Tháng Vu Lan: Hành hương tới những ngôi chùa linh thiêng ở Hà Nội

10/08/2019

Không chỉ là những công trình kiến trúc văn hóa nổi tiếng ở Hà Nội, các ngôi chùa dưới đây còn là điểm du lịch tâm linh được đông đảo khách hành hương đến chiêm bái trong mùa Vu Lan báo hiếu.

Văn hóa tín ngưỡng là “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong đời sống của người dân Việt Nam, đặc biệt là trong các dịp lễ lớn như mùa Vu Lan báo hiếu. Và rằm tháng 7 hằng năm được xem là thời điểm để con cái nhớ về công lao sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ. Vào ngày này, những người con thường lui tới các ngôi chùa để cầu sức khỏe và bình an cho cha mẹ.

Chùa Quán Sứ nằm trên đường Quán Sứ được trang trí tuyệt đẹp vào dịp lễ. (Ảnh Chí Hiếu)

Cùng điểm qua những ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng ở Hà Nội, thu hút hàng nghìn khách hành hương đến chiêm bái mỗi ngày trong mùa Vu Lan.

Chùa Phúc Khánh

Chùa Phúc Khánh còn có tên là Chùa Sở, là một ngôi chùa lâu đời ở Hà Nội. Năm 1988, chùa được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.

Chùa Phúc Khánh luôn thu hút hàng nghìn người đến lễ bái dịp lễ Vu Lan. (Ảnh: Chí Hiếu) 

Tọa lạc tại số 382 phố Tây Sơn, chùa được xây dựng từ thời Hậu Lê nhưng sau đó bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Đến thời vua Quang Trung, chùa Phúc Khánh được xây dựng lại. Hiện nay, nơi đây trở thành địa chỉ du lịch tâm linh nổi tiếng tại Hà Nội.

Vào dịp tháng 7 Âm lịch hàng năm, chùa Phúc Khánh thường tổ chức lễ Vu Lan lớn thu hút rất nhiều người đến hành hương báo hiếu công ơn cha mẹ.

Chùa Quán Sứ

Là trụ sở của Trung ương hội Phật giáo Việt Nam, chùa Quán Sứ là một điểm du lịch tâm linh không thể bỏ lỡ khi hành hương đến Hà Nội. Ngôi chùa tọa lạc tại số 73, phố Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Hằng năm, chùa Quán Sứ thường tổ chức lễ Vu Lan báo hiếu từ ngày 11/7 - 14/7 Âm lịch. (Ảnh: dantri)

Vào các ngày lễ lớn trong năm, người dân Hà Nội và du khách từ nhiều nơi tập trung về đây để dâng hương, tỏ lòng biết ơn cha mẹ, cầu mong bình an cho gia đình hay cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh oanh liệt vì tổ quốc.

Phủ Tây Hồ

Khi nhắc đến Phủ Tây Hồ người ta nghĩ ngay đến tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh (một trong tứ bất tử). Vì vậy ở đây thu hút rất nhiều du khách đến cầu mong một năm mới đầy may mắn và tài lộc.

(Ảnh: tintucvietnam)

Điều độc đáo nhất ở phủ thờ là ba pho tượng nữ thần đặt song hành. Ba vị này hợp thành Tam Phủ. Và theo quan niệm của Tam Phủ: người cai quản thiên phủ có thiên phúc ban phúc lộc cho con người, cai quản địa phủ có địa xá bỏ tội lỗi cho con người, cai quan thủy phủ có thủy quan cởi bỏ chướng ngại khó khăn cho con người. Với sức mạnh như vậy Phủ Tây Hồ là điểm đến hấp dẫn của mọi người.

Chùa Kim Liên

Chùa tọa lạc trên một dải đất bằng phẳng thuộc làng Nghi Tàm, phường Quảng An, quân Tây Hồ, Hà Nội. Đây cũng là một trong những ngôi chùa ở Thủ đô còn lưu giữ được nhiều pho tượng quý được thiết kế tinh xảo, gồm tượng Phật, tượng Bồ Tát, Công chúa Từ Hoa, bức tượng Quan Âm Nam Hải 42 tay, cao 1,2m đặt trên tòa sen gỗ hình lục lăng.

Chùa Kim Liên ở 148 phố Kim Hoa, phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội. (Ảnh: dulichvietnam)

Và di vật quan trọng nhất tại đây là tấm văn bia đá đen rất lớn bên cây si. Tấm bia cổ này niên hiệu Thái Hòa tam niên Ất Sửu - tức năm 1445 thời vua Lê Nhân Tông. Giống như các ngôi chùa khác, mỗi dịp rằng, mồng 1 hay lễ Vu Lan thì nơi này luôn đông đúc người đến cầu bình an. 

