Du lịch Việt Nam phát huy truyền thống khẳng định vai trò ngành kinh tế mũi nhọn

10/07/2019

Ngày 9/7/1960, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định 26/CP thành lập Công ty Du lịch Việt Nam trực thuộc Bộ Ngoại thương. Ðây là sự kiện ghi dấu sự ra đời của một ngành kinh tế non trẻ và thể hiện tầm nhìn chiến lược sâu sắc của Ðảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh chuẩn bị cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước sau này. Từ đó, ngày 9/7 hàng năm được coi là ngày truyền thống ngành Du lịch Việt Nam. Trong suốt lịch sử 59 năm xây dựng và trưởng thành, Du lịch Việt Nam đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trở thành nhịp cầu hữu nghị của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế với bạn bè quốc tế.

 

TS. Nguyễn Trùng Khánh
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch
 
Gần 60 năm đồng hành cùng sự phát triển của đất nước, trải qua nhiều thời điểm lịch sử khác nhau song Du lịch Việt Nam đã tỏ rõ bảnlĩnh năng động, sáng tạo, từng bước xây dựng và trưởng thành, đóng góp tích cực vào việc hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của đất nước. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Du lịch đã huy động công sức và trí tuệ nghiên cứu lý luận và khảo nghiệm, tổng kết thực tiễn phát triển du lịch trong nước và quốc tế, hình thành, đề xuất và hoàn chỉnh dần hệ thống các văn bản chính sách phát triển du lịch của Đảng và Nhà nước, tiêu biểu là Nghị quyết 92/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển Du lịch Việt Nam trong tình hình mới, Luật Du lịch năm 2005 và Luật Du lịch sửa đổi năm 2017, Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn…
 
Cùng với sự nghiệp đổi mới đất nước, ngành Du lịch đã đạt được những thành quả quan trọng, ngày càng tăng cả quy mô và chất luợng, dần khẳng định vai trò ngành kinh tế mũi nhọn. Đến năm 2018, Du lịch Việt Nam đã đón và phục vụ 15,49 triệu lượt khách quốc tế, 80 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ du lịch đạt hơn 620 nghìn tỷ đồng (tăng 21,4% so với năm 2017). Mục tiêu của Du lịch Việt Nam trong năm 2019 là đón 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt trên 700.000 tỷ đồng, quyết tâm về đích trước 1 năm so với mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
 
Đến nay, hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất dịch vụ du lịch ngày càng mở rộng về quy mô, từng bước nâng tầm chất lượng và gia tăng sức cạnh tranh cho Du lịch Việt Nam. Sự gia tăng số lượng các khu vui chơi giải trí, khách sạn, khu nghỉ dưỡng có quy mô, mang thương hiệu nổi tiếng trong nước và quốc tế như Vinperal, Sunworld, FLC, Meliá, Accor, Marriott, Sheraton… đã góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh và ghi dấu đậm nét hơn hình ảnh, thương hiệu Du lịch Việt Nam. Đến tháng 6/2019, trên cả nước đã có trên 2230 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, hàng chục nghìn doanh nghiệp lữ hành nội địa; trên 28.000 cơ sở lưu trú; trên 23.790 hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề... Công tác đầu tư phát triển sản phẩm, theo định hướng tập trung, đồng bộ đã góp phần hình thành rõ nét các vùng động lực phát triển của Du lịch Việt Nam. Năm 2018 vừa qua ghi dấu sự lớn mạnh vượt bậc của Du lịch Việt Nam với việc được các tổ chức uy tín trên thế giới trao nhiều giải thưởng danh giá: Việt Nam là điểm đến hàng đầu châu Á năm 2018, Việt Nam xếp thứ 3 trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng khách quốc tế nhanh nhất thế giới năm 2018, vịnh Hạ Long vào top 30 điểm đến không thể nào quên trên thế giới, hang Sơn Đoòng là 1 trong 12 hang động ấn tượng nhất thế giới…
 
59 năm hình thành và phát triển chưa phải là dài đối với một ngành kinh tế nhưng với tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo của mình, Du lịch luôn đạt tốc độ tăng trưởng và tỷ trọng trong GDP tăng nhanh và liên tục. Năm 2018, đóng góp trực tiếp của Du lịch vào GDP đất nước đạt 629.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2015 – 2018, đóng góp trực tiếp của Ngành vào GDP đất nước lần lượt đạt 6,33%, 6,96% và 8,5% GDP. Du lịch góp phần tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng của khối ngành dịch vụ từ 38,7% (năm 2000) lên 42,7% (năm 2018). Du lịch phát triển đã góp phần làm thay đổi diện mạo đất nước, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, nâng cao vị thế và hình ảnh Việt Nam trong quá trình hội nhập với quốc tế, tạo động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển. Có thể khẳng định, Du lịch là một trong những ngành đã đạt được những thành tích nổi bật trong công cuộc đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Những thành tựu trên có được là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước với các chủ trương, chính sách, định hướng và giải pháp chiến lược phù hợp với tình hình và xu thế phát triển của thời đại. Đó cũng là kết quả của cả chặng đường dài phát triển với sự đóng góp của các thế hệ cán bộ và người lao động trong Ngành cùng với sự phối hợp hiệu quả của các Bộ, Ngành, sự năng động sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp cả nước và của các địa phương.
 
 
Vịnh Hạ Long
 
Những thành tựu đã đạt được của ngành Du lịch là rất quan trọng, nhưng đó mới chỉ là những kết quả bước đầu, chưa tương xứng với tài nguyên, tiềm năng cũng như kỳ vọng của xã hội. Trong giai đoạn tới, ngành Du lịch sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, đồng thời với đó là phải bảo đảm chất lượng tăng trưởng trước yêu cầu phát triển bền vững. Trong bối cảnh đó, Du lịch Việt Nam cần tập trung các nguồn lực thực hiện đồng bộ và hiệu quả một số giải pháp mang tính đột phá nhằm duy trì nhịp độ tăng trưởng, hoàn thành tốt các mục tiêu và nhiệm vụ đặt ra. Trong đó cần tiếp tục triển khai thực hiện thành công 08 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm mà Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định để tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển.
 
Nhân dịp kỷ niệm 59 năm ngày thành lập ngành Du lịch (9/7/1960 - 9/7/2019), thay mặt Lãnh đạo Tổng cục Du lịch, tôi xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo của các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; cảm ơn sự hợp tác của các Bộ, Ngành và các địa phương; sự hỗ trợ, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; sự đồng hành, chia sẻ của các cơ quan báo chí, truyền thông đối với sự phát triển của ngành Du lịch trong thời gian qua và mong tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ, ủng hộ, hợp tác sâu sắc hơn nữa trong thời gian tới.
 
Nhân dịp này, tôi cũng xin trân trọng gửi lời cảm ơn và tri ân đến các thế hệ những người làm du lịch, nhất là các doanh nhân, cán bộ, công chức, người lao động đang trực tiếp làm việc trong Ngành về những nỗ lực lao động, sáng tạo, vượt qua các thách thức, khắc phục khó khăn, đóng góp cho sự phát triển của ngành Du lịch Việt Nam thời gian qua.
 
Chúc ngành Du lịch Việt Nam tiếp tục đạt được nhiều thành tựu mới, thực hiện thắng lợi mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
 
TS. Nguyễn Trùng Khánh
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch
Nguồn: Báo Du lịch