Để Đồng Tháp là một trong ba điểm đến hấp dẫn của khu vực

24/09/2018

UBND tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, với mục tiêu đưa du lịch Đồng Tháp trở thành 1 trong 3 điểm đến hấp dẫn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Khách du lịch quốc tế tại Khu di tích Xẻo Quýt

Theo đó, đến năm 2030, du lịch Đồng Tháp phấn đấu thu hút 5,650 triệu lượt khách tham quan, du lịch; trong đó 160.000 khách du lịch quốc tế, tăng trưởng bình quân 4,5%/năm/tổng lượt khách. Tổng thu du lịch đạt 2.000 tỷ đồng, gấp đôi năm 2020, tăng trưởng bình quân 7%/năm.

Số ngày khách du lịch lưu trú bình quân phấn đấu đạt 2 ngày; tạo việc làm cho người dân địa phương từ 10.000 – 12.000 lao động. Số lượng lao động qua đào tạo tập huấn kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ du lịch đạt 80%/lao động trực tiếp.

Cơ sở lưu trú du lịch phấn đấu có từ 4 - 5 khách sạn đạt tiêu chuẩn hạng 4 sao – 5 sao, 10 khách sạn đạt tiêu chuẩn hạng 3 sao... Tổng số phòng lưu trú: 3.000 - 3.500 phòng. Doanh nghiệp du lịch, lữ hành: Có từ 40 – 50 doanh nghiệp… Để thực hiện mục tiêu trên, Kế hoạch đề ra 8 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm.

Trong đó, sẽ phát triển không gian du lịch phân theo Cụm. Cụm 1 gồm thành phố Cao Lãnh và các huyện: Cao Lãnh, Tháp Mười và Thanh Bình với các loại hình, sản phẩm du lịch như: du lịch tham quan sinh thái rừng tràm ngập nước nội địa gắn với các trò chơi thể thao cảm giác mạnh; du lịch về nguồn tìm hiểu lịch sử cách mạng gắn với giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa; du lịch nghỉ dưỡng ven sông Tiền gắn với các dịch vụ bổ trợ; du lịch ẩm thực gắn với mua sắm đặc sản địa phương - quà lưu niệm; du lịch lễ hội – văn hóa tâm linh; du lịch trải nghiệm nông nghiệp xanh – công nghệ cao gắn với làng nghề thủ công tiêu biểu của địa phương.

Cụm 2 gồm thành phố Sa Đéc và các huyện: Châu Thành, Lai Vung và Lấp Vò với các loại hình sản phẩm du lịch như du lịch văn hóa – lễ hội hoa gắn với tham quan đường hoa, công viên hoa, kiến trúc cổ và mua sắm; du lịch cộng đồng lưu trú tại nhà dân (homestay) gắn với trải nghiệm làng nghề truyền thống và thưởng thức ẩm thực bánh dân gian; du lịch nghỉ dưỡng tại các Cồn gắn với ngắm cảnh quan ven sông Tiền – sông Hậu.

Cụm 3 gồm thị xã Hồng Ngự và các huyện: Hồng Ngự, Tam Nông và Tân Hồng với loại hình du lịch tham quan sinh cảnh đất ngập nước nội địa gắn với tìm hiểu đa dạng sinh học vùng Đồng Tháp Mười; du lịch trải nghiệm cuộc sống ngư dân mùa nước nổi gắn với tham quan bãi chim sinh sản tại Vườn quốc gia Tràm Chim; du lịch khám phá vùng biên - cột mốc biên giới gắn với thương mại dịch vụ...

Nguồn: Nguyễn Toàn