Chùa Láng

Chùa Láng hay còn gọi là Chiêu Thiền tự, là một ngôi chùa ở làng Láng, Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội. Tên chùa Láng có ý nghĩa rằng: “Vì có điều tốt rõ rệt nên gọi là Chiêu. Đây là nơi sinh ra Thiền sư Đại Thánh nên gọi là Thiền”. Người Pháp gọi chùa láng là Pagode des Dames.

Chùa Láng có vẻ đẹp bề thế bởi quần thể kiến trúc hài hòa, cân xứng với không gian. (Ảnh: Saostar)

Các công trình kiến trúc trong chùa hòa hợp với các lối đi, sân vườn và những hàng cây cổ thụ rợp bóng tạo nên một không gian tĩnh mịch, cổ kính. Công trình này hiện có 198 pho tượng lớn nhỏ với lối kiến trúc độc đáo và tinh xảo. Tiêu biểu là tượng Lý Thần Tông(1128 - 1138) ngồi trên ngai vàng và tượng Từ Đạo Hạnh đan bằng mây phủ sơn bên ngoài.

Ngoài ra, chùa Láng còn có 39 hoành phi, 31 câu đối, 15 tấm bia đá, lưu giữ 12 đạo sắc phong của các vua triều Lê, Tây Sơn và Nguyễn. Đặc biệt, chùa còn có tấm bia tạo dựng năm 1656 cao 1,4 m, rộng 0,8 m có hoa văn rồng chầu mặt nguyệt, hai bên diềm có phượng chầu hoa sen và hai tiên nữ với đôi cánh.

Chùa Vạn Niên

Tọa lạc ở phường Xuân La, quận Tây Hồ, chùa Vạn Niên là một những ngôi chùa cổ nhất hiện nay với lịch sử hàng trăm năm tuổi. Toàn bộ kiến trúc chùa được làm bằng gỗ, được trang trí, trạm khắc hoa văn vô cùng tinh xảo đậm chất nét văn hóa của người phương Đông. Tại chùa có pho tượng Thích Ca nặng gần 6 tạ được tạc hoàn toàn từ một phiến đá quý.

Toàn bộ kiến trúc chùa Vạn Niên được làm từ gỗ.

Những công trình được làm bằng gỗ đều được trang trí, trạm khắc hoa văn vô cùng tinh xảo đậm nét văn hóa phương Đông. Để vào chùa Vạn Niên có 2 cổng để vào, một cổng nằm ngay trên mặt đường Lạc Long Quân (đây được gọi là cổng phụ của chùa), cổng nằm ở hướng ven hồ Tây là cổng chính.

Chùa còn lưu giữ bộ di vật gồm hơn 40 pho tượng tròn và 10 đạo sắc phong thần của thời Lê, Tây Sơn có giá trị tâm linh, lịch sử và văn hoá nghệ thuật cao, còn có Bài ký trên chuông đồng “Vạn Niên Tự Chung” đúc vào đời Gia Long. (Ảng: VOV)

Tổng thể thiết kế kiến trúc của chùa bao gồm cổng tam quan, chùa chính (đền Mẫu thờ bà chúa Liễu Hạnh), nhà Tăng và nhà phụ. Xung quanh không gian của chùa được trồng nhiều cây cảnh tạo sự trong lành cho ngôi chùa. Chùa chính được xây theo kiểu kiến trúc nhà 5 gian, phần cửa hay các cột chính của đền Mẫu đều được làm bằng gỗ. 

Chùa Tứ Kỳ

Chùa còn có tên là Linh Tiên tự, là ngôi chùa thuộc thôn Tứ Kỳ, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Năm 1995, chùa được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích nghệ thuật.

Tại chùa còn lưu tấm bia niên hiệu Chính Hòa (1689), chuông đồng niên hiệu Thiệu Trị cùng nhiều hiẹn vật tâm linh giá trị. (Ảnh: saostar)

Chùa Tứ Kỳ là một trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng dân cư Hà thành và là nguồn sử liệu quý giá mang giá trị lịch sử về sự tồn tại của làng cổ Tứ Kỳ. Đây cũng là nguồn sử liệu góp phần nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử phát triển của đạo Phật phái thiền tông trên vùng đất phía Nam Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVIII - XIX.

Một mùa Vu Lan nữa lại về, nếu có đến Hà Thành bạn có thể tìm đến những ngôi chùa này để cầu an cho bản thân và gia đình nhé!

hanoitv