Du lịch di tích, đổi mới để tăng sức hút

11/09/2020

Những ảnh hưởng của làn sóng dịch Covid-19 mạnh mẽ đã khiến các khu du lịch, di tích trải nghiệm văn hóa của Hà Nội rơi vào trạng thái “ngủ đông” do lượng khách đến giảm mạnh. Trong thời gian này, tất cả đang chờ được khai phá, đổi mới từ chiều sâu để gây ấn tượng mạnh hơn, hấp dẫn du khách sau dịch.

Đìu hiu khó tin do ảnh hưởng của dịch

Với bề dày nghìn năm văn hiến, Hà Nội có nhiều di tích, di sản, làng nghề, ẩm thực... độc đáo. Đây chính là thế mạnh của Hà Nội trong phát triển du lịch nhiều năm qua. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, ngành du lịch Hà Nội đã có những có những biến động nghiêm trọng. Sau khi đợt dịch Covid-19 đầu tiên lắng xuống, các khu du lịch, di tích trải nghiệm văn hóa của Hà Nội bắt đầu có sự nhộn nhịp trở lại đón du khách trong nước đến tham quan. Đang trong quá trình “hồi sinh” thì đợt dịch lần thứ 2 bùng phát. Ảnh hưởng từ dịch Covid-19 đến ngành du lịch Thủ đô ngày càng rõ nét khi có hàng ngàn tour bị khách hàng hủy, tỷ lệ đặt phòng ở các cơ sở lưu trú rất thấp.

du lich di tich doi moi de tang suc hut
Nhiều nơi đã tiến hành đổi mới nội dung hoạt động để hấp dẫn du khách

Theo số liệu thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, trong 8 tháng đầu năm 2020, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 6,29 triệu lượt khách, giảm 67,3% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế đến Hà Nội ước đạt 1,02 triệu lượt khách, giảm 75,6% so với cùng kỳ; khách du lịch nội địa ước đạt 5,27 triệu lượt khách, giảm 65% so với cùng kỳ. Riêng trong tháng 8/2020, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 310 nghìn lượt, giảm 70,3% so với tháng 7/2020, giảm 87,6% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế đến Hà Nội giảm 12% so với tháng trước và giảm 97,1% so với cùng kỳ; khách du lịch nội địa giảm 71,3% so với tháng trước và giảm gần 85% so với cùng kỳ.

Do không có khách, nhiều khu du lịch, di tích nổi tiếng của Hà Nội mặc dù vẫn được hoạt động bình thường nhưng luôn trong tình trạng vắng vẻ. Đã nhiều tháng nay, tại các khu di tích như Nhà tù Hỏa Lò, Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, khu phố cổ Hà Nội…không khí du lịch rơi vào trạng thái đìu hiu, trầm lắng hẳn, trái ngược với cảnh đông đúc, người người, nhà nhà đến tham quan trải nghiệm như mọi năm. Cảnh tượng cổng bán vé, bãi đỗ xe chật kín khách nay cũng đã không còn. Nhiều ki - ốt, nhà hàng phải tạm đóng cửa vì ế ẩm.

Vốn là một trong những di tích hấp dẫn, thu hút du khách nước ngoài, người dân các địa phương, sĩ tử mỗi mùa thi... Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám những ngày qua lại có lượng khách đến tham quan rất thấp. Ngay từ cổng đến đường dẫn vào khu vực Khuê Văn Các, bia tiến sĩ, thưa vắng, đây là điều hiếm thấy trước khi dịch bệnh diễn ra. Mặc dù vắng vẻ nhưng các hoạt động vệ sinh, duy tu vẫn được tiến hành thường xuyên, từ đó dẫn đến tình trạng “nhân viên nhiều hơn khách”.

Theo ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám chia sẻ, từ đầu năm, dịch bệnh đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động đón khách tham quan của đơn vị. “Dịch Covid – 19 có tác động vô cùng nghiêm trọng đến các khu du lịch, di tích, bao gồm cả Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Các hoạt động đón khách có thời gian phải tạm dừng trong giai đoạn giãn cách xã hội và các hoạt động trải nghiệm văn hóa, giáo dục, khoa học khác đều bị ảnh hưởng, không tổ chức được.Trong khoảng từ cuối tháng 5 đến tháng 6, Văn Miếu – Quốc Tử Giám đón được 300-400 khách tham quan/ngày, giảm khoảng 90% so với trước khi có dịch. Khi làn sóng dịch thứ 2 bùng nổ, từ cuối tháng 7 đến tháng 8, lượng khách giảm đến 99%, tức là một ngày Văn Miếu – Quốc Tử Giám chưa được 100 khách đến tham quan”, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết.

