Dấu ấn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp

17/10/2019

Không chỉ ghi dấu những vết tích của thời phong kiến xa xưa, quần thể di tích lịch sử văn hóa chùa Trầm (xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ) còn là nơi đầu tiên Đài tiếng nói Việt Nam chuyển về sau khi rời Hà Nội để tiếp tục phục vụ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Cũng chính từ đây, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ Tịch đã vang lên khắp bốn phương trên làn sóng điện ngày 20/12/1946.

Cách trung tâm thành phố Hà Nội chưa đầy 30km, quần thể di tích lịch sử văn hóa chùa Trầm nổi tiếng không chỉ bởi phong cảnh thiên nhiên hết sức nên thơ, hữu tình mà còn bởi đây là nơi quần tụ của nhiều di tích, chùa chiền vừa có ý nghĩa tâm linh lại vừa có giá trị lịch sử lâu đời.

dau an cuoc khang chien chong thuc dan phap
Chùa Trầm.

Theo truyền thuyết xưa kể lại, núi Trầm vốn là viên ngọc trắng từ trên trời rơi xuống, khi chạm đến đất ven sông Đáy thì hóa thành 5 con chim phượng hoàng nhô đầu là 5 đỉnh núi. Vì vậy núi Trầm còn có tên gọi khác là Ngũ Nhạc Sơn (sau đổi tên thành Tử Trầm Sơn).

Nằm giữa những cánh đồng lúa mênh mông, núi Trầm mang trong mình nét đẹp hoang sơ, tạo nên một không gian tĩnh lặng, yên bình. Chả thế mà xưa kia toàn bộ khu núi Trầm từng là nơi vua Lê, chúa Trịnh đặt hành cung để thưởng ngoạn cảnh đẹp.

Ngày nay, tuy di tích thành xưa đã không còn nhưng ở chân núi Trầm vẫn án ngữ quần thể gồm 3 ngôi cổ tự (chùa Trầm, chùa Hang và chùa Vô Vi). Dù được xây dựng ở những vị trí khác nhau nhưng đều nhỏ nhắn, khiêm nhường, ẩn mình vào núi khiến mọi người khi đến đây đều có cảm giác vừa an nhiên như được bao bọc bởi mẹ tự nhiên lại vừa thanh tịnh, tĩnh tâm bởi khắp nơi đều là cửa phật.

Chùa Trầm được xây dựng vào thế kỉ 16, năm Cảnh Trị thứ 7 (1669). Tên chùa được gọi theo tên của ngọn núi mà nó tựa vào. Chùa Trầm được coi là một trong bốn ngôi chùa thiêng thuộc hàng “tứ đại danh thắng của xứ Đoài”, bên cạnh các chùa Trăm Gian, chùa Thầy và chùa Tây Phương. Ngôi chùa mang đậm dấu ấn kiến trúc văn hóa tâm linh đặc trưng của cư dân đồng bằng Bắc bộ.

Chùa Trầm tuy nhỏ nhưng lại mang vẻ đẹp cổ kính, thâm nghiêm với thế “tọa sơn quan thủy”. Mặc dù đã trải qua nhiều lần trùng tu nhưng đến nay, chùa Trầm vẫn giữ được nhiều tượng Phật mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII - XIX với những nét chạm khắc công phu, tinh tế.

dau an cuoc khang chien chong thuc dan phap
Những ngày cuối tháng 3, xung quanh khu vực núi Trầm, hoa gạo nở đỏ rực cả một góc trời.

Ngay bên phải chùa Trầm ít bước là động Long Tiên (tên gọi khác là hang Trầm). Động rộng gần 200m². Trong động có hai lối đi chính, lối dẫn lên đỉnh núi Trầm gọi “đường lên Trời”, lỗi dẫn ngầm vào trong núi sâu gọi là “đường xuống Âm phủ”.

Cửa vào động tuy không lớn lắm, rộng khoảng 7m và cao hơn 3m nhưng bên trong lại có không gian thoáng đãng với vòm hang khá cao. Vào những ngày đẹp trời, ánh sáng tự nhiên len lỏi qua những khe nhỏ trên vòm hang chiếu rọi có thể nhìn thấy nhiều thạch nhũ với nhiều màu sắc, hình thù tuyệt đẹp, cùng với rất nhiều tượng phật được tạc khắc công phu nằm rải rác khắp lối đi.

Ở gian rộng nhất của động là chùa Hang, có ban thờ Phật và tượng của các vị phật, tiên, hộ pháp. Điểm đặc biệt là các bức tượng này đều được tạc bằng đá tinh xảo, trường tồn qua hàng trăm nay qua. Do nằm sâu trong hang động nên không gian tâm linh chùa rất độc đáo. Ngoài trống đá, khánh đá, tượng thờ bằng đá có từ thời Lê; trên vách động hiện còn lưu giữ hàng chục tác phẩm thơ, văn cổ có giá trị.

Chính từ đỉnh núi Trầm, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch đã vang lên khắp bốn phương trên làn sóng điện ngày 20/12/1946 - ngay sau đêm quân dân thủ đô Hà Nội nổ súng tấn công giặc Pháp trở lại xâm lược nước ta.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ từ năm 1967 đến 1975, núi Trầm trở thành khu quân sự bí mật của quân dân Việt Nam và là nơi điều hành bộ máy chiến đấu gồm các binh chủng tên lửa, ra đa, không quân, cao xạ…

Không chỉ ghi dấu những vết tích của thời phong kiến xa xưa, động Long Tiên còn là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng sống và làm việc trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Đây cũng là địa điểm đầu tiên Đài tiếng nói Việt Nam chuyển về sau khi rời Hà Nội để tiếp tục làm việc (từ 20/12/1946 đến 4/3/1947).

Chùa cuối cùng nằm trong quần thể di tích lịch sử văn hóa chùa Trầm là chùa Vô Vi. Đây là ngôi chùa nổi tiếng nhất mà cũng độc đáo nhất trong quần thể chùa chiền quanh núi Trầm. Chùa được xây dựng vào năm 1515 trên một núi đá nhỏ. Trải qua thời gian, kiến trúc của chùa vẫn được giữ gần như nguyên vẹn cho tới ngày nay.

Kiến trúc chùa được xây dựng theo thế núi, nên càng lên cao càng càng ăn sâu vào vách núi. Men theo những bậc thang nhỏ hẹp chỉ đủ để hai người tránh nhau uốn lượn bên vách núi, mọi người sẽ lần lượt đi qua ba gian chùa nhỏ, thờ Phật, thờ Mẫu nằm khiêm tốn bên đường đi.

Ở ngay sau chùa là lầu Nghênh Phong. Đi qua lầu Nghênh Phong, lên đến vách núi trên cùng có quả chuông đồng được đúc từ năm 1814 treo trên vách núi. Chui qua một khe hẹp hiểm trở trên vách núi treo chuông này mới tới được đỉnh núi.

Núi Trầm tuy không cao nhưng lại có địa hình rất đẹp, nhiều hang, ngách và những tảng đá hình thù sinh động. Khi đã lên tới đỉnh, mọi người có thể thả hồn vào không gian thiên nhiên tươi mát, lắng nghe tiếng gió vi vu, tận mắt ngắm nhìn toàn bộ khung cảnh đồng ruộng, xóm làng yên bình. Cảnh sắc thanh bình, tiếng gió vi vu bên tai làm tâm hồn “sạch không” và thảnh thơi đến lạ. Đây cũng là điểm đến quen thuộc của những người yêu hoa gạo mỗi khi mùa hè về.

laodongthudo