Góp phần tạo nên những điểm đến an toàn, hấp dẫn cho Thủ đô

05/08/2020

Hiện nay, hầu hết các điểm đến du lịch ở Thủ đô đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp đồng bộ để góp phần tạo nên những điểm đến an toàn, hấp dẫn trong bối cảnh thực hiện nhiệm vụ kép: vừa phòng chống dịch COVID-19 vừa thu hút khách du lịch.

Khách đến thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám đều đeo khẩu trang

Tăng cường nhiều giải pháp phòng, chống dịch COVID-19

Khảo sát thực tế tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cảnh quan thông thoáng, sạch sẽ, luôn có lực lượng Công an và trật tự phường Quốc Tử Giám làm nhiệm vụ nhắc nhở, dẹp hàng rong, cấm bán trà đá vỉa hè theo chỉ đạo của UBND Tp. Hà Nội. Ngay tại cổng chính di tích, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám vẫn duy trì máy đo thân nhiệt và nước rửa tay diệt khuẩn phục vụ du khách tham quan. Tại đây, du khách được hướng dẫn rửa tay sát khuẩn,đo thân nhiệt, được khuyến khích luôn đeo khẩu trang khi vào thăm di tích. Tất cả các khu vực bên trong di tích được vệ sinh và phun khử khuẩn thường xuyên để bảo đảm an toàn cho nhân viên và khách tham quan. Các khu vực như sàn nhà, nắm cửa ra vào, các hệ thống vòi, bồn rửa tay, gương soi, cửa sổ… luôn được vệ sinh an toàn, sạch sẽ và thông thoáng. Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết, “thời điểm hiện tại, lượng khách đến dịp này chủ yếu là học sinh, phụ huynh đến dâng hương. Tính riêng trong tháng 7/2020 đã có 49.000 lượt khách, trong đó có 10.700 lượt học sinh, sinh viên đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Chúng tôi đã yêu cầu nhân viên các bộ phận luôn đeo khẩu trang khi làm nhiệm vụ và nghiêm túc thực hiện công tác phòng, chống dịch. Tất cả các phòng ban, quầy lưu niệm, phòng bán vé, soát vé, nhà vệ sinh… đều được trang bị khẩu trang y tế và nước diệt khuẩn”.

Tại di tích Nhà tù Hỏa Lò, công tác phòng, chống dịch COVID-19 và vệ sinh môi trường được đặc biệt chú trọng nhằm đảm bảo an toàn cho du khách. Tại đây đã triển khai thực hiện đo thân nhiệt, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn và lấy thông tin cá nhân đối với 100% khách đến tham quan và làm việc trước khi vào di tích. Việc khử khuẩn các phòng trưng bày, lau dọn các bề mặt tiếp xúc bằng dung dịch Cloramin B được thực hiện thường xuyên. Ngoài ra, trong khuôn viên di tích có đặt, hướng dẫn cho khách các vị trí các bồn rửa tay nước. BQL di tích cũng đã khuyến cáo không phục vụcá nhân có biểu hiện ốm sốt, có các triệu chứng của bệnh hô hấp và các bệnh lây nhiễm khác.

Bà Trần Thị Thúy Lan - Phó Trưởng BQL phố cổ Hà Nội chia sẻ, các điểm biểu diễn nghệ thuật truyền thống các tối cuối tuần trong khu vực phố cổ được tạm dừng để đảm bảo sức khỏe cho các nghệ sỹ đồng thời tránh tụ tập đông người. Tại Hoàng thành Thăng Long, đền Ngọc Sơn hay các di tích trong khu vực phố cổ cho đến các bảo tàng vẫn thu hút đông khách nội địa đến tham quan. Các điểm đến đã tuân thủ, thực hiện nghiêm túc các quy định an toàn, thực hiện các khuyến cáo của Bộ Y tế về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 của các cơ quan có thẩm quyền như đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, hạn chế đi tập trung theo đoàn với số lượng lớn, tuyên truyền các khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng, chống dịch COVID-19…

Khách quốc tế kê khai thông tin vào thăm Hòa Lò

Đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng để thu hút khách

Phó Trưởng BQL di tích Nhà tù Hỏa Lò Đặng Văn Biểu cho biết, di tích đang phối hợp cùng Hanoitourist phục vụ tour du lịch “Đêm thiêng liêng – Sáng ngời tinh thần Việt” tại nhà tù Hỏa Lò; Hanoitourist triển khai tour “Chưa đến Hoàng thành Thăng Long chưa hẳn là đến Thủ đô Hà Nội” tại Hoàng thành Thăng Long. Di tích đã xây dựng clip phòng chống dịch COVID-19 tại di tích, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, góp phần quảng bá Hỏa Lò là một điểm đến an toàn đối với du khách. Ngoài ra, di tích sẽ xây dựng các chuyên đề trưng bày hướng tới các ngày lễ kỷ niệm lớn của đất nước trong năm 2020.

Nhóm học sinh thực hiện các biện pháp phòng chống COVID-19 khi vào tham quan Bảo tàng Dân tộc học VN

Để thu hút khách, BQL phố cổ Hà Nội đã và đang tiếp tục nghiên cứu, giới thiệu giá trị các điểm di tích như đền Bạch Mã, đình Kim Ngân, nhà di sản 87 Mã Mây… với các hoạt động trưng bày, biểu diễn nghệ thuật, khám phá không gian Sen phố ở 50 Đào Duy Từ. Một số sự kiện, hoạt động nhân kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô, ngày Di sản văn hóa Việt Nam… vẫn đang trong quá trình chuẩn bị để triển khai khi hết dịch. Đối với Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ông Lê Xuân Kiêu nhấn mạnh, Trung tâm sẽ tăng cường công tác vệ sinh môi trường, chăm sóc, duy trì, cắt tỉa hệ thống hàng rào, cây xanh, cây cảnh trong khu di tích. Đồng thời sẽ tiếp tục hoàn thiện cuốn sách về Văn Miếu - Quốc Tử Giám, vận hành thử nghiệm hệ thống cơ sở dữ liệu, khảo sát và làm nội dung QR Code, chuẩn bị cho Triển lãm thư pháp kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, xây dựng kế hoạch tổ chức Lễ kỷ niệm và trưng bày về Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An, Lễ kỷ niệm 650 năm ngày mất của danh nhân Chu Văn An, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá về Văn Miếu - Quốc Tử Giám điểm đến hấp dẫn…

Bà An Thu Trà - Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho biết, Bảo tàng đang nghiên cứu, đưa các nội dung tuyên truyền trên các kênh truyền thông online, mạng xã hội, xây dựng kế hoạch đón khách quốc tế khi hết dịch, phối hợp cùng các doanh nghiệp lữ hành đưa khách đến với nhiều ưu đãi.

Nguồn: baodulich.net.vn