Kết nối để tăng tính trải nghiệm

11/07/2018

Những con số ấn tượng về tăng trưởng của du lịch Việt Nam cũng như Hà Nội trong thời gian qua có sự đóng góp không nhỏ từ hoạt động du lịch văn hóa. Tuy nhiên, với nguồn tài nguyên di sản vô cùng phong phú, đặc sắc, ngành Du lịch có thể làm tốt hơn nữa khi có giải pháp tăng cường kết nối để tăng tính trải nghiệm, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách trong nước và quốc tế.

Những con số ấn tượng về tăng trưởng của du lịch Việt Nam cũng như Hà Nội trong thời gian qua có sự đóng góp không nhỏ từ hoạt động du lịch văn hóa. Tuy nhiên, với nguồn tài nguyên di sản vô cùng phong phú, đặc sắc, ngành Du lịch có thể làm tốt hơn nữa khi có giải pháp tăng cường kết nối để tăng tính trải nghiệm, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách trong nước và quốc tế.
 

 

Du khách quốc tế nghe giới thiệu về Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Hải Anh

Lợi thế đặc biệt

Theo ước tính của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), 37% hoạt động du lịch toàn cầu mang động cơ văn hóa. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) xác định khách du lịch di sản, văn hóa đi thăm nhiều nơi hơn 2 lần và ở lại mỗi nơi lâu hơn 2,5 lần so với các đối tượng khách du lịch khác.

Trong một phát biểu gần đây, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Hà Văn Siêu khẳng định: “Sản phẩm du lịch di sản văn hóa là yếu tố tạo nên nét khác biệt cho sản phẩm du lịch Việt Nam và đáp ứng nhu cầu khám phá của du khách. Đa số du khách ưa thích hoạt động tham quan di tích lịch sử, công trình nghệ thuật, bản làng dân tộc, trải nghiệm cuộc sống của người dân bản địa... Không ngẫu nhiên tham quan di sản tại Việt Nam là hoạt động được khách du lịch quốc tế ưa thích thứ 2 - chỉ sau nghỉ dưỡng tắm biển".

Với hơn 5.900 di tích các loại, 1.100 lễ hội, hàng chục bảo tàng, hơn 1.350 làng nghề và làng có nghề, ẩm thực đặc sắc; bên cạnh đó, là những sản phẩm nghệ thuật độc đáo như ca trù, chầu văn, múa rối nước..., Hà Nội trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. Trong 6 tháng đầu năm 2018, lượng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 13,2 triệu lượt, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2017; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 39.212 tỷ đồng, tăng 9,3%.

Đánh giá về sức hút của du lịch Thủ đô, bà Phạm Thị Thanh Tâm, Quyền Trưởng phòng Phòng trong nước, Công ty du lịch Vietrantour cho hay: “Hà Nội khá thành công trong việc thu hút khách ở các tỉnh, thành phố khác. Khách chọn đến Thủ đô bởi ở đây có số lượng di sản thế giới, di tích lịch sử - văn hóa, làng nghề vượt trội. Hiện tại, ngoài các tour cơ bản như Hà Nội - Hạ Long 3 ngày, khu vực trung tâm Hà Nội - chùa Hương…, Vietrantour có các sản phẩm đáng chú ý như: Chùa Trấn Quốc - Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam - Văn Miếu - Quốc Tử Giám - hồ Hoàn Kiếm; Hà Nội - làng gốm Bát Tràng; tour ẩm thực Hà Nội. Các tour ngắn ngày này đang gia tăng sức hút du khách”.

Tương tự, Công ty Lữ hành Hanoitourist đang thu hút du khách với các tour tham quan trải nghiệm ở khu vực phố cổ Hà Nội, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quảng trường Ba Đình, Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám… Ngoài việc đầu tư xây dựng tour, ngành Du lịch Hà Nội chú trọng khai thác loại hình du lịch nghệ thuật gắn với di sản, như múa rối nước Đào Thục gắn với di tích Cổ Loa (Đông Anh); đền thờ Hai Bà Trưng gắn với làng trồng hoa xã Tiền Phong (Mê Linh); du lịch làng nghề gắn với mô hình nghỉ tại nhà dân (homestay). 

Tổng công ty Vận tải Hà Nội Transerco cũng vừa góp phần vào sự phong phú của tour nội thành Hà Nội thông qua mở tuyến xe buýt 2 tầng tham quan các di tích lịch sử văn hóa, bước đầu thu hút khá đông du khách quốc tế... Tất cả cho thấy tiềm năng du lịch văn hóa Hà Nội thực sự phong phú và hiệu quả rõ ràng nếu cơ quan quản lý biết phát huy thế mạnh nguồn tài nguyên này.

