Gò Đống Đa đón bằng di tích quốc gia đặc biệt

09/02/2019

Kinhtedothi - Sáng 9/2 (tức mùng 5 Tết Nguyên Đán), tại gò Đống Đa (phường Quang Trung, quận Đống Đa) hàng ngàn người đã tụ hội về đây cùng dâng hương, tham dự Lễ kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2019), và chứng kiến thời khắc gò Đống Đa được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.

Tham dự buổi lễ, về phía T.Ư có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng phu nhân; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Bí thư T.Ư Đảng, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cùng đại biểu các ban, bộ ngành T.Ư. Về phía Hà Nội có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung; Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn cùng các đồng chí Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy.
Là lễ hội đầu xuân nhưng hội gò Đống Đa lại có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khi đây là một lễ hội lưu giữ niềm tự hào, sự quật cường của cả một dân tộc và được tổ chức để tưởng nhớ chiến công lẫy lừng của vua Quang Trung - người Anh hùng “áo vải, cờ đào” trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Ngoài những nét văn hóa khá tương đồng với lễ hội Tây Sơn Thượng đạo (An Khê - Gia Lai), Tây Sơn Hạ đạo (Bình Định), lễ hội gò Đống Đa có những điểm khác biệt rất độc đáo và hấp dẫn. Từ sau ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954), lễ hội gò Đống Đa được coi là ngày hội Đống Đa truyền thống, trở thành quốc lễ.
Theo ghi nhận của phóng viên, từ sáng sớm hôm nay (9/2), thời tiết đẹp nên hàng ngàn du khách thập phương đã đổ về dâng hương tưởng nhớ vua Quang Trung. Trên khắp các ngả đường hướng về gò Đống Đa đã đông kín dòng người trẩy hội. Các nghi lễ như: Rước, dâng hương… được tiến hành sớm.
Sau lễ rước kiệu vua Quang Trung, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cùng lãnh đạo các bộ, ban ngành và đông đảo Nhân dân Thủ đô cũng như du khách thập phương về dâng hương, hoa tưởng nhớ công lao to lớn của vua Quang Trung cùng các tướng lĩnh, chiến sĩ nghĩa quân Tây Sơn.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: “Hòa trong không khí tưng bừng của những ngày đầu xuân năm mới, hôm nay, tại mảnh đất Đống Đa lịch sử, đông đảo nhân dân Thủ đô và nhân dân cả nước lại tìm về nơi đây tham dự Lễ hội kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, hướng về với tổ tiên, cội nguồn.

Đặc biệt, năm nay, trong dịp lễ hội xuân Kỷ Hợi 2019, lại càng có ý nghĩa hơn, di tích Gò Đống Đa vinh dự được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt và Thủ tướng Chính phủ sẽ trao cho Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Thủ đô ngày hôm nay. Đó là sự ghi nhận những giá trị to lớn của khu di tích, trường tồn cùng với năm tháng, thời gian”.

“Mùa xuân rực rỡ chiến công năm Kỷ Dậu (1789) đã đi vào lịch sử dân tộc và lòng người Việt Nam. Đó là một trong những mùa Xuân kỳ diệu nhất, tiêu biểu cho ý chí quật cường, cho sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết của dân tộc ta, tiêu biểu cho sức sống phi thường, ý chí kiên cường, lòng quả cảm và sự sáng tạo phong phú của dân tộc ta", Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định: Di tích “Gò Đống Đa được xem như là biểu tượng chiến thắng của quân Tây Sơn; là minh chứng lịch sử cho truyền thống yêu nước, yêu độc lập - tự do ngàn đời của nhân dân ta; là sự khẳng định tinh thần đoàn kết, dũng cảm, ý chí quật cường; là bản anh hùng ca bất hủ trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước vĩ đại của dân tộc.

Trong Chỉ thị số 16 ngày 26/01/1989 của Ban Chấp hành Trung ương đã chỉ rõ: Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789) là một chiến công vĩ đại và hiển hách vào bậc nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta… Chiến Thắng Ngọc Hồi - Đống Đa và tên tuổi sự nghiệp Quang Trung vĩ đại đã trở thành tấm gương ngời sáng tiêu biểu cho trí tuệ nghệ thuật quân sự Việt Nam, tiêu biểu cho truyền thống yêu nước, tinh thần quật cường chống ngoại xâm của dân tộc ta.

Năm 1989, kỷ niệm 200 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, Công viên Văn hóa Đống Đa được thành lập trên cơ sở khu vực gò Đống Đa. Năm 2010, nhân Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, di tích gò Đống Đa đã được tu bổ, tôn tạo và xây mới một số hạng mục công trình với tổng diện tích hơn 22.000m² bao gồm các hạng mục: Cổng, gò Đống Đa, Nghi môn, tượng đài và đền thờ Hoàng đế Quang Trung cùng các công trình phụ trợ.

Với giá trị đặc biệt tiêu biểu đó, ngày 24/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1820 xếp hạng di tích lịch sử gò Đống Đa là di tích quốc gia đặc biệt.

Được đón nhận vinh dự to lớn và được trực tiếp quản lý di tích lịch sử gò Đống Đa, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung chia sẻ: Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội xin trân trọng cảm ơn Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các nhà khoa học, các cơ quan chuyên môn đã tham gia tư vấn, góp ý và xây dựng, hoàn thiện hồ sơ. 

Đồng thời, cảm ơn nhân dân Đống Đa cũng như đông đảo nhân dân cả nước đã quan tâm gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di tích, để hôm nay gò Đống Đa được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.