Đổi mới từ chiều sâu để thu hút khách

Từ những khó khăn trên đã đặt ra cho mỗi đơn vị nhiệm vụ phải giải bài toán không thụ động chờ khách tham quan tìm đến, thay vào đó là tìm hướng đi mới để hấp dẫn du khách, hạn chế tối đa ảnh hưởng của dịch bệnh.

Ngoài việc tiếp tục đảm bảo an toàn, sức khỏe cho du khách và chất lượng phục vụ khi khách đến tham quan di tích, nhiều nơi đã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, quảng bá trên các trang mạng xã hội nhằm đưa di tích đến với đông đảo đối tượng công chúng. Dịch Covid- 19 khiến hoạt động du lịch bị chững lại. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm để các đơn vị nghiên cứu thay đổi nội dung, đi sâu vào nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch có chiều sâu, mang nhiều giá trị trải nghiệm hấp dẫn hơn.

“Dịch bệnh là bất khả kháng, mặc dù gây ra những khó khăn nhưng đây cũng là cơ hội để chúng ta thay đổi nhận thức, để thấy rõ là tính bền vững trong nguồn thu, hoạt động của di tích là như thế nào. Từ đó đòi hỏi mỗi đơn vị phải thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh mới, thay đổi tư duy phục vụ, ứng xử với khách và thay đổi các hoạt động có tính thiết thực mang lại lợi ích cho cộng đồng, xã hội”, ông Lê Xuân Kiêu cho hay.

du lich di tich doi moi de tang suc hut
Các khu di tích vắng vẻ do ảnh hưởng của dịch

Theo đó, hiện nay, Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám chủ trương sắp xếp lại bộ máy lao động, đặc biệt là chuyển hướng hoạt động chuyên môn để chuẩn bị cho sau Covid-19. Bên cạnh việc duy trì đón khách, Văn Miếu – Quốc Tử Giám tiếp tục phát triển những sản phẩm lưu niệm chuyên biệt gắn với những giá trị đặc trưng của khu di tích. Thể hiện qua những sản phẩm có họa tiết, hoa văn đặc trưng của Văn Miếu - Quốc Tử Giám cùng với những hình ảnh gắn với truyền thống học tập và khoa bảng của Việt Nam, được sản xuất tại các làng nghề truyền thống, bằng những chất liệu thân thiện với môi trường như tre, gỗ, vải, bèo…. Mỗi sản phẩm lưu niệm đóng vai trò như một “đại sứ thương hiệu” của Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Ngoài ra, trong việc hiện đại hóa và tăng tính trải nghiệm, Trung tâm xây dựng những đề án số hóa, toàn bộ số liệu di tích để phục vụ việc tra cứu của các dòng họ, doanh nhân, tra cứu tiến sĩ..., áp dụng công nghệ hiện đại, hướng tới sử dụng công nghệ hiện đại để nói lên các câu chuyện truyền thống. Dự kiến đến Tết âm lịch hệ thống này có thể triển khai được.

Để tăng tính hấp dẫn, khai thác tối đa tiềm năng du lịch Thủ đô, nhiều điểm du lịch, di tích của Hà Nội cũng đã và đang xây dựng kế hoạch phát triển mô hình du lịch về đêm. Có thể kế đến như sản phẩm du lịch mới “Đêm linh thiêng - Sáng ngời tinh thần Việt” tại di tích Nhà tù Hỏa Lò. Điều đặc biệt của tour trải nghiệm này là đơn vị tổ chức đã tạo nên các cung bậc cảm xúc từ hiệu ứng của ánh sáng và âm thanh hoàn toàn khác biệt so với ban ngày. Hành trình sẽ đánh thức cảm xúc, giác quan của du khách, điều mà những chuyến tham quan vào ban ngày chưa làm được trọn vẹn. Đây là hoạt động du lịch về đêm đầu tiên tại các di tích của Hà Nội, mở ra khả năng khai thác tiềm năng mô hình này cho nhiều điểm di tích khác. Trong đó có thể kể đến như sản phẩm du lịch đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”, dự kiến ra mắt vào dịp kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội. Không chỉ vậy, nhiều nơi đã nâng cấp dịch vụ, cải tạo hạ tầng, như lắp đặt hệ thống tra cứu điện tử, wifi miễn phí… để phục vụ du khách tham quan, tìm hiểu.

Có thể thấy rằng, những đổi mới có chiều sâu hướng vào nhu cầu của khách hàng đang là hướng đi đúng đắn tại nhiều khu du lịch, di tích trải nghiệm văn hóa tại Hà Nội. Không chỉ giúp phát huy lợi thế của khu du lịch Thủ đô, đây còn là cơ hội mở rộng thị trường khách nội địa, đặc biệt là tạo sức bật sau khoảng lặng do Covid-19./.

Nguồn: laodongthudo.vn