Các điểm đến ở Hà Nội sẵn sàng đón khách SEA Games 31

08/05/2022

- Các di tích, danh thắng, bảo tàng nổi tiếng ở Thủ đô Hà Nội đã sẵn sàng chào đón du khách trong nước và quốc tế cùng các vận động viên, huấn luyện viên tham dự SEA Games 31 đến tham quan. Tại điểm đến này, du khách sẽ được tìm hiểu những giá trị lịch sử, nét văn hóa truyền thống của Việt Nam, nét đẹp của Hà Nội – Thủ đô nghìn năm văn hiến.

Xây dựng điểm đến hấp dẫn

Hình ảnh dễ nhận thấy tại các di tích, danh thắng, bảo tàng nổi tiếng ở Thủ đô vào những ngày đầu tháng 5 này là sự khang trang, sạch đẹp, các điểm đến được dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ, bố trí hoa, cây cảnh thật ấn tượng. Trước đó, dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 lượng khách đến tham quan Thủ đô tăng đáng kể. Mặc dù thời tiết nắng, nóng nhưng lực lượng bảo vệ làm nhiệm vụ vẫn hướng dẫn, nhắc nhở khách thực hiện các quy định xếp hàng mua vé, vào tham quan theo đúng tuyến và thực hiện các quy định phòng, chống dịch COVID-19.123-1.jpg

Giám đốc Trung tâm hoạt động Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội Lê Xuân Kiêu cho biết: SEA Games 31 là cơ hội tuyệt vời để quảng bá hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Chính vì thế, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, quảng bá SEA Games 31 trên website, fanpage của Trung tâm; thiết kế pano, áp phích giới thiệu hình ảnh bộ nhận diện SEA Games 31 trưng bày tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Trung tâm đã nghiên cứu, xây dựng sản phẩm dịch vụ, xây dựng phương án trong việc tăng cường, phối hợp nhằm đảm bảo công tác an ninh trật tự để đón các đoàn khách, huấn luyện viên, vận động viên, cổ động viên đến tham quan di tích trong thời gian SEA Games 31 diễn ra. “Trong đó, xây dựng kế hoạch, tuân thủ các quy định phòng, chống dịch COVID-19, bố trí nhận lực trực, hướng dẫn kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống dịch khi đến tham quan di tích”, ông Kiêu cho hay.

Hướng tới SEA Games 31 khu di sản Hoàng thành Thăng Long đã nghiên cứu, xây dựng, triển khai nhiều nội dung để đảm bảo an toàn khi đón khách. Phó Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội Nguyễn Hồng Chi thông tin, để đảm bảo công tác phòng chống dịch, Trung tâm đã lắp đặt hệ thống  khử khuẩn tự động tại các điểm dâng hương, tham quan trong di tích. Bổ sung biển chỉ dẫn, pa nô tuyên truyền, dung dịch sát khuẩn tại điểm đón tiếp, các khu vực tham quan trong di tích và các địa điểm tổ chức các hoạt động văn hóa. Lắp đặt hệ thống loa truyền thanh để nhắc nhở du khách thực hiện các yêu cầu về phòng chống dịch. “Lực lượng cán bộ, nhân viên khu di tích nhắc nhở khách đeo khẩu trang khi tham quan, xây dựng phương án hỗ trợ khi có đoàn khách đến tham quan đông. Trung tâm phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội có các hoạt động chỉnh trang không gian điểm đến để đón khách quốc tế, đảm bảo vệ sinh môi trường, chăm sóc cây xanh, lắp đặt các cụm chek-in SEA Games 31 tại Hoàng thành Thăng Long”, bà Chi cho biết.

Tại Khu di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, Phó Trưởng ban quản lý Di tích Đặng Văn Biểu khẳng định, di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò luôn chú trọng công tác phòng, chống dịch COVID-19. Lối vào tham quan di tích được phân luồng hợp lý để thuận lợi cho việc đón tiếp khách. Di tích cũng hướng dẫn quét mã QR, sát khuẩn trước khi vào tham quan, nhắc nhở khách đeo khẩu trang. Đặc biệt, di tích bố trí mở cửa lối ra, lối vào riêng biệt nhằm tạo thuận lợi cho khách đi tham quan. Để chuẩn bị đón khách là các vận động viên, huấn luyện viên, cổ động viên tham dự SEA Games 31, di tích đã tăng cường công tác vệ sinh, trang trí cờ hoa, phân công cán bộ, nhân viên trực để đón tiếp, hướng dẫn khách.

Tăng tính trải nghiệm cho khách tham quan

 

Để đón du khách trong nước và quốc tế, đặc biệt là dòng khách SEA Games 31, bên cạnh việc tăng cường công tác an toàn trong phòng chống dịch, xây dựng điểm đến hấp dẫn, các điểm đến ở Hà Nội cũng đã đổi mới nội dung, tăng tính trải nghiệm phục vụ du khách.  

