Hà Nội: Kỳ vọng du lịch khởi sắc trong năm 2022

20/01/2022

Cùng với ngành du lịch của cả nước, năm 2021, du lịch Hà Nội đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, có giai đoạn phải đóng băng hoạt động để phòng, chống dịch. Năm 2022, với nhiều giải pháp đề ra, ngành kinh tế xanh của thủ đô phấn đấu đón 9-10 triệu lượt khách du lịch.

975675db78fa7cb8792f5ef6aa0e3c62.jpg

Một năm thăng trầm

Theo thống kê từ Sở Du lịch Hà Nội, năm 2021, Hà Nội ước đón 4 triệu lượt khách du lịch nội địa (bằng 53% so với năm 2020). Công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1-5 sao đạt 23%, giảm 7% so với năm 2020. Tổng thu từ khách du lịch nội địa ước đạt 11,28 nghìn tỷ đồng (bằng 40% năm 2020 và đạt 23% kế hoạch đề ra).

Nhiều chỉ tiêu tăng trưởng của du lịch Hà Nội không hoàn thành kế hoạch và mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội nhấn mạnh, phần lớn các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, vận chuyển, cơ sở lưu trú đã phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động. Ngoài ra, trong bối cảnh khủng hoảng, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này của Hà Nội còn hạn chế trong tiếp cận chính sách, gói hỗ trợ của Chính phủ cũng như thành phố. "Do vậy, việc phục hồi hoạt động của các doanh nghiệp sẽ còn mất một số năm nữa"- Sở Du lịch Hà Nội nhìn nhận.

Liên tiếp chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh, ngành du lịch thủ đô hiện còn đối diện với một số khó khăn, thách thức rất lớn để có thể phục hồi, phát triển. Như, chủ trương thích ứng linh hoạt với dịch bệnh, nhưng việc thực hiện quy định về xét nghiệm, cách ly, vận chuyển chưa thống nhất, đồng bộ, gây khó khăn trong khai thông hành làng du lịch an toàn giữa Hà Nội và các địa phương.

Đặc biệt, theo Sở Du lịch Hà Nội, việc mất đi một lượng lớn khách du lịch quốc tế trong thời gian dài do dịch bệnh đòi hỏi cần có chiến lược, kế hoạch kích cầu du lịch nội địa nhằm phục hồi ngành du lịch; ngoài ra, cần có những giải pháp để tháo gỡ khó khăn, sẵn sàng mở cửa đón khách du lịch quay trở lại khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Mặt khác, một số lượng lớn nhân lực chất lượng cao đã chuyển đổi ngành nghề cũng dự báo sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cơ hội phục hồi sau đại dịch của du lịch thủ đô.

Mặc dù bức tranh du lịch thủ đô đầy thăng trầm trong năm 2021, nhưng vẫn có những ghi nhận tích cực, đó là việc TP. Hà Nội được các tổ chức báo chí du lịch quốc tế đánh giá là một trong những điểm đến hấp đẫn nhất thế giới. Cụ thể trang web Trip Advisor xếp hạng Hà Nội đứng thứ 2 trong danh sách Top 25 Điểm đến du lịch phổ biến nhất châu Á; đứng thứ 6 trong danh sách Top 25 điểm đến phổ biến nhất thế giới. Tương tự trang du lịch trực tuyến Worldpackers (Mỹ) giới thiệu Hà Nội là 1 trong 10 thành phố có mức chi tiêu rẻ nhất thế giới dành cho người nước ngoài. Tạp chí Time (Mỹ) bình chọn TP. Hà Nội là 1 trong 3 điểm đến của Việt Nam vào Top 100 nơi tuyệt vời nhất thế giới…

Đổi mới, cơ cấu toàn diện

Bước vào năm 2022, với những dự báo lạc quan của tình hình kinh tế, xã hội, theo kế hoạch, lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội cho biết, Hà Nội sẽ tập trung phát triển thị trường khách du lịch nội địa, lấy thị trường du lịch nội địa làm động lực để phục hồi. Đồng thời, tổ chức khai thác phục vụ khách du lịch quốc tế theo lộ trình mở cửa hoạt động du lịch quốc tế. Cụ thể, Hà Nội phấn đấu đón và phục vụ từ 9-10 triệu lượt khách, trong đó có 1,2-2 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch dự kiến từ 27-35 nghìn tỷ đồng. Công suất sử dụng phòng trung bình của khối khách sạn từ 40-45%.

