Phố cổ Hà Nội: “Di sản sống” giữa áp lực đô thị hóa

15/03/2019

Kinhtedothi - Đã có thời kỳ, phố cổ Hà Nội được đưa vào danh mục xóa sổ để thay thế bằng những tòa nhà cao tầng. Tuy nhiên, cho đến nay, phố cổ Hà Nội vẫn đang tồn tại như một thực thể sống mạnh mẽ, thu hút hàng triệu khách du lịch mỗi năm bởi nét kiến trúc cổ kính, đời sống văn hóa tinh thần phong phú, mang nét đặc trưng của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Bài học từ các nước trên thế giới
Từ ngày 11 - 20/3, tại trường Đại học Xây dựng diễn ra chuỗi hoạt động với chủ đề “TP tương lai với bảo tồn di sản - Tái tạo đô thị và biến đổi bền vững”. Chương trình nhằm nghiên cứu giải pháp thiết kế vào bảo tồn đô thị tại hồ Hoàn Kiếm. Nhiều chuyên gia kiến trúc đến từ Italia đã trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn sinh viên các trường đại học kỹ thuật phương pháp thiết kế, bảo tồn các di sản kiến trúc đô thị, làm nền tảng để thực hiện các đề tài nghiên cứu giải pháp bảo tồn đô thị tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, phố cổ Hà Nội. Trong đó, có một câu nói của TS Luigi Croce - trường Đại học Venice của Italia về bảo tồn di sản đô thị khiến nhiều người phải suy nghĩ: “Quá khứ không nói dối chúng ta, ký ức xuất hiện như một lời hứa trong tương lai”. KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên Thường trực Ban Chấp hành Hội Kiến trúc sư Hà Nội chia sẻ: “Italia là quốc gia thành công, là điển hình trong bảo tồn di sản đô thị trên thế giới. Tuy nhiên trong quá trình đó, họ đã phải trả giá, không ít di sản từ thời La Mã đã bị phá hủy trong quá khứ, trong quá trình hiện đại hóa mà giờ họ muốn khôi phục cũng không được”.
Hà Nội có tiếng nói bảo tồn di sản đô thị mạnh mẽ nhất trong tất cả các TP khác trên cả nước nhưng cũng là nơi chịu nhiều thách thức - nơi luôn luôn phải tranh chấp giữa bảo tồn và phát triển. Đây là bài toán khó, tôi cho rằng Hà Nội có thái độ nghiêm túc, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, đúc rút kinh nghiệm thực hiện trong quá khứ.
Kiến trúc sư Trần Huy Ánh - Ủy viên Thường trực Ban Chấp hành Hội Kiến trúc sư Hà Nội

Gần gũi hơn với Việt Nam, nói về bảo tồn di sản đô thị, GS.TS. KTS Nguyễn Quốc Thông - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết: “Những năm 90 của thế kỷ trước, tất cả các nước Đông Nam Á như Singapore, Malaysia, Myanmar, Thái Lan... sau khi phá bỏ những khu phố cổ để xây những tòa tháp cao tầng đã nhận ra rằng họ đã đánh mất đi tài sản quý giá mà thế hệ đi trước đã để lại, đó là giá trị văn hóa tạo ra bản sắc riêng của mỗi quốc gia. Cho đến nay, họ đã và đang đau đớn khôi phục những mẩu còn sót lại”.
Nghiên cứu về phố cổ Hà Nội từ những năm 1982 - 1983, GS TS. KTS Nguyễn Quốc Thông cho rằng, Việt Nam nói riêng và Hà Nội nói chung may mắn hơn. “Những năm 80 của thế kỷ trước, người ta coi phố cổ Hà Nội không có giá trị, thậm chí người ta sẵn sàng bỏ đi để xây khu tập thể. Nói một cách kỹ hơn, người ta làm cầu Chương Dương là để làm một con đường đi qua phố cổ, đi thẳng vào Hoàng Thành. Đến năm 1990, từ những bài học của các quốc gia khác tại Đông Nam Á, người ta bắt đầu tỉnh ngộ. Tuy nhiên, đó là cả một quá trình thay đổi về nhận thức của chính quyền và người dân. Để bây giờ, phố cổ Hà Nội vẫn tồn tại cổ kính, mang hơi thở của thời đại” - GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông chia sẻ.
Không bảo tàng hóa đô thị cổ
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, các chuyên gia về bảo tồn kiến trúc đô thị cho rằng, bảo tồn di sản đô thị không có nghĩa là đóng băng, giữ nguyên mọi thứ vốn có từ xưa. Đô thị cổ tồn tại khi trong nó mang trong mình sức sống mới với liều lượng vừa đủ để “một cơ thể cũ không phải chất tải quá nhiều những nét đổi mới” - GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông bày tỏ.
Nhìn nhận lại giá trị di sản trong phát triển hiện đại, các chuyên gia kiến trúc đô thị cho rằng: Quận Hoàn Kiếm nói riêng và TP Hà Nội đang có bước đi ngoạn mục khi thực hành việc bảo tồn, hình thành nên chính sách đặc thù - đó chính là bảo tồn di sản văn hóa trong đô thị hiện đại với sự tham gia của cộng đồng. Đơn cử như dự án phố đi bộ tại Hồ Gươm, tranh bích họa tại phố Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm) là tín hiệu cho thấy thử nghiệm về phố nghệ thuật đang khích lệ giải pháp bảo tồn di sản, làm cho sức sống di sản mạnh mẽ hơn, cuộc sống tinh thần của người dân Hà Nội nói riêng ngày càng được nâng cao. Bên cạnh đó, các dự án đã kích hoạt hoạt động thương mại, du lịch rất tốt, tạo nên hình ảnh một Hà Nội mới với di sản, phù hợp với sinh hoạt hiện đại, tạo nên sức hút, một không gian nghỉ dưỡng, vui chơi lành mạnh của các thế hệ, không chỉ riêng thanh niên.