Vùng quê sạch đẹp từ nghề trồng hoa, cây cảnh

19/05/2021

Những năm qua, bên cạnh sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, các vùng hoa, cây cảnh của Hà Nội cũng phát triển mạnh mẽ. Qua đó, tạo nguồn thu nhập cao, góp phần hình thành các vùng quê văn minh, sạch, đẹp.

nghe-trong-hoa-dem-lai-thu-.jpg

Đến xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) không khó để gặp những không gian xanh mát của vườn cây cảnh được cắt tỉa đẹp, đa dạng sắc hoa. Phát triển hoa, cây cảnh không những bảo vệ môi trường sinh thái mà còn là mũi nhọn kinh tế gia tăng thu nhập để nâng cao đời sống của người dân, góp phần thiết thực trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Bí thư Đảng ủy xã Hồng Vân Nguyễn Hải Đăng cho biết, các mô hình trồng hoa, cây cảnh trên địa bàn cho thu nhập từ 500 triệu đồng/ha/năm trở lên; cá biệt có mô hình hoa, cây cảnh kết hợp du lịch sinh thái, trải nghiệm cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng/ha/năm. Hằng năm bình quân có khoảng 7 vạn du khách tham quan, trải nghiệm các hoạt động du lịch sinh thái trên địa bàn xã, doanh thu đạt hơn 10 tỷ đồng/năm...

Tương tự, “làng mai trắng” ở xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì) đang mọc lên nhiều biệt thự hiện đại của người dân nhờ thu nhập từ những vườn mai trắng. Trong ngôi nhà khang trang hơn 300m2, xung quanh là vườn mai trắng được quy hoạch gọn gàng, ông Đỗ Văn Thơ ở thôn An Hòa (xã Tản Lĩnh) chia sẻ, với hơn 4 mẫu đất trồng mai, trong đó có 8 sào mai thế và 4 mẫu trồng phôi mai, mỗi năm gia đình thu từ 500 triệu đồng đến hàng tỷ đồng tùy biến động giá cả thị trường.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện diện tích trồng hoa, cây cảnh của thành phố tăng mạnh qua các năm. Nếu như năm 2015 đạt 5.484ha thì nay đã tăng lên 7.960ha. Thành phố đã có 11 làng nghề và làng nghề truyền thống trồng hoa, cây cảnh như: Làng nghề sinh vật cảnh thôn Cơ Giáo, làng nghề sinh vật cảnh thôn Xâm Xuyên, làng nghề hoa, cây cảnh Nội Thôn (huyện Thường Tín); các làng nghề hoa, cây cảnh Hạ Lôi, Liễu Trì, Đại Bái (huyện Mê Linh); làng nghề cây cảnh, hoa giấy thôn Phù Đổng (huyện Gia Lâm)…

Ngoài các vùng hoa, cây cảnh nổi tiếng, nhiều mô hình hoa, cây cảnh ứng dụng công nghệ cao như trồng hoa lan cũng đang phát triển mạnh, giá trị sản xuất bình quân đạt 0,5-1,5 tỷ đồng/ha/năm, nhiều mô hình đạt 1,3-2,2 tỷ đồng/ha/năm. Không chỉ tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân, các vùng trồng hoa còn góp phần làm đẹp các làng quê, thu hút du khách đến tham quan.

Tuy nhiên, việc sản xuất và kinh doanh hoa, cây cảnh của Hà Nội vẫn còn một số khó khăn, chưa phát huy hết tiềm năng, giá trị; việc đầu tư cho hoa, cây cảnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ cao còn hạn chế; thị trường hoa, cây cảnh thất thường; công tác quy hoạch vùng sản xuất cây xanh, cây công trình và hoa, cây cảnh để trở thành ngành kinh tế sinh thái ở một số địa phương chưa được quan tâm... Đáng chú ý là chưa có hệ thống văn bản pháp lý đồng bộ tạo hành lang để phát triển ngành kinh tế sinh thái hoa, cây cảnh.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí, để đạt mục tiêu từ nay đến năm 2025 diện tích hoa, cây cảnh đạt 8.500-9.000ha, làng nghề hoa, cây cảnh phát triển gắn với du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm… các quận, huyện, thị xã cần làm tốt công tác quy hoạch để hoa, cây cảnh trở thành ngành hàng mũi nhọn trong phát triển kinh tế, cải thiện môi trường ở nông thôn. Bên cạnh đó, các vùng hoa, cây cảnh cũng cần sớm hình thành hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp, nâng cao tính pháp lý, tiếp cận với các nguồn vốn vay hỗ trợ, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao trong quy trình sản xuất - bảo quản - tiêu thụ sản phẩm hoa, cây cảnh...

                                       Nguồn hanoimoi.com.vn