ĐÌNH VÀ LỄ HỘI LÀNG TƯỜNG PHIÊU

30/11/2020

ĐÌNH VÀ LỄ HỘI LÀNG TƯỜNG PHIÊU

Đình Tường Phiêu toạ lạc ở vị trí trung tâm của làng. Địa danh này trước năm 1945 thuộc thôn Tường Phiêu, huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây. Năm 1947, một số xã của tổng Tường Phiêu cùng với một số làng khác hợp thành xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ.

Từ huyện lị Phúc Thọ, xuôi theo đường 32 khoảng 1km, rẽ trái theo đường liên thôn là tới di tích. Nhân dân trong vùng biết tới ngôi đình này bởi đây là một trong những di tích tiêu biểu nhất của huyện Phúc Thọ về kiến trúc nghệ thuật thời Lê.

Đình Tường Phiêu là một công trình kiến trúc cổ, có quy mô to lớn, có nhiều mảng phù điêu độc đáo mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê (thế kỉ XVII - XVIII). Đây là một ngôi đình lớn nhất trong vùng còn hiện diện sau thử thách của thời gian và các cuộc chiến tranh. Đình xây dựng nhìn về hướng tây nam - hướng mà người xưa chọn để nhìn được ngọn núi Ba Vì - nơi có đền thờ Thánh Tản Viên. Vào những ngày trời quang mây tạnh, đứng ở đình nhìn thấy núi Ba Vì khá rõ nét. Ngay trước sân đình là đường làng, bên phải là chùa làng - tức là chùa Cựu Linh tự, bên trái đường cũng là đường làng và đằng sau là khu dân cư.

Đình Tường Phiêu bao gồm các hạng mục: Nghi môn, sân, Đại bái - đồng thời cũng là Hậu cung. Nghi môn là một hạng mục công trình mới được tu sửa, gồm hai trụ biểu, đế thắt cổ bồng, thân trụ soi gờ kẻ chỉ và đắp nổi câu đối chữ Hán ca ngợi công lao đức Thánh và cảnh quan ngôi đình. đỉnh trụ đắp tứ phượng chầu, bốn góc là bốn đầu rồng, đôi chụm vào nhau hướng lên cao.

Giá trị kiến trúc nghệ thuật của ngôi đình tập trung chủ yếu vào toà Đại bái. Đại bái là một ngôi nhà ngang gồm 5 gian 2 dĩ, dài khoảng 20m, rộng khoảng 10m. Đứng ở sân đình nhìn vào, toà Đại bái như một ngôi nhà sàn lớn, được cách điệu uyển chuyển, mềm mại bởi hệ thống mái cong và các đầu đao cong vút. Trên bờ nóc đắp nổi lưỡng long chầu nguyệt. Đầu bờ nóc đắp nổi hai con kìm, bờ giải có từng cặp sấu, nghê đối xứng nhau. ở vị trí này có những con sấu được tạo thành bởi chất liệu sành nung mang dấu ấn Hậu Lê đậm nét.

Điều đặc biệt khác với các ngôi đình trong vùng còn thể hiện ở bờ nóc. Có lẽ, người xưa đã coi bờ nóc của ngôi đình này như một con rồng lớn đang hướng thiên. Vì vậy, nghệ nhân dân gian đã đắp cả đầu và đuôi rồng ở hai đầu bờ nóc. Đây là một hiện tượng kiến trúc đặc sắc mà về sau những công trình kiến trúc thời Nguyễn không còn.

