Các khu di tích, bảo tàng ở Hà Nội: Làm mới để thu hút khách

25/11/2018

(HNM) - Nhiều doanh nghiệp lữ hành đánh giá, các khu di tích, bảo tàng tại Hà Nội nhìn chung vẫn chưa “thức giấc”. Tất cả đang chờ được khai phá để gây ấn tượng mạnh hơn, qua đó khiến du khách ở lại Thủ đô lâu hơn và ngày càng có thêm nhiều người tìm đến Hà Nội.

 

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam là một trong những địa điểm thu hút đông khách quốc tế tới tham quam.

Mới “bày” chứ chưa “trình diễn” 

Trong nhiều buổi tiếp xúc với các doanh nghiệp lữ hành quốc tế đến khảo sát Hà Nội, hệ thống bảo tàng, khu di tích luôn được Sở Du lịch Hà Nội giới thiệu như một nét hấp dẫn của đất kinh kỳ. Những địa chỉ như Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quốc gia… hoàn toàn đủ “chất liệu” để kích thích trí tò mò của du khách muốn khám phá. Vấn đề là cách “chế biến” để những chất liệu ấy đủ hấp dẫn, gây hứng thú cho du khách. 

Lâu nay, ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist đau đáu việc khai phá tiềm năng của hệ thống bảo tàng, di tích tại Hà Nội. Dành nhiều tháng để khảo sát các điểm này, ông nhận xét: “So với nhiều bảo tàng khác ở châu Á, các khu di tích, bảo tàng ở Hà Nội có quá nhiều thứ hấp dẫn du khách, tuy nhiên, đa số vẫn đang nằm yên. Cần đánh thức để chúng thực sự sống động trong mắt du khách. Lấy ví dụ về cổng thành ở Khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Hiện tại, cổng thành không còn giữ được nguyên trạng. Nhưng nếu tận dụng công nghệ 3D thì du khách hoàn toàn có thể hình dung được di tích xưa khi đặt chân đến đây”. 

Còn ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc Công ty Du lịch OPENSEA, một trong những doanh nghiệp đang phối hợp với Hanoitourist trong việc khai thác giá trị của các khu di tích, bảo tàng ở Hà Nội nói: “Rõ ràng, rất nhiều bảo tàng, khu di tích ở Việt Nam cũng như Hà Nội có vô số hiện vật giàu giá trị văn hóa. Tuy nhiên, việc khai thác chúng còn hạn chế. Sau khi khảo sát, chúng tôi thấy chỉ có Bảo tàng Dân tộc học và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đáp ứng yêu cầu thu hút du khách. Hiện vật tại hai nơi này không phải chỉ được bày ra rồi thôi, mà thực sự mang tính chất trình diễn. Có nghĩa là đơn vị chủ quản biết tận dụng kỹ thuật ánh sáng, sắp đặt, tạo ra không gian trải nghiệm”. 

Cũng theo ông Nguyễn Đức Hòa, nhiều bảo tàng, khu di tích khác mới chỉ bày hiện vật, chưa “quay vòng” hiện vật theo những chủ đề khác nhau cũng như tận dụng công nghệ hỗ trợ trưng bày. Ngoài ra, những nơi này cũng chưa chú trọng việc tạo hình ảnh gây ấn tượng cũng như câu chuyện cho các hiện vật ấy. Rồi là chất lượng hướng dẫn viên, chất lượng phục vụ tại các điểm này cũng cần được nâng tầm… Ngay như Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, dù đã đón khoảng 300 nghìn lượt khách trong 10 tháng qua (tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái) nhưng những người có trách nhiệm vẫn chưa hài lòng. Bà Nguyễn Thị Yến, Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cho biết, đơn vị này đang kết hợp với một số doanh nghiệp lữ hành để tìm ra cách trưng bày mới mẻ, tăng khả năng trải nghiệm để du khách tới đây cảm thấy hài lòng. 

Đã rõ ý thức làm mới 
 

 

Hướng dẫn viên du lịch giới thiệu về di tích Nhà tù Hỏa Lò cho du khách. Ảnh: Tuấn Sơn.

Trong ngày khai trương tour “Bonbon Hà Nội”, một tour mới nhằm giúp du khách khám phá những điểm du lịch đặc sắc của Hà Nội, trong đó có Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, ông Phùng Quang Thắng kể: “Rất may là khi tiếp xúc với lãnh đạo các bảo tàng, khu di tích ở Hà Nội, chúng tôi đều nhận được sự phối hợp nhiệt tình. Rõ ràng, nếu khai thác tốt thì nguồn thu từ đây là rất lớn”. 

Ông Nguyễn Đức Hòa cũng cho hay, đây là thời điểm thuận lợi để phát huy giá trị của hệ thống bảo tàng, khu di tích. Chính vì vậy, Công ty Du lịch OPENSEA và Hanoitourist hợp tác xây dựng tour “Giải mã bảo tàng” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Như diễn giải của nhà tổ chức thì đây không phải là tour tham quan bảo tàng thông thường, mà thông qua hình thức trò chơi tìm kiếm kho báu ngay tại bảo tàng để tìm hiểu văn hóa. Rồi sau này, sẽ còn có những tour như “Câu chuyện cà phê Hà Nội”, “Dấu ấn Hoàng thành” (hợp tác với đơn vị quản lý Hoàng thành Thăng Long); “Khám phá thời kỳ bao cấp” (hợp tác cùng Bảo tàng Lịch sử quốc gia); “Trải nghiệm văn hóa thờ Mẫu” (hợp tác cùng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam); “Theo dấu chân Bác Hồ” (hợp tác cùng Bảo tàng Hồ Chí Minh)…

Bà Nguyễn Thị Yến, Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội khẳng định, việc phối hợp với các công ty lữ hành trong khai thác giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật phục vụ du khách sẽ mang đến nhiều cái lợi cho chính đơn vị quản lý các điểm đến du lịch. Bởi nếu tự thân vận động, các đơn vị khó đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện, phát huy những mặt mạnh của điểm đến. Khi các nhà quản lý hệ thống bảo tàng, khu di tích cùng các đơn vị lữ hành tìm được sự đồng điệu thì hoàn toàn có thể kỳ vọng vào sức sống mới tại những điểm đến quan trọng của Hà Nội.
 
 
 
Chủ động thay đổi, tăng cường hợp tác
(HNM) - Mối quan hệ tác động qua lại, thậm chí là phụ thuộc lẫn nhau giữa các ngành là điều bình thường. Có thể thấy rõ điều đó khi xem xét mối quan hệ giữa các di tích, bảo tàng và du lịch. Di tích gắn liền với những giá trị lịch sử, văn hóa độc đáo của mỗi vùng đất và cả quốc gia. Bởi thế, sức hút của các di tích đối với khách du lịch là rất lớn. 
Minh Quang