Phố cổ Hà Nội rộn ràng “Nét xuân xưa”

30/01/2019

(Tạp chí Du lịch) - Nhân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, đa dạng các hoạt động văn hóa đón tết cổ truyền và mừng Đảng mừng Xuân 2019 được diễn ra tại phố cổ Hà Nội từ 25/1 - 24/2/2019, do Ban quản lý Phố cổ Hà Nội phối hợp cùng các tổ chức và cá nhân tổ chức.

Chuỗi hoạt động văn hóa chào mừng Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 tại các điểm di tích trong khu phố cổ Hà Nội được lấy ý tưởng từ chú lợn - linh vật biểu tượng của năm Kỷ Hợi, tượng trưng cho cuộc sống no đủ, sung túc, hạnh phúc tròn đầy.

Đến với đình Kim Ngân (42-44 Hàng Bạc), du khách có thể hòa mình vào không gian sinh hoạt Tết truyền thống chủ đề “Nét xuân xưa”, phỏng dựng hoạt động sắp mâm lễ gia đình để dâng cúng tại đình, với mâm lễ bao gồm các đặc sản đặc trưng của Hà Nội...

 

Tái hiện không gian tết xưa tại phố cổ Hà Nội
Tái hiện không gian tết xưa tại phố cổ Hà Nội


Tại ngôi nhà di sản 87 Mã Mây, du khách sẽ đến với không gian đón tết của gia đình Hà Nội. Nơi đây có trưng bày hình ảnh Tết xưa của Viện Thông tin Khoa học Xã hội Việt Nam, giới thiệu thú chơi cây cảnh, thưởng trà của người Hà Nội xưa.

 

 

Một số tác phẩm của dòng tranh dân gian Hàng Trống được trưng bày tại 28 Hàng Buồm
Một số tác phẩm của dòng tranh dân gian Hàng Trống được trưng bày tại 28 Hàng Buồm

 

Trưng bày giới thiệu ba dòng tranh dân gian Việt Nam tại Trung tâm Thông tin Di sản phố cổ Hà Nội - đền Quan Đế (28 Hàng Buồm) mang tới cho du khách những thông tin về lịch sử tranh dân gian Việt Nam, những sản phẩm và bí quyết nghề của ba dòng tranh dân gian nổi tiếng là Hàng Trống, Đông Hồ và Kim Hoàng.

 

Du khách tìm hiểu về những dụng cụ và nguyên liệu làm tranh Kim Hoàng được trưng bày tại đền Quan Đế
Du khách tìm hiểu về những dụng cụ và nguyên liệu làm tranh Kim Hoàng được trưng bày tại đền Quan Đế

 

Bên cạnh đó, với mục đích tôn vinh các sản phẩm truyền thống từ hai làng nghề gốm sành Hương Canh (Vĩnh Phúc) và giấy dó làng Dương Ổ (Bắc Ninh), Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội phối hợp với Nhóm họa sỹ G39 tổ chức Triển lãm “Sắc dó và gốm Hương Canh” tại Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ).

 

Nghệ nhân Giang Thị Nhạn trình diễn kỹ thuật vuốt tay gốm sành Hương Canh tại buổi khai mạc Triển lãm “Sắc dó và gốm Hương Canh”
Nghệ nhân Giang Thị Nhạn trình diễn kỹ thuật vuốt tay gốm sành Hương Canh tại buổi khai mạc Triển lãm “Sắc dó và gốm Hương Canh”

 

Đến với triển lãm, công chúng và du khách có thể chiêm ngưỡng những tác phẩm từ hai chất liệu truyền thống là giấy dó và gốm Hương Canh, mang tới cho người xem cảm giác về sự hoài niệm, thâm trầm, lắng đọng trước thời khắc chuyển giao. Triển lãm cũng gửi gắm thông điệp từ những người nghệ sỹ, đó là ngoài việc tôn vinh các sản phẩm làng nghề thủ công truyền thống, cần có phương cách để gìn giữ các làng nghề truyền thống cho tương lai.

 

Những tác phẩm gốm Hương Canh và tranh trên chất liệu giấy dó thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách
Những tác phẩm gốm Hương Canh và tranh trên chất liệu giấy dó thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách

 

Ngoài ra, nhân dịp Tết Kỷ Hợi 2019, Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội tổ chức trang trí, chiếu sáng không gian Bích họa phố Phùng Hưng và chợ hoa tết phố Hàng Lược từ 20/1 - 4/2/2019 (tức từ ngày 15 - 30 tháng Chạp năm Mậu Tuất). Tại đây sẽ diễn ra các hoạt động giới thiệu, trình diễn một số nghề thủ công phục vụ tết như: tranh dân gian Đông Hồ, con giống bột làng Phượng Dực; con giống đất làng Đông Hồ; nghệ thuật nặn và vẽ các con giống bằng gốm; mây tre đan; thư pháp… với sự tham gia của các nghệ nhân, thợ thủ công làng nghề.

 

Hoạ sỹ thể hiện vẽ tranh bằng mực nho trên giấy dó
Hoạ sỹ thể hiện vẽ tranh bằng mực nho trên giấy dó

 

Mừng Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật âm nhạc truyền thống sẽ diễn ra tại phố cổ Hà Nội phục vụ nhân dân và du khách xuyên suốt những ngày tết, cụ thể:
- Ngày 6/2/2019 (mùng 2 tết): Đình Đồng Lạc (38 Hàng Đào)
- Ngày 7/2/2019 (mùng 3 tết): Đình Kim Ngân (42, 44 Hàng Bạc)
- Ngày 8/2/2019 (mùng 4 tết): Đền Quan Đế (28 Hàng Buồm)
- Ngày 9/2/2019 (mùng 5 tết): Hội Quán Phúc Kiến (40 Lãn Ông)

Hoa Trang