Có thể làm tốt hơn nữa
 

 

Du khách quốc tế học làm gốm tại làng nghề Bát Tràng (Hà Nội). Ảnh: Nhật Minh

“Hoạt động du lịch di sản văn hóa đã có sự chuyển mình mạnh mẽ trong những năm qua. Tuy nhiên, Hà Nội có thể làm tốt hơn bằng cách đưa ra nhiều sản phẩm du lịch giàu tính trải nghiệm hơn”. Đó là nhận định của ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam và bà Phạm Thị Thanh Tâm, Quyền Trưởng phòng Phòng trong nước, Công ty du lịch Vietrantour.

Du lịch văn hóa không đơn thuần là tham quan di sản, làng nghề, thưởng thức chương trình nghệ thuật…, mà còn là ẩm thực, thể thao cổ truyền… Trên thực tế, nhiều điểm đến tại Hà Nội đón khách một cách thụ động, chờ khách đến xem, nghe và mua. Trong khi đó, đa số du khách có nhu cầu tìm hiểu đời sống, phong tục, văn hóa, ẩm thực, khám phá di sản thông qua các hoạt động trải nghiệm. 

Theo ông Lương Văn Tuân, người đang tham gia khai thác tour “Hanoi countryside” đưa khách về vùng ngoại thành Hà Nội trong 1 ngày, kể rằng du khách nước ngoài rất muốn trải nghiệm đời sống thôn quê Việt Nam. Tour của ông kết hợp đưa khách đến di tích rồi tới nhà dân để trực tiếp làm vườn, thưởng thức bữa cơm quê với chủ nhà và họ rất ấn tượng với những gì được trải nghiệm.

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định du lịch văn hóa là thế mạnh của du lịch Việt Nam. Chiến lược khẳng định “phát triển sản phẩm du lịch văn hóa gắn với di sản, lễ hội, tham quan và tìm hiểu văn hóa, lối sống địa phương; phát triển du lịch làng nghề và du lịch cộng đồng kết hợp nghỉ tại nhà dân” là một trong những nền tảng để phát triển du lịch quốc gia. 

Từ định hướng này, ngành Du lịch Hà Nội xác định tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và kết nối các tour du lịch tham quan di sản văn hóa, làng nghề có giá trị trên địa bàn để quảng bá, thu hút khách du lịch; đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch văn hóa gắn với di sản, làng nghề truyền thống có chất lượng cao để xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô.

Để các hoạt động du lịch di sản văn hóa bớt cảnh “cưỡi ngựa xem hoa”, bị động, cần sự chung tay của các điểm đến, công ty lữ hành và cơ quan quản lý nhà nước. Khi tất cả cùng nhìn về một hướng, tìm ra giải pháp khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch văn hóa, chắc chắn du lịch Việt Nam cũng như Hà Nội sẽ có bước phát triển ấn tượng hơn trong thời gian tới.
 
Giai đoạn 2011-2017, du lịch Việt Nam có bước phát triển ấn tượng, lượng khách du lịch quốc tế tăng 1,7 lần; khách du lịch nội địa tăng 2,1 lần; tổng thu từ khách du lịch tăng 3,2 lần, trung bình tăng 26%/năm. Du lịch di sản văn hóa mang lại nguồn thu lớn. Năm 2017, quần thể di tích Cố đô Huế đón khoảng 3 triệu lượt khách du lịch, trong đó 1,8 triệu lượt khách du lịch quốc tế, thu 320 tỷ đồng từ bán vé tham quan di sản; phố cổ Hội An đón 1,96 triệu lượt khách, thu 219 tỷ đồng từ bán vé tham quan.
 
 
 
Gắn kết văn hóa với du lịch
(HNM) - Để phát triển ngành Du lịch nói chung, không một quốc gia nào không coi trọng du lịch văn hóa, bởi đây là loại hình có nhiều ưu điểm, không phụ thuộc vào thời tiết hay mùa vụ... Du lịch văn hóa không chỉ tạo nên sức hút cho mỗi điểm đến, mỗi quốc gia mà còn giúp đưa hình ảnh đất nước, nền văn hóa dân tộc đến gần hơn với bạn bè quốc tế. 
Nguồn: http://hanoimoi.com.vn