Đại bái là một hạng mục công trình lớn. Người xưa tập trung đầu tư cao độ cho hạng mục này với chức năng vừa là nơi phụng tự vừa là nơi hội họp của toàn thể dân làng. Chính vì hạng mục này vừa mang tư cách Đại bái vừa mang chức năng Hậu cung nê công trình vẫn còn hiện diện dấu tích kiến trúc từ thời khởi dựng. Qua các lần tu bổ, Đại bái vẫn kết cấu theo kiểu chữ Nhất. Gian giữa được thiết lập khám thờ. Trên khám có long ngai, bài vị thờ Tản Viên Sơn Thánh và các vị đồng triều phối hưởng. Sự hiện diện của các vị này, nhân dân thường gọi là Tam Vị Đại vương Thượng đẳng Thần Tản Viên Sơn Thánh. Khám thờ được chạm trổ công phu với hình tượng Lưỡng long chầu nguyệt và hệ thống chấn song chạm nổi rồng xoắn thay con tiện. Kiểu thức trang trí này rất ít gặp trong vùng.

Về kiến trúc, đình Tường Phiêu được kết cấu theo hình thức 4 hàng chân gỗ với vì nóc "giá chiêng", "tiền kẻ, hậu bẩy". Hệ thống cột cái, cột quân đều bằng gỗ lim, lát sàn (dấu tích gỗ lát sàn còn rõ trên cột). Hệ thống cột khá lớn: Chu vi 1,80m - 1,90m.

Về điêu khắc, đình Tường Phiêu có nhiều mảng chạm khắc đặc biệt, đó là các đầu dư, các bức cốn, xà nách... đều được chạm trổ công phu. Đó là các bức cốn ở gian giữa với đề tài "rồng mẫu tử" (rồng mẹ và rồng con), long mã, chim phượng... Trên các rường cụt, người xưa thường chạm rồng "độc long". Hoạ tiết này thường đặc tả đầu rồng miệng loe, mắt lồi, có tai như tai dơi, tóc râu hình đao mác - đó là dấu tích nghệ thuật thế kỉ XVII -XVIII. Bên cạnh những đề tài chính thống ấy còn có những mảng phù điêu chạm nổi mang đậm phong cách dân gian như: các bà tiên bay, con hổ, tiên cưỡi rồng, cảnh đội lễ lên đình, chùa... với bố cục rất hồn nhiên mà ta thưồng thấy ở các di tích cuói thế kỷ XVII như đình Ngọc Than (huyện Quốc Oai), đình Tự Nhiên (huyện Thường Tín)...

Đình Tường Phiêu là nơi phụng thờ Tản Viên Sơn Thánh. Căn cứ theo 6 đạo sắc hiện đang được bảo quản tại di tích, theo các dòng chữ Hán ghi trên bài vị thờ Thành hoàng và truyền thuyết lưu truyền từ cổ xưa của nhân dân địa phương thì truyền thuyết của người Việt cho rằng đây là một nhân vật lịch sử, một anh hùng văn hoá sống vào thời Hùng Vương thứ 18. Sự tích kể rằng:

Thân phụ của Tản Viên Sơn Thánh là Nguyễn Cao Hạnh, mẹ là Đinh Thị Điền, sống ở động Lăng Xương, khu vực này non xanh nước biếc, hoa cỏ tốt tươi, hổ báo chim muông nhiều vô kể. ông bà vốn là người hiền lành nhân đức, hay giúp đỡ người nghèo, được mọi người kính trọng. Nhưng hiềm một nỗi tuổi đã cao mà vẫn chưa có người nối dõi tông đường. Mãi về sau, ông bà sinh ra một cậu bé khôi ngô tuấn tú và dặt tên là Nguyễn Tuấn. Khi Nguyễn Tuấn lên 6 tuổi thì cha mất, hai mẹ con dắt nhau về núi Tản sinh sống. Được bà nhũ mẫu Ma Thị giúp đỡ rất tận tâm. Năm Nguyễn Tuấn 12 tuổi, ông theo học thầy Lý Đường. Nhờ sự thông minh, lại được thầy hết lòng dạy bảo nên Nguyễn Tuấn hiểu nhiều biết rộng nên đã được tiên ông truyền cho bảo trượng và sách ước cứu đời.

