100 năm qua, Hồ Gươm có gì khác xưa?

06/10/2021

Với vị trí đắc địa, Hồ Gươm đã được người Pháp lựa chọn để trở thành trung tâm trong công cuộc chỉnh trang TP Hà Nội ngay khi họ đặt chân đến mảnh đất này. Nhân dịp kỷ niệm 67 năm ngày Giải phóng thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2021), Trung tâm Lưu trữ quốc gia I - Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức triển lãm trực tuyến tài liệu lưu trữ với chủ đề “Hồ Gươm, giao lộ Đông – Tây”.

hg-3.jpg

Hồ Gươm - dấu tích của một khúc sông Nhị Hà xưa, là thắng cảnh nổi tiếng của Thủ đô, được bao quanh bởi phố Hàng Khay - Lê Thái Tổ - Đinh Tiên Hoàng.

Dưới bàn tay quy hoạch của người Pháp, Hồ Gươm như một Giao lộ - điểm nối hai nét kiến trúc và văn hóa Đông - Tây, là sự chuyển biến hợp lý giữa khu phố Ta ở phía Bắc và khu phố Tây ở phía Nam. Cùng với những nếp quen cũ, những tập quán sinh hoạt truyền thống của người Hà Nội, diện mạo mới của một đô thị phương Tây đã khiến cho lối sống của người dân có thêm nhiều điều mới mẻ. Sự cộng hưởng đó đã tạo nên một dấu ấn rất riêng cho Hồ Gươm và Phố cổ ngày nay.

 

Nhân dịp 67 năm ngày Giải phóng thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2021), Trung tâm Lưu trữ quốc gia I - Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước tổ chức Triển lãm trực tuyến tài liệu lưu trữ với chủ đề “Hồ Gươm, giao lộ Đông - Tây”.

Triển lãm được bố cục thành 3 phần: Quá trình thay đổi diện mạo Hồ Gươm; Bảo tồn không gian văn hóa, lịch sử Hồ Gươm; Hồ Gươm - trung tâm dịch vụ và văn hóa giải trí.

 

Ở phần I “Quá trình thanh đổi diện mạo Hồ Gươm”, triển lãm sẽ đưa người xem chứng kiến sự thay đổi của Hồ Gươm trong suốt quãng chiều dài lịch sử đã qua. Năm 1873, Pháp đánh chiếm Hà Nội, triều đình Huế đã nhượng một khoảnh đất diện tích 2.5ha ở Đồn Thủy bên bờ sông Hồng để xây dựng chỗ ở cho viên Công sứ và đội hộ vệ. Tháng 10/1875, Pháp bắt đầu khởi công các công trình kiên cố trên khu nhượng địa với một con đường xuyên khu (nay là phố Phạm Ngũ Lão). Đến thời điểm này, Hồ Gươm vẫn có dáng dấp của những ao hồ nông thôn.

 

Từ năm 1884 trở đi, Hồ Gươm trở thành trung tâm trong công cuộc qui hoạch TP Hà Nội. Chính quyền Pháp cho mở một con phố nối khu Nhượng địa với Trường Thi và Hoàng Thành cũ. Trong quá trình xây dựng, Tổng Trú sứ Trung- Bắc Kì yêu cầu giữ lại khu vực quanh hồ với chiều rộng ít nhất là 20 mét, không một công trình nào được phép xây dựng dọc theo khu vực này và phải dỡ bỏ tất cả nhà tranh trên phố Paul Bert.

Từ tháng 10/1886 đến năm 1888, khu phố Pháp ở phía Đông Hồ Gươm và phía Bắc trục đường Paul Bert dần được hoàn thiện. Để có đất làm đường và xây dựng khu phố này, chính quyền Pháp đã phá hủy một số ngôi chùa xung quanh hồ Gươm, bất chấp sự phản đối của dân chúng. Hệ thống phố đầu tiên của Hà Nội được hình thành, bắt đầu từ tuyến phố Paul Bert - des Inscruteurs (Tràng Tiền - Hàng Khay - Tràng Thi), tiếp theo là phố Francis Garnier (phố Đinh Tiên Hoàng) và Beauchamps (phố Lê Thái Tổ), cùng các dãy phố song song tạo ra một hệ thống bao quanh hồ Gươm.

 

Từ năm 1897, chính quyền Pháp tiến hành việc rải đá mặt đường, làm vỉa hè, hoàn thành hệ thống cung cấp điện nước, xây cống ngầm và một số cơ sở sản xuất như: nhà máy Điện bờ Hồ (1899 - 1902), công ty Tàu điện Hà Nội (1900)…,mở rộng một số chợ, nhà ga, quảng trường, công viên, rạp chiếu phim. Đại lộ Francis Garnier (phố Đinh Tiên Hoàng) với việc mở rộng công viên hướng ra hồ đã mang lại một không gian xanh và là trục đi bộ quan trọng của trung tâm đô thị.

Phía Đông Nam hồ Gươm, người Pháp khẩn trương xây dựng khu trung tâm hành chính, chính trị đầu não của Chính quyền Pháp ở Hà Nội như: Toà Đốc lý, Phủ Thống sứ Bắc Kì, Bưu điện, Ngân hàng. Phía Bắc của hồ là quảng trường dẫn vào khu phố bản xứ thấp tầng. Tuyến cây xanh được tăng dần khi qua cụm đền Ngọc Sơn để vào khu phố Tây, những ngã tư giao thông đã được phân làn xe đúng nghĩa. Việc xây dựng công sở và qui hoạch tổng thể cụm công trình phía Đông Hồ Gươm đã biến nơi đây thành một trung tâm hành chính, tín ngưỡng, thương nghiệp, dịch vụ và văn hóa giải trí.

 

Trong công cuộc chỉnh trang TP, hồ Gươm đã tạo nên điểm khác biệt so với các đô thị kiểu mẫu phương Tây, mang đậm kiến trúc cảnh quan Á Đông. Hồ Gươm trở thành “giao lộ Đông - Tây”, là sự chuyển biến hợp lý giữa khu phố Ta ở phía Bắc và khu phố Tây ở phía Nam, như nhận xét của André Masson: “Hồ Gươm ngày nay là một vòng trang sức của Hà Nội, là gạch nối vui tươi giữa khu phố người bản xứ với khu phố Pháp”.

 

Với tổng số hơn 100 tài liệu, tư liệu, hình ảnh, bản vẽ trưng bày, triển lãm sẽ bắt đầu từ ngày 8/10/2021 tại website http://archives.org.vn và fanpage https://facebook.com/luutruquocgia1.