Hà Nội - Tập huấn kỹ năng giao tiếp ứng xử văn minh cho người dân làm du lịch cộng đồng

22/10/2020

Ngày 9/10, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với huyện Gia Lâm tổ chức Hội nghị triển khai về ứng xử văn minh du lịch cho cộng đồng dân cư trên địa bàn xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội với sự tham gia của hơn 200 hộ dân kinh doanh, dịch vụ, làm nghề trồng hoa giấy, cây cảnh….

Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, có khoảng 1.300 doanh nghiệp lữ hành cùng hơn 6.000 hướng dẫn viên, hơn 1.200 cơ sở lưu trú và khoảng 40.000 lao động trực tiếp trong ngành du lịch tạm thời phải dừng hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội. Với thực tế hiện nay, theo chủ trương của Chính phủ và TP. Hà Nội là thực hiện nhiệm vụ kép, vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế, Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp, kế hoạch để phát triển du lịch nội địa trong bối cảnh trạng thái bình thường mới.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Hạnh - Chánh văn phòng Sở Du lịch TP. Hà Nội cho biết: 9 tháng đầu năm 2020 sự sụt giảm về quy mô và số lượng khách đã khiến doanh thu của ngành du lịch sụt giảm, nhiều khách sạn trên địa bàn Hà Nội đóng cửa, nhiều doanh nghiệp xin rút giấy phép, nguồn nhân lực như hướng dẫn viên, vận chuyển khách… chỉ còn 20-30% và đang cố gắng “cầm cự” hoạt động, nhiều lao động trong lĩnh vực du lịch đã chuyển sang lĩnh vực khác.

5101-cong-dong-1
Bà Nguyễn Thị Minh Hạnh - Chánh văn phòng Sở Du lịch Hà Nội - phát biểu tại hội nghị

Cũng theo bà Nguyễn Thị Minh Hạnh - ngành du lịch Hà Nội xác định việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch rất quan trọng để bồi dưỡng thêm kỹ năng, kiến thức sẵn sàng phụ vụ khách ngay khi thị trường có dấu hiệu hồi phục. Đặc biệt đối với hoạt động du lịch cộng đồng đang trở thành xu thế chung của du lịch trên thế giới hiện nay. Không nằm ngoài xu thế đó, du lịch Việt Nam nói chung và của Hà Nội nói riêng, hoạt động sẽ tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Do đó, nguồn nhân lực tham gia trực tiếp trong hoạt động du lịch cộng đồng không ai khác chính là bà con nhân dân tại địa phương. Đây là những mắt xích quan trọng quyết định tới chất lượng và sự phát triển của hình thức du lịch cộng đồng.

Hiện UBND huyện Gia Lâm đã xây dựng xong Đề án phát triển du lịch trên địa bàn huyện đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Phù Đổng nằm trong hành lang giao thông thuận lợi có lễ hội Gióng đã được UNESCO công nhận và có nhiều lợi thế để phát triển du lịch sinh thái đặc biệt là nghề ươm giống và trồng hoa giấy. Đây chính là tiềm năng, lợi thế của Phù Đổng để phát triển sản phẩm du lịch sinh thái và huy động được đông đảo cộng đồng dân cư cùng tham gia làm du lịch. Việc tập huấn góp phần quan trọng để người dân tại địa phương được trang bị thêm kiến thức, kỹ năng phục vụ khách ngành càng tốt hơn và thu hút đông đảo khách du lịch đến với địa phương.

5102-cong-dong-2
Ông Phùng Xuân Việt - Bí thư Đảng ủy xã Phù Đổng - phát biểu tại hội nghị

Tại hội nghị, ông Phùng Xuân Việt - Bí thư Đảng ủy xã Phù Đổng cho biết: Nghị quyết đại hội Đảng bộ xã Phù Đổng lần thứ 25 đã xác định mục tiêu đột phá của nhiệm kỳ tới là phát triển sản xuất hàng hóa kết hợp mô hình du lịch sinh thái để nâng cao giá trị thu nhập, duy trì xã nông thôn mới; nâng cao và hoàn thành xây dựng xã NTM kiểu mẫu năm 2022; đến năm 2025 hoàn thiện các tiêu chí thành lập phường, phát triển đô thị.

Cùng với huyện Gia Lâm sẽ trở thành quận, để đạt các tiêu chí về thu nhập bình quân đầu người, thu ngân sách địa phương… còn là chặng đường dài phía trước đối với địa phương trong khi các tiêu chí này hiện mới đạt 30% theo chỉ tiêu đề ra. Do vậy phát triển du lịch cộng đồng, tạo sinh kế bền vững, mang lại giá trị gia tăng cao cũng như thu nhập ổn định cho người dân là một trong những giải pháp mà địa phương hướng đến.

Hiện Phù Đồng có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch như lễ hội Gióng cùng Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Phù Đổng đã được Thủ tướng Chính phủ kết quyết định xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt ngày 9/12/2013, cùng với nghề ươm,tạo giống và trồng hoa giấy của người dân địa phương. Tuy nhiên những tiềm năng này chưa được khai thác tốt, lượng du khách đến với địa phương còn rất thấp, công tác du lịch chưa bài bản, công tác tuyên truyền quảng bá còn hạn chế…

5103-cong-dong-3

PGS.TS Phạm Hồng Long chia sẻ kiến thức giao tiếp, ứng xử văn minh cho người dân xã Phù Đổng

Tại hội nghị, PGS. TS Phạm Hồng Long - Trưởng Khoa du lịch học, Trường đại học KHXH& Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội - đã chia sẻ cách thức làm sao để giao tiếp tạo ấn tượng tốt với du khách thông qua phong cách, thái độ… cũng như cách thức nắm bắt nhu cầu và tâm lý của du khách khi đến các điểm du lịch; ý thức cộng động của dân cư địa phương trong việc bảo vệ môi trường cảnh quan xung quanh xanh - sạch - đẹp, đảm bảo an toàn thực phẩm trong các dịch vụ ăn uống…. từ đó phát triển du lịch theo hướng bền vững, thân thiện môi trường.
5104-cong-dong-4

Nghề trồng hoa giấy ở Phù Đổng được xem là mô hình du lịch sinh thái có tiềm năng thu hút được đông đảo khách du lịch

Nguồn: congthuong.vn