Đây là niềm tự hào của mỗi người dân cả nước và Thủ đô nói chung, nhân dân Đống Đa nói riêng. Đi liền với đó là trách nhiệm, là sự nỗ lực không ngừng của tất cả chúng ta trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích.

Chúng ta cùng hy vọng và tin tưởng rằng, việc được đón nhận Bằng xếp hạng quốc gia đặc biệt trong dịp Lễ hội kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa đầu xuân Kỷ Hợi, sẽ là một khởi đầu mới cho sự phát triển mới cho Đất nước, Thủ đô và cho di tích lịch sử Gò Đống Đa.

Bên cạnh đó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: Năm 2019 là năm “bứt phá” của Kế hoạch 5 năm 2016-2020, là năm Thành phố tiếp tục chọn chủ đề công tác: “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”. Tự hào phát huy truyền thống và kết quả đã đạt được, thành phố Hà Nội quyết tâm tiếp tục nỗ lực cố gắng, chủ động đổi mới, đoàn kết - sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức, hăng hái thi đua, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng để góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, ngày càng Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại.

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô, Chủ tịch UBND TP chân thành cảm ơn đồng chí Thủ tướng Chính phủ và phu nhân, cảm ơn các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ, lãnh đạo các bộ, ban, ngành của Trung ương, lãnh đạo Thành phố qua các thời kỳ, các quý vị đại biểu khách quý cùng toàn thể nhân dân đã về dự và tham gia các hoạt động Kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa và đón bằng di tích quốc gia đặc biệt “Gò Đống Đa”.

Ông Phan Hồng Việt - Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa thông tin thêm, năm nay lễ hội trùng với dịp gò Đống Đa chính thức trở thành di tích quốc gia đặc biệt nên từ rất sớm UBND quận Đống Đa đã xây dựng kế hoạch chi tiết nhằm chào mừng sự kiện trọng đại này. Cụ thể, chương trình lễ hội bao gồm rất nhiều hoạt động như: Lễ dâng hương, lễ rước kiệu, múa rồng, biểu diễn nghệ thuật dân tộc, các trò chơi dân gian... với sự tham gia của nhiều đoàn tế lễ, đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp và đông đảo quần chúng Nhân dân Thủ đô và các địa phương lân cận. Đặc biệt, là chương trình biểu diễn nghệ thuật “Màn sử thi” chào mừng Lễ kỷ niệm.

Cùng với đó, ngay từ những tháng cuối năm 2018, quận Đống Đa đã triển khai một số nội dung nhằm tuyên truyền, quảng bá giới thiệu di tích gò Đống Đa như: In tờ gấp giới thiệu về di tích gò Đống Đa; tổ chức Hội thảo khoa học về di tích gò Đống Đa và chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa; triển khai dự án số hóa dữ liệu, xây dựng hệ thống tương tác 360 quảng bá di sản văn hóa và du lịch quận Đống Đa trong đó có di tích gò Đống Đa; quay phim ngắn giới thiệu về di tích gò Đống Đa…

Để bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt này, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa cũng cho biết, ngoài tăng cường và nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng xây dựng Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích theo từng giai đoạn thì quận cũng luôn chú trọng tới việc huy động nguồn lực trong cộng đồng dân cư, nguồn xã hội hóa trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Bên cạnh đó, quận cũng đã phối hợp với các cơ quan báo, đài tuyên truyền, quảng bá tiềm năng phát triển du lịch từ giá trị di tích lịch sử - văn hóa. Hàng năm, vào dịp lễ hội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa có ý nghĩa thiết thực…

Đáng chú ý, nhằm tuyên truyền giáo dục về ý nghĩa di tích đến thế hệ trẻ, quận đã giao các đơn vị liên quan thuộc quận phối hợp cùng các trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn tổ chức hoạt động “Trường học tích cực, học sinh thân thiện” thông qua các chuyến tham quan, tìm hiểu ý nghĩa, giá trị của các di tích trên địa bàn quận trong đó có di tích gò Đống Đa. Đây là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực, qua đó nâng cao nhận thức, lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh cũng như phát huy giá trị di tích trên địa bàn quận.

Gò Đống Đa có tổng diện tích 22.120,8m2, gồm khu tưởng niệm và khu vực gò Đống Đa. Khu tưởng niệm bao gồm hệ thống phù điêu, tượng đài, nhà trưng bày… Nổi bật là tượng đài Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ cao 14,65m, làm bằng chất liệu bê tông cốt thép, nặng 200 tấn, ốp đá hoa cương và phun vẩy rồng.

Phía sau tượng đài là hai bức phù điêu mô tả trận đánh của quân và dân ta dưới sự chỉ đạo tài tình của Hoàng đế Quang Trung tấn công thần tốc vào giải phóng kinh thành Thăng Long.

Đền thờ Hoàng đế Quang Trung nằm ngay sau tượng đài, kiến trúc hai tầng. Tầng trên là đền thờ, kiến trúc theo phong cách truyền thông với hai tầng mái; tầng dưới là phòng trưng bày hiện vật và các bức ảnh diễn tả cuộc tiến công thần tốc của Nghĩa quân Tây Sơn. Khu vực gò Đống Đa với trung tâm là gò đất tròn phía trên có nhiều cây xanh, đỉnh gò dựng một tấm bia đá có khắc lời hịch của Hoàng đế Quang Trung. Hiện trên gò vẫn còn kiến trúc cổng và dấu tích nền móng của Đền Trung Liệt.

TRẦN LONG - LẠI TẤN - NGỌC TÚ