Thời Hùng vương thứ 18 đã ở vào thế suy vi, Thục Phán cất quân xâm lấn. Tản Viên Sơn Thánh đã được Hùng Vương cử đi cầm quân. Với binh hùng tướng mạnh, Thục Phán phải rút quân về. Mấy năm sau, Thục Phán lại cất quân sang đánh. Hùng Vương thấy mình tuổi đã cao nên có ý nhường ngôi cho Sơn Tinh. Tản Viên suy  nghĩ, Thục Phán không phải là giặc ngoại xâm nên đã kiến nghị với vua cha nhường ngôi cho Thục Phán. Sau đó, ông đi khắp mọi miền giúp dân trồng dâu, đánh cá... Sau khi ông mất, cảm kích trước công lao to lớn của ông, nhân dân nhiều nơi đã lập đền thờ, trong đó có dân làng Tường Phiêu, xã Tích Giang ngày nay.

Tương truyền, ngôi đình Tường Phiêu là nơi thờ phụng Tản Viên Sơn Thánh, vì ngài đã dạy nhân dân nơi đây đánh cá ở dòng Tích Giang. Cho nên, cứ vào dịp lễ hội, dân làng Tường Phiêu thường diễn lại tích Tản Viên dạy dân làng cách đánh bắt cá và dâng lễ vật ở nơi thâm nghiêm nhất của ngôi đình. Theo truyền thuyết dân gian, thánh Tản Viên đi khắp mọi nơi dạy nhân dân làm ăn sinh sống như dạy dân làm ra lửa[1], dạy dân làm ruộng và mở hội[2], dạy dân săn bắn[3], dạy dân luyện võ[4], dạy dân dệt lụa[5], dạy dân múa hát[6]..., và ở vùng Tường Phiêu, Tuy Lộc, Tản Viên Sơn Thánh đã dạy dân kéo vó, đánh cá: Khi đi qua vùng sông Hồng, sông Tích, nước mênh mông, thấy dân chúng chỉ biết mò cá và úp cá, rất vất vả, Sơn Tinh bày cách cho họ kiếm dây để đan vó, vó có cần, vó có trục, vó có dây kéo. Nghề kéo vó từ đấy mới hình thành và phát đạt. Nhớ Sơn Tinh, dân có tục đánh cá thờ. Cá đánh được phải chọn con to nhất, góp làm cỗ cúng đức Thánh Tản. Tại đền Và thuộc xã Trung Hưng, thị xã Sơn Tây thờ thần Tản Viên hiện nay mở lễ hội 3 năm một lần vào ngày 15 tháng 1 âm lịch. Mở đầu là lễ rước kiệu Thánh Tản Viên từ Đông cung lên đền thờ Thánh trên núi Ba Vì. Sau đó có tục lệ đánh cá, lấy nước sông Hồng tắm tượng Thánh ở đền. Tại huyện Phúc Thọ có lễ hội dập sào sông Tích, hội đánh cá làng Me, làng Quéo...

Từ xa xưa, ở các xã thuộc huyện Tùng Thiện cũ bao gồm cả làng Tuy Lộc và toàn bộ xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ ngày nay đã duy trì phong tục đặc sắc trong lễ hội đó là lễ hội dập sào đánh cá để tưởng nhớ công lao to lớn của Đức Thánh Tản đã có công dạy dân đánh cá sinh sống. Lễ hội dập sào tuy không được lưu giữ trong các văn bản cổ song đã được nhân dân truyền miệng, đặc biệt là còn lưu giữ gần như nguyên vẹn trong đời sống lễ hội thực tế của Tường Phiêu, làng Me, làng Sáo (tức làng Tuy Lộc, xã Trạch Mỹ Lộc canh bên)... Hàng năm, vào ngày mùng một hoặc rằm tháng 9 âm lịch, làng chủ hội cử người sắm lễ hoa đăng trình ra đình xin Thánh cho “xuống hội” và cầu mong ngài ban phước lành để dân làng bắt được nhiều cá. Ngày “khởi dập” được ấn định, tập trung lực lượng và dàn thế trận. Người “chủ tướng” sẽ đứng trên một gò cao, đốt một bánh pháo lớn và hô to 3 lần: “Diệt sạch loài thủy quái”. Khi hô dứt, cả đoàn người với những chiếc sào dập sẽ ào xuống sông, bắt đầu ngày hội đánh cá.