456.jpg

Phó Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long, Hà Nội Nguyễn Hồng Chi chia sẻ: Ngoài việc đến tham quan di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long trong đó có khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, Hà Nội; thành cổ Hà Nội… Trung tâm tổ chức triển khai các nội dung trưng bày chuyên đề mới về “Đại tướng Văn Tiến Dũng - danh tướng thời đại Hồ Chí Minh”; phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng chương trình kích cầu du lịch, hỗ trợ các doanh nghiệp, thu hút khách đến Hoàng thành Thăng Long. Tiêu biểu tổ chức lại tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” hướng đến những giá trị văn hóa, lịch sử đặc biệt của di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long. Tour sẽ đem đến cho du khách, nhất là khách quốc tế có những trải nghiệm khác biệt và hấp dẫn tại Hoàng thành Thăng Long.

Theo bà An Thu Trà - Phòng truyền thông và giáo dục, bảo tàng Dân tộc học Việt Nam: Để tạo sự hấp dẫn, thu hút khách trong nước, quốc tế sau khi Việt Nam mở cửa trở lại, ngoài phần trưng bày cố định và không gian trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã nghiên cứu, xây dựng một số hoạt động mới phục vụ du khách, đặc biệt là nhóm khách gia đình, trường học. Công chúng nhỏ tuổi có cơ hội khám phá, trải nghiệm qua các giác quan tại Phòng khám phá sử dụng hệ thống âm thanh, màn hình tương tác. Tại đây, du khách nhất là các em nhỏ sẽ được cầm, sờ các hiện vật để tìm hiểu văn hóa các dân tộc. Đó là, học cách in hoa văn bằng sáp ong của người Mông, chơi một số trò chơi dân gian, thưởng thức âm nhạc truyền thống trong phòng đa phương tiện bằng công nghệ hiện đại.

Tại bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, du khách cũng có thể nghe những bài hát dân ca, xem các bộ phim về văn hóa dân tộc và chơi một số trò chơi vui nhộn trên màn hình rộng. Ngoài ra, “Bảo tàng còn có góc khám phá về văn hóa Đông Nam Á và một số nước trên thế giới qua tương tác với hiện vật và trò chơi dân gian, du khách có thể chơi trò chơi và tìm hiểu những thông tin thú vị về quốc kỳ, tiền tệ, trang phục… của các nước.

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cũng đã có sự kết nối cùng Sở Du lịch trong việc tuyên truyền, giới thiệu điểm đến hấp dẫn dành cho du khách quốc tế cũng như vận động viên, huấn luyện viên, cổ động viên tham dự và cổ vũ tại SEA Games 31”, bà Trà cho hay.

Đề cập đến chương trình thu hút khách dịp này, Phó Trưởng ban quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò Đặng Văn Biểu cho hay: Là điểm đến luôn thu hút đông khách trong nước và quốc tế từ sau ngày Việt Nam chính thức mở cửa trở lại 15/3, ngoài tăng cường công tác phòng, chống dịch, di tích Nhà tù Hỏa Lò tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ khách từ lễ tân, quầy phục vụ audio guita (thuyết minh tự động), phân công người trực, chăm sóc khách, trả lời bình luận, tin nhắn. Di tích tiếp tục nâng cáo chất lượng và mở lại tour đêm thiêng liêng “Sống như những đóa hoa”; chuẩn bị khai mạc trưng bày “Đứng lên và Cất tiếng”. Tổ chức chương trình tham quan, trải nghiệm cho các em học sinh từ 6-12 tuổi mang tên “Chuyến tàu thời gian”, trong đó chú trọng đến công tác đào tạo thuyết minh phục vụ cho chương trình.

Theo Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hoan, để sẵn sàng đón khách du lịch trong nước và quốc tế trong thời gian tới, trước mắt là dịp SEA Games 31, bên cạnh việc tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19, nội dung trưng bày cố định, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam cũng tổ chức trưng bày chuyên đề “Hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam” và “Việt Bắc-Thủ đô gió ngàn”… Ngoài ra, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam còn tổ chức các tour giáo dục, tham quan, trải nghiệm “Lịch sử Việt Nam-Khám phá từ lòng đất”; tour bộ hành “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội”; tour tham quan và trải nghiệm “Về thời Hồng Bàng”; “Bác Cổ - Làng trong phố”… để tạo sự hấp dẫn, thu hút khách khách tham quan. Đồng thời, bảo tàng tiếp tục tổ chức các giờ học lịch sử online, các tour tham quan trực tuyến online.

                                                                                        Nguồn : vtr.org.vn