Thông tin báo chí Hoạt động văn hóa chào mừng ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11

19/11/2018

Ban quản lý Phố cổ Hà Nội trân trọng thông báo!

Ban quản lý Phố cổ Hà Nội phối hợp cùng các tổ chức và cá nhân, tổ chức chuỗi hoạt động văn hóa kỷ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11 với chủ đề “Nét xưa”.
I. Nội dung khai mạc:
Thời gian khai mạc: 19h30 Ngày 23/11/2018 (Thứ Sáu)
Địa điểm: Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội, 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Giới thiệu, trình diễn trang phục áo dài và giao lưu âm nhạc truyền thống giữa hai miền Bắc – Trung với chủ đề: “Hương sắc Cố đô”.
II. Nội dung hoạt động: Từ ngày 23/11 - 02/12/2018
1. Chương trình “Hương Sắc Cố Đô”
Thăng Long - Đông Đô và Phú Xuân - Huế  là hai miền đất cổ đế Kinh. Hai miền đất văn hiến này là nơi hội tụ và lưu giữ những tinh hoa văn hóa, nghệ thuật truyền thống Việt Nam mà trong đó có nhiều giá trị đã được UNESCO công nhận là di sản. 
Nhân dịp 15 năm (2003 – 2018) Nhã nhạc Cung đình Huế được UNESCO ghi tên vào Danh mục Kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội phối hợp với các tổ chức và cá nhân tổ chức chương trình “Hương Sắc Cố Đô” giới thiệu với khán giả Thủ đô và du khách quốc tế những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam được gây dựng và lưu giữ trên đất Huế.
​Được lấy cảm hứng từ những nét văn hóa Huế như: Mỹ thuật, âm nhạc, trang phục, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội phối hợp cùng nhóm tác giả: Nhà Nghiên cứu Văn hóa Đàm Quang Minh, Nhạc sĩ Vũ Nhật Tân, Họa sĩ: Lý Trực Sơn, Đào Ngọc Hân, Vũ Hòa; Nhà thiết kế: Trịnh Bích Thủy, Nhóm các nhà Thiết kế của Viện thiết kế thời trang Adesinger HaNoi: Nguyễn Vân Anh, Đỗ Hương Ly, Nguyễn Hồng Ngọc cùng xây dựng chương trình hoạt động giới thiệu nét văn hóa Huế với chủ đề “Hương Sắc Cố Đô” tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội – 50 Đào Duy Từ - Hàng Buồm – Hoàn Kiếm – Hà Nội với các nội dung:
* Từ ngày 23/11 - 02/12/2018, tại Tầng 1, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội, 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm, Hà Nội:
Trưng bày hiện vật giới thiệu về mỹ thuật Huế,  y phục xưa , một số hiện vật cổ có những nét đặc trưng và phong cách Huế và nhạc cụ Cung đình Huế,  Nhạc khí Nhã nhạc Cung đình Huế.
* Ngày 23/11/2018, tại tuyến phố đi bộ Đào Duy Từ: giới thiệu trình diễn giao lưu trang phục áo dài và âm nhạc truyền thống hai miền Bắc – Trung, của Nhà Thiết kế Trịnh Bích Thủy, Nhóm các nhà Thiết kế của Viện thời trang Adesinger HaNoi: Nguyễn Vân Anh, Đỗ Hương Ly, Nguyễn Hồng Ngọc.
* Ngày 24/11/2018, tại Tầng 3, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội: Chương trình đặc biệt chào mừng ngày Di sản văn hóa Việt Nam với chủ đề “Ai vô xứ Huế, Ai ra Bắc thành”. Xứ Huế và Bắc Thành là hai trung tâm văn hóa của Việt Nam, với những nền âm nhạc đặc trưng tiêu biểu. Huế là đất đế kinh của vương triều nhà Nguyễn, Bắc thành là tên gọi của đất Thăng Long, Đông Đô được đặt ra bởi Gia Long Hoàng Đế vào đầu thế kỷ 19. Nhã nhạc cung đình Huế đã được Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Bắc thành với sự kế thừa văn hóa của Thăng Long – Đông Đô có vốn cổ âm nhạc đa dạng với các lối hát cửa đình, hát tuồng bắc, hát chèo, hát chầu văn và hát xẩm.
Buổi trình diễn âm nhạc của hai miền đất văn hiến mang tựa đề “Ai vô xứ Huế, ai ra Bắc thành” là một món quà ý nghĩa nhân kỷ niệm 14 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam và cũng là 15 năm Nhã nhạc Cung đình Huế được UNESCO ghi tên vào Danh mục Kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, nhằm giới thiệu tới khán giả Việt Nam và quốc tế những giá trị tinh hoa trong âm nhạc cổ truyền Việt Nam mà ở đó nhiều bộ môn đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại : nhã nhạc cung đình Huế, hát ca trù, hát chầu văn…
Câu chuyện âm nhạc của xứ Huế và Bắc thành sẽ được thể hiện bởi những bậc thầy ca nhạc hai miền : giọng ca Huế trữ tình, quyền quý của nghệ nhân Thanh Tâm cùng hòa quyện với giọng ca Bắc của NSND Thanh Hoài, tiếng hồ xẩm ấm áp của NSND Xuân Hoạch cùng vang vọng với giọng nhị Huế trầm tư của nghệ nhân Trần Thảo…
Các nghệ sĩ, nghệ nhân cổ nhạc nguyên gốc xứ Huế đến từ câu lạc bộ Nhã nhạc và ca Huế Phú Xuân, phần nhạc cổ đồng bằng Bắc Bộ sẽ được thể hiện bởi các nghệ sĩ, nghệ nhân của nhóm Đông Kinh cổ nhạc như NSND Mẫn Thu, NSND Minh Gái, NSUT Kiều Oanh, NSND Xuân Hoạch, NSND Thanh Hoài, NSND Mạnh Phóng, NSUT Thúy Ngần, NSUT Kim Liên với các bài tuồng bắc, ca trù, xẩm, chèo cổ, chầu văn.
*Giới thiệu chương trình "Hát Xẩm - từ hè đường đến sân khấu"
  • Thời gian: 14h00, Ngày 18/11/2018
 