 Tham gia lễ hội được lựa chọn kỹ càng từ các làng, là những trai đinh khỏe mạnh nhất, bơi lặn giỏi, có tinh thần đồng đội cao. Sào dập được làm từ một cây tre hoặc hóp đá, dài khoảng 4 đến 5m, được làm cho thẳng, đầu to khoảng 5 phân được dùi lỗ để lắp gọng dập (cũng được làm bằng tre) theo kiểu chữ thập. Vó dập giống chiếc chũm[7] kéo cá. Chính giữa chũm là rốn dập, được buộc vào đầu một sợi dây dài khoảng 2m để kéo ngược lên cho bã dập căng ra, đầu dây kia kéo căng và buộc vào giữa cây sào. Khi có cá, cá quẫy mạnh sẽ giúp chủ sào nhận biết và ghì chặt sào xuống, một người khác giúp đưa cá và cả sào lên bờ rồi tra cá vào giỏ. Thao tác dập sào đó lặp đi lặp lại nhiều lần và số cá bắt được cũng tăng theo số lần đó. Cá sau khi được các trai đinh đánh bắt sẽ lựa chọn con cá tươi ngon nhất đem tế sống đức Thánh Tản ở các ngôi đình thờ ngài quanh vùng, ở tất cả các làng tham gia hội dập sào đánh cá. Người dân đi xem hội dập sào đánh cá sông Tích rất đông, tiếng hò reo vang dội khắp mặt sông. Nhân dân vùng sông Tích thường truyền nhau câu ca:

Chị em vồ vập không bằng đồng đội dập sào

Hay ở làng Tuy Lộc có câu:

Phong đăng hòa cốc nhớ gốc dập sào

Có thể nói, đây là một trong những lễ hội đặc sắc vào loại bậc nhất trong vùng, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Đây vừa là dịp tưởng nhớ ân đức của Đức Thánh tản có công trị thủy, dạy dân đánh cá, vừa là dịp tụ họp đông đảo nhân dân tham gia, giao lưu học hỏi, thắt chặt tình đoàn kết. Ngày nay, tuy lễ hội này đã bị mai một ít nhiều, song vẫn còn giữ được một số nét cơ bản như tục dâng cá cúng Thánh tại những ngôi đình lớn thờ thánh Tản vùng sông Tích.

Trong lễ hội đình Tường Phiêu ngày nay, nghi lễ rước Thánh, trong đó có rước ban đêm là phần thiêng liêng và rất đặc sắc ở đây.

Trước đó, từ sáng sớm ngày chính hội có lễ rước kiệu chúc ra văn chỉ rước chúc về đình, mỗi đợt do một cụm dân cư đăng cai rước kiệu này, ông cụm trưởng chỉ huy, theo kiệu rước chúc có 1 chủ phụ, đại diện ban tổ chức lễ hội, ban nhạc, cụ từ văn chỉ làm lễ, giao văn tế cho chủ tế phụ dâng lên kiệu rước về đình Cả. Tiếp đó khoảng 8h sáng là hội rước Thánh ru xuân thăm lại nơi Người đã dạy dan lang Tường Phiêu đánh cá dập sào, đắp đê ngăn lũ bảo vệ mùa màng, lê rước được bắt đầu.  Ông trưởng ban tổ chức lễ hội nổi trống khai hội rước, các chỉ chông (người chỉ huy của từng kiệu) ra hiệu lệnh cho các phù giá: 1 ngồi,lên gối, lên vai, đứng tiên bước theo hiệu lệnh trống khẩu.