Dựa trên cơ sở thực tiễn, để thực hiện mục tiêu đề ra, Giám đốc Sở Du lịch - bà Đặng Hương Giang - cho biết, đơn vị này đã xây dựng kế hoạch phục hồi và phát triển du lịch năm 2022-2023. Trước mắt, Sở Du lịch Hà Nội sẽ đẩy mạnh quảng bá trên các phương tiện truyền thông để thu hút khách; đôn đốc các đơn vị nâng cấp chất lượng sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch gắn với di sản - di tích, làng nghề tại các quận, huyện, thị xã; triển khai các hoạt động, sự kiện, lễ hội chuyên nghiệp mang đậm bản sắc văn hóa Thủ đô, hướng đến hội nhập quốc tế.

Được coi là ngành kinh tế có vai trò, đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của thủ đô, vì vậy, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu, ngành này cần đổi mới, cơ cấu lại toàn diện để trở thành ngành kinh tế hiện đại, chuyên nghiệp, có thương hiệu, tính cạnh tranh cao. Trong đó, cần thực hiện ba khâu đột phá, đó là: Tăng cường nguồn lực đầu tư; xây dựng cơ chế khuyến khích, hỗ trợ phát triển du lịch và chuyển đổi số nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của thành phố, hướng tới mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo đúng tinh thần Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị.

Bên cạnh đó, lãnh đạo thành phố đề nghị, Sở Du lịch Hà Nội rà soát lại các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú, tham mưu cho UBND thành phố ban hành các chính sách thúc đẩy phát triển các khu, điểm du lịch chuyên đề ở khu vực nội thành và ngoại thành. Cũng như cần tập trung cải cách hành chính, thu hút các nguồn lực xã hội hóa, đầu tư vào các dự án du lịch tiềm năng; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực; triển khai hiệu quả đề án chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, phát triển du lịch; đẩy mạnh quảng bá trên các phương tiện truyền thông…

Là một trong các trung tâm du lịch của cả nước, vì vậy, từ góc độ cơ quan quản lý du lịch, Tổng Cục trưởng Tổng cục D lịch Nguyễn Trùng Khánh cũng đề nghị, ngành du lịch Hà Nội cần sớm hoàn thiện quy trình đảm bảo an toàn trong hoạt động du lịch. Tham mưu UBND thành phố đề xuất Chính phủ có cơ chế chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch gặp khó khăn do dịch bệnh. Ban hành, triển khai có hiệu quả chương trình kích cầu du lịch nhằm đẩy mạnh thu hút khách du lịch nội địa.

Đề cập đến thí điểm đón khách quốc tế, đại diện Tổng cục Du lịch kỳ vọng, với những nỗ lực phục hồi hoạt động du lịch, Hà Nội sẽ là một trong những địa phương tiếp theo mạnh dạn triển khai chương trình thí điểm đón khách quốc tế theo hình thức “hộ chiếu vắc xin”. Về lâu dài, du lịch thủ đô cần chuẩn bị ngay từ bây giờ các kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đầu tư khai thác các tài nguyên du lịch có thế mạnh của Hà Nội như văn hóa, thiên nhiên; cần ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, tạo thuận lợi cho du khách khi đi du lịch; đẩy mạnh các hoạt động du lịch liên quan đến chuyển đổi số, phát triển du lịch “không chạm”…

                                                                                         Nguồn congthuong.vn