẻ, thoải mái, thân thiện, tình cảm, giá trị gia đình... là nét tương đồng với Việt Nam. Nhưng sự khác biệt lớn nhất là khách Ấn Độ thích dịch vụ kiểu ông bà chủ, được phục dịch (khác hoàn toàn với văn hóa đối đẳng của châu Âu). Tôi biết một ông chủ Ấn Độ từng tip hàng nghìn đô cho cô gái phục vụ phòng mấy ngày.

Đại sứ Phạm Sanh Châu (thứ ba từ phải sang) cùng gia đình dự đám cưới của đại gia Ấn Độ tại Phú Quốc hồi tháng 3/2019. Đại sứ là người kết nối giúp chú rể Rushang Shah và cô dâu Kaabia Grewal chọn Việt Nam là nơi tổ chức đám cưới Ấn Độ đình đám nhất 2019. Ảnh: NVCC.

Đại sứ Phạm Sanh Châu (thứ ba từ phải sang) cùng gia đình dự đám cưới của đại gia Ấn Độ tại Phú Quốc hồi tháng 3/2019. Đại sứ là người kết nối giúp chú rể Rushang Shah và cô dâu Kaabia Grewal chọn Việt Nam là nơi tổ chức đám cưới Ấn Độ đình đám nhất 2019. Ảnh: NVCC.

- Du lịch Việt Nam có thể làm gì ngay trước mắt?

- Kế hoạch hành động cần triển khai là thường xuyên quảng bá. Điều này rất quan trọng. Thái Lan làm điều này rất mạnh. Họ liên tục mang đoàn nghệ thuật sang biểu diễn, tổ chức roadshow, đố vui... để quảng bá điểm.

Người Ấn Độ thích hình thức truyền miệng nên kế hoạch quảng bá cũng cần lưu ý. Không thể làm chung chung và áp dụng các hoạt động như với các nước khác. Đại sứ quán mong muốn kết hợp với lực lượng trong nước (Tổng cục Du lịch, địa phương, doanh nghiệp) làm các chương trình riêng để quảng bá về Việt Nam, liên tục ở Ấn Độ.

- Đại sứ quán có kế hoạch hỗ trợ xúc tiến du lịch tại Ấn Độ thế nào?

- Cứ 3 tháng Đại sứ quán Việt Nam lại tổ chức một roadshow du lịch ở các thành phố khác nhau để quảng bá về du lịch và đường bay thẳng. Do Việt Nam không có cơ quan quản lý du lịch riêng như Malaysia, Singapore, Sứ quán nhận thức đây cũng là trách nhiệm của mình. Nội dung thúc đẩy du lịch cũng được đưa vào các hoạt động đối ngoại của chúng tôi.

Sứ quán có kế hoạch đồng hành cùng hãng hàng không trong nước tham dự Tuần lễ du lịch lớn nhất của Ấn Độ. Ngoài ra, bất kỳ hoạt động nào của các doanh nghiệp tổ chức riêng, chúng tôi đều đồng hành. Thời gian tới, Sứ quán tiếp tục quảng bá du lịch Việt Nam như một điểm đến của đám cưới và golf.

- Theo ông, điểm đến nào ở Việt Nam hiện phù hợp để phát triển dòng khách Ấn Độ?

Ngoài Phú Quốc, Đà Nẵng là nơi thích hợp với khách Ấn Độ nhờ biển đẹp, quy hoạch ngăn nắp, chưa có tắc nghẽn giao thông, nhiều khách sạn cao cấp, cơ sở hạ tầng tốt. Đặc biệt, Đà Nẵng có Cầu Vàng là điểm khá nổi tiếng ở Ấn Độ năm 2019. Nơi đây còn gần 2 khu di sản Mỹ Sơn và Hội An, với Mỹ Sơn là thánh tích liên quan đến Hindu giáo nên có sự gần gũi nhất định. Tuy nhiên, Đà Nẵng cần có trung tâm mua sắm lớn để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của khách Ấn.

Hy vọng thời gian tới có thêm Hạ Long, Đà Lạt và Nha Trang. Hạ Long có di sản thiên nhiên thế giới nhưng đang quá tải. Ấn Độ ảnh hưởng của văn hóa Anh nên thích những biệt thự trên núi cao, trong rừng. Tuy nhiên, để đón được khách Ấn, Đà Lạt cần có những khách sạn 700 - 1.000 phòng, điều nơi này hiện thiếu.

Ngoài việc đầy đủ dịch vụ ăn, tiêu dùng, một yếu tố cần lưu ý là các điểm này phải tạo được trào lưu với người Ấn.

 
vnexpress