2. Tọa đàm “Tục thờ Tổ nghề ở Việt Nam dưới góc nhìn đạo Hiếu” và Triển lãm ảnh một số nghề truyền thống gắn với các Đình tổ Nghề trong Khu Phố cổ Hà Nội của NAG Lê Bích.
Khu phố cổ Hà Nội là nơi còn lưu giữ được một mạng lưới các công trình tôn giáo tín ngưỡng với nhiều ngôi đình có giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc. KPC hiện vẫn còn lưu giữ danh sách của 59 ngôi đình, chiếm một tỉ lệ lớn trong số 112 các công trình tôn giáo tín ngưỡng đã từng có tại đây. Các ngôi đình trong KPC phản ánh yếu tố lịch sử của một khu đô thị có nguồn gốc nông thôn – nông nghiệp. Không gian kiến trúc của các ngôi đình trong KPC Hà Nội cũng có những nét đặc trưng riêng, phản ánh rõ nét quá trình hình thành và phát triển của KPC, góp phần tạo nên bản sắc của Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội.
Ở Thăng Long, tín ngưỡng thờ tổ nghề khá đậm nét. Có lẽ không có đô thị nào ở Việt Nam nhiều đình đền thờ tổ nghề như ở đây. Các cụ ta thường nói: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, xưa đã vậy và nay cũng vậy. Trau dồi tay nghề, phát triển, sáng tạo thêm cho hàng hóa thêm khéo, thêm tinh xảo là nguyện ước của mọi người thợ thủ công. Truyền thống đạo lý lâu đời của người Việt Nam là “uống nước, nhớ nguồn”. Các ngành thợ thủ công ở Thăng Long đều rước các vị Tổ nghề ở quê hương ra kinh đô để thờ vọng, để tri ân các bậc tổ sư. Tín ngưỡng thờ tổ nghề là một biểu hiện của tín ngưỡng thờ tổ tiên, từ lòng biết ơn những vị đã tạo dựng cho mình cuộc sống. Trong tín ngưỡng dân gian, người Việt cũng như người thợ thủ công còn tin rằng các vị tổ nghề, thần linh và người thợ thủ công có mối liên hệ vô hình và thường phù hộ, độ trì cho mình trong những vui buồn trên con đường phát triển nghề nghiệp.
Nhân dịp này, ban quản lý Phố cổ Hà Nội phối hợp với Dự án “khơi nguồn tinh hoa văn hóa Việt” do Thầy Thích Tâm Hiệp cùng các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa tổ chức buổi tọa đàm: “Tục thờ Tổ nghề ở Việt Nam dưới góc nhìn đạo Hiếu”, và Triển lãm ảnh một số nghề TT gắn với các Đình tổ Nghề trong Khu Phố cổ Hà Nội của nhiếp ảnh gia Lê Bích.
* Thời gian: 9h00 ngày ngày 24/11/2018 (Thứ Bảy).
* Địa điểm: Đình Kim Ngân – 42, 44 Hàng Bạc,  Phường Hàng Bạc, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
3. Ban quản lý Phố cổ Hà Nội phối hợp với nhà nghiên cứu trà Cao Sơn tổ chức HĐVH với chủ đề: “Nét nhạc thanh trong lòng phố thị” giới thiệu tới du khách về các thú chơi tao nhã của người Hà Nội: thú chơi cây cảnh và chơi chim, Giới thiệu Văn hóa Trà Việt.
* Thời gian: Từ ngày 23/11 - 25/11/2018
* Địa điểm: Ngôi Nhà di sản - 87 Mã Mây, Phường Hàng Bạc, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
 4. Ban quản lý Phố cổ Hà Nội phối hợp với Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hoà và nghệ nhân tranh Kim Hoàng giới thiệu trưng bày một công đoạn làm tranh dân gian Kim Hoàng 
* Địa điểm: Trung tâm Thông tin đi sản Phố cổ Hà Nội, 28 Hàng Buồm, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
 
* Đơn vị phối hợp tổ chức:
- Nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc; CLB Nhã nhạc Cung đình và ca Huế Phú Xuân;
- Nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy - Thương hiệu Trịnh Fashison;
- Nhà nghiên cứu trà Nguyễn Cao Sơn;
  • Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hoà;
- Các thành viên sáng lập Dự án khơi Nguồn tinh hoa văn hóa Việt do Thượng tọa Thích Tâm Hiệp chủ trì.
- Nhà báo Minh Hằng - Công ty Cổ phần truyền thông báo Văn nghệ;
  • Nhóm Đình Làng Việt.
 
Thông tin liên hệ: Nguyễn Thị Thu Trang