Làng mộc Thiết Úng: Phát triển du lịch theo mô hình làng nghề ven đô

03/07/2020

Từ xa xưa làng mộc Thiết Úng (nay thuộc xã Vân Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội) đã nức tiếng bởi những nghệ nhân với đôi bàn tay tài hoa, tạo ra những sản phẩm chạm khắc, tạc tượng gỗ mỹ nghệ độc đáo. Trải qua nhiều thế kỷ, người dân nơi đây vẫn miệt mài giữ gìn nghề truyền thống cũng như tìm hướng phát triển du lịch trong dòng chảy cuộc sống hiện đại.

Tinh hoa nghề chạm khắc gỗ

Hàng chục xưởng mộc, hàng trăm gian hàng bày bán tượng Phật, rồng, phượng cùng những chuyến xe ra vào tấp nập đã tạo nên cảnh sầm uất ở làng mộc Thiết Úng. Không ít khách du lịch tìm đến đây bởi với họ, sản phẩm gỗ mỹ nghệ ở làng Thiết Úng có sự hài hòa, sinh động và phù hợp với nhu cầu cuộc sống ngày nay.

Một tác phẩm trong quá trình hoàn thiện.

Làng Thiết Úng tên Nôm là làng Ống, xa xưa là Xa Lập phường, trước Cách mạng Tháng Tám là một xã thuộc tổng Hà Lỗ, huyện Đông Ngạn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Sử sách không ghi chép nghề này có từ bao giờ, chỉ biết từ khi có tên gọi Thiết Úng, ở đây đã có nghề chạm khắc gỗ, tạc tượng. Nối tiếp nhau qua các thế hệ, những nghệ nhân, thợ giỏi của làng luôn đau đáu với nghề truyền thống. Theo các cụ cao niên, vào thời Nguyễn, những nghệ nhân giỏi nhất Thiết Úng từng được triệu vào cung để xây dựng cung điện, lăng tẩm cho vua, chúa. Nhờ sự tài khéo, nhiều nghệ nhân Thiết Úng được triều đình phong phẩm hàm và tước hiệu cao quý.

Trước đây, các sản phẩm chạm khắc gỗ của làng nghề Thiết Úng được bày bán nhiều ở các phố Hàng Trống, Hàng Khay, Hàng Quạt... Phố Hàng Khay chuyên bán các loại khay, chén, tráp, hộp trầu, hộp đựng trang sức. Còn phố Hàng Trống, Hàng Quạt là nơi vừa sản xuất vừa bán các sản phẩm như sập gụ, tủ chè, án thư, tràng kỷ...

Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Truyền - đời thứ 4 trong một gia đình có nghề chạm khắc gỗ ở Thiết Úng, nét độc đáo trong một tác phẩm phải được thể hiện ở thần thái và các chi tiết. Từ nụ cười, đôi mắt của tượng đều phải toát lên được sự hài hòa, sinh động. Thần thái của nhân vật làm tăng giá trị của tác phẩm, quyết định ranh giới giữa một tác phẩm nghệ thuật với một  sản phẩm vô hồn.  

Ngày nay, sản phẩm của làng nghề mộc Thiết Úng gồm hai loại chính là hàng nội thất và hàng mỹ nghệ. Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thời hội nhập, Thiết Úng đang nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm làng nghề. Ngoài chắt lọc tinh hoa nghề truyền thống, các nghệ nhân và thợ giỏi của làng còn kết hợp với xu hướng hiện đại, tạo nên những sản phẩm chất lượng cao, hình thức đẹp.

Gìn giữ và phát triển

Từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), sản phẩm của làng nghề Thiết Úng được quảng bá và xuất sang thị trường các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc ngày một nhiều hơn. Do lượng hàng xuất khẩu nhiều nên một số hộ gia đình, công ty từng bước ứng dụng công nghệ cao, vận hành các loại máy đục, máy hạ nền thông qua máy tính để tăng tính chính xác cho sản phẩm.

Theo ông Lê Trung Kiên, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh, làng Thiết Úng hiện có 95% hộ gia đình làm nghề, 9 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội, trong đó có 2 người được công nhận danh hiệu Bàn tay vàng. Trong làng có khoảng 200 thợ cả có thâm niên nghề trên 20 năm, 872 thợ tham gia vào nghề chạm khắc gỗ; khoảng 100 doanh nghiệp, 4 công ty tư nhân và 1 HTX cổ phần đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động trong và ngoài xã.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Truyền cho biết, người thợ Thiết Úng hiện còn giữ được hơn 100 mẫu mã đẹp được lưu truyền qua các thế hệ. Ngoài ra, để phát triển du lịch và đa dạng hóa sản phẩm làng nghề, phục vụ nhu cầu của khách hàng, người thợ Thiết Úng có thể tạo ra bất kỳ sản phẩm nào theo mẫu phác họa hoặc qua sự miêu tả đặc điểm của khách hàng. Nhiều sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm như con giống, bút, móc khóa, lịch để bàn... được các nghệ nhân làng Thiết Úng sáng tạo để phục vụ nhu cầu của du khách. Đặc biệt, sản phẩm quà tặng bằng gỗ được khắc chữ, tên, logo hay hình ảnh bằng máy khắc hiện đại đang được rất nhiều khách hàng ưa chuộng.   

Để bảo tồn và phát triển nghề chạm khắc Thiết Úng, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) Cụm sản xuất tập trung làng nghề xã Vân Hà. Chắc chắn, sau khi Cụm sản xuất tập trung làng nghề được hoàn thành, Thiết Úng sẽ càng có điều kiện thuận lợi để phát triển nghề truyền thống. Nhằm quảng bá cho du lịch làng nghề, huyện Đông Anh đã và đang triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, định hướng để Thiết Úng phát triển du lịch theo mô hình làng nghề ven đô, qua đó tạo sức hút để du khách đến với làng ngày một nhiều hơn.

Nguồn: Nhipsonghanoi