Cao Bằng cần khai thác triệt để tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế-xã hội

09/07/2019

Kinh tế biên mậu và du lịch được xem là lợi thế để Cao Bằng phát triển trong thời gian tới. Tỉnh cũng cần đầu tư phát triển hệ thống giao thông để thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ logistic và nông nghiệp…

Ngày 8/7, Tỉnh ủy Cao Bằng tổ chức hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2020.
 
Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 37/NQ-TW và đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng chủ trì Hội nghị. Tham dự buổi làm việc các đồng chí đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thị của tỉnh Cao Bằng.
 
 
Đồng chí Nguyễn Văn Bình phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
(Ảnh: Thành Trung)
 
Thực hiện Nghị quyết số 37, tỉnh Cao Bằng đã triển khai đồng bộ các giải pháp và cơ bản hoàn thành, hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ, mục tiêu của nghị quyết. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7,5%/năm; quy mô nền kinh tế có sự tăng trưởng khá, tổng GRDP năm 2018 tăng gấp 2,68 lần năm 2004; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng lĩnh vực nông, lâm, nghiệp, tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trưởng bình quân 14%/năm. Thu ngân sách có sự tăng trưởng khá, bình quân đạt 18%/năm.
 
Các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến, hợp tác phát triển du lịch được tăng cường, doanh thu du lịch tăng cao; trên địa bàn tỉnh có 3 khu di tích quốc gia đặc biệt, Công viên địa chất Non nước Cao Bằng được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, an ninh lương thực, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống đại bộ phận nhân dân được cải thiện, nâng lên; bình quân mỗi năm giảm 3 - 5% hộ nghèo. Đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 15 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới, bình quân đạt 9,4 tiêu chí nông thôn mới/xã. Chủ quyền lãnh thổ, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
 
Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được chú trọng, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên được nâng lên. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương khóa XI, XII của Đảng được đẩy mạnh, triển khai nghiêm túc và sâu rộng trong toàn Đảng bộ, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, tư tưởng, hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
 
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình đánh giá cao các kết quả đã đạt được sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 37 tại tỉnh Cao Bằng đã có bước phát triển hết sức mạnh mẽ, hoàn thành phần lớn các mục tiêu của Nghị quyết, góp phần tạo ra sự phát triển vượt bậc, toàn diện trên các lĩnh vực; thay đổi diện mạo và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong tỉnh và các địa phương trong vùng.
 
Đồng chí Nguyễn Văn Bình đề nghị tỉnh cần nhìn nhận và so sánh với tốc độ phát triển của các địa phương khác trong vùng và cả nước để hoạch định chiến lược nhằm thu hẹp sự phát triển và khoảng cách giữa vùng cao với khu vực đồng bằng theo các chủ trương của Đảng và Nhà nước và đây cũng là mục tiêu quan trọng của Nghị quyết mới.
 
Để phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Văn Bình đề nghị tỉnh Cao Bằng cần đánh giá, xác định và khai thác triệt để các lợi thế so sánh của tỉnh so với các địa phương khác trong vùng và cả nước. Tỉnh cần khai thác và phát triển kinh tế biên mậu theo hướng chuyển đổi từ buôn bán tiểu ngạch sang chính ngạch để cùng với dịch vụ logistic, các trung tâm chế biến với hệ thống kho đông lạnh… Phát triển du lịch cần khai thác lợi thế có các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử và nét văn hóa truyền thống đặc biệt của Cao Bằng, kết hợp với các hình thức du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng, mạo hiểm, cộng đồng để tạo nên sự hấp dẫn thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
 
Đồng chí cũng đề nghị tỉnh Cao Bằng cần lựa chọn hướng đi đúng trong phát triển công nghiệp, hạn chế phát triển thủy điện nhỏ; hạn chế tối đa việc khai thác khoáng sản nhỏ lẻ. Trong nông nghiệp, cần phát triển trồng cây lâu năm và chuyển sang trồng cây gỗ lớn đan xen với cây ngắn ngày để nâng cao giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, tỉnh cần khai thác thế mạnh về chăn nuôi đại gia súc như bò, lợn theo mô hình trang trại quy mô lớn, nghiên cứu phát triển một số loại cây ăn quả song song với xây dựng các trung tâm chế biến nông sản để giúp nhân dân có thể thoát nghèo bền vững và làm giàu gắn với chế biến nông sản tại địa phương.
 
 
Đồng chí Nguyễn Văn Bình thăm và tặng quà các gia đình chính sách.
(Ảnh: Thành Trung)
 
Về hạ tầng giao thông, đồng chí Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh tỉnh cần chú trọng đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng được nhu cầu phát triển của vùng nói chung và Cao Bằng nói riêng. Với đặc điểm tự nhiên và đặc thù của vùng, nguồn vốn đầu tư hạ tầng giao thông sẽ chủ yếu bằng nguồn ngân sách để từ đó thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ logistics và nông nghiệp. Trung ương sẽ quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông kết nối tỉnh với vùng và các trục giao thông chính, tỉnh cần quan tâm phát triển giao thông liên huyện, liên xã để kết nối thông thương trong tỉnh…
 
Cùng ngày, đồng chí Nguyễn Văn Bình đã tới thăm và tặng quà ông Bùi Văn Ngọc và bà Đàm Thị Sáng là các cán bộ lão thành cách mạng tại thành phố Cao Bằng. Tại đây, đồng chí bày tỏ lòng biết ơn đối với công lao, đóng góp của ông Bùi Văn Ngọc và bà Đàm Thị Sáng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời chúc ông, bà luôn mạnh khỏe, tiếp tục là tấm gương sáng cho con cháu học tập noi theo, là tấm gương “tuổi cao gương sáng” của người cao tuổi tại địa phương./.
 
Trung Hòa
 
 
Nguồn: Báo Đảng Cộng Sản Việt Nam