Đoàn kiệu bắt đầu từ từ tiến: đi đầu là 9 ngọn cờ thần, sau tới châp kích, kiêm, trùy, dẫn đầu chấp kích là cây bát biểu hai mặt: mặt trước là chữ: Hồi tỵ; tránh xa, mọi vật mọi người phải tránh xa đi về, mặt sau là chữ tĩnh tức: nghĩa là yên lặng, trật tự, sau chấp kích là trống chiêng tới ban nhạc, trống đại và chiêng được nằm trên giá có bánh xe đẩy. Kiệu đi đầu là kiệu nhang án: rước nồi nhang lớn bằng gốm Thổ Hà nghi ngút khói hương với mâm ngũ quả mùa xuân. Các cụ từ đi bên kiệu nhang án, luôn chăm lo tiếp hương trên đường bước, khoảng cách giữa các kiệu là năm bước: ngũ phúc, vừa đủ thông thoáng trong hành tiến, giữ nghiêm đội hình rước. Sau kiệu nhang án là kiệu nghinh văn.

Rước văn tế còn gọi là kiệu chúc, văn tế được dán vào án ngự, trang nghiêm trên giá kiệu đầu rồng vàng song rực rõ, với mâm ngũ quả hai bên là bình hoa chủ đạo là hoa đào truyền thống của mùa xuân, 1 quan viên tế chủ phụ, hộ giá kiệu trên đường rước.

Tiếp theo là kiệu bàn phối (kiệu rước thành hoàng làng); Đức ông Quán Sơn thành hoàng làng được phối thờ cùng tam vị Đức Thánh Tản Viên Sơn tại bàn ngang của đình làng nên được gọi là kiệu bàn phối, cỗ ngai sơn son thiếp vàng và bài vị. Quán Sơn thánh tôn thân hoàng vị, ngự trên giá vàng rực rỡ có tàn che long trọng trước ngai là bát hương, mâm ngũ quả, tiền vàng, dân làng rước người du xuân cùng tam vị Đức Thánh lên đền Ngo thăm nơi ngự cũ.

Kiệu long sàng (kiệu rước Tam vị Đức Thánh Tản Viên Sơn) với 3 cỗ ngai sơn son thiếp vàng cổ, bài vị: Tản Viên Sơn chính vị, Tản Viên Sơn hữu vị Tản Viên Sơn tả vị, có 3 lọng và một tàn tre uy nghiêm.

Khoảng gần 10h sáng, đoàn kiệu, đoàn diễu hành cập tới sân Đền, kiệu nhang án, kiệu chúc, kiệu bản phối theo thứ tự tránh sang hai bên để kiệu long sàng ung dung tiến vào sân, kiệu long sàng dựng lại giữa sân, quay 1 vòng và lên sân thượng yên vị chính giữa, tiếp theo là kiệu nghinh văn vào sân hạ quay 1 vòng lên sân thượng an vị bên tả. Kiệu bàn phối an vị bên hữu, kiệu nhang án yên vị phía trước kiệu long sàng phân sân hạ.

Trước khi đoàn kiệu tới đền Ngô Sơn thì các cụ từ, tổ chấm lễ đã xét duyệt các lễ xôi gà, lễ hoa quả của các cụm dân cư lần lượt dâng lễ vào cung. Kiệu yên vị, lễ đã sắp đủ, đội múa lân múa tiếp lộc tại sân hạ trước khi hành lễ tế Thánh, đội tế nam, thay mặt dân làng làm lễ tể thánh nhân ngày lễ hội rước đầu xuân tại Đền Ngô Sơn, chiêng trống nổi lên, quan viên tế Đông xướng dõng dạc hô điều hành buổi lễ.

Sau khi làm lễ tế thánh là phần lễ dâng hương của các cấp Đảng chính quyền các quý vị khách thập phương, các bộ phận tham gia tổ chức lễ hội, những ngườỉ con xa quê và dân làng vào làm lễ Thánh tại sân Đền Ngô Sơn.

Sau lễ tế và dâng hương là phần thụ lộc buổi trưa hai bên tả hữu mạc dưới các tán cây thảm cỏ quanh Đền.

 Từ khoảng 6h- 7h giờ tối, công tác chuẩn bị đuốc cho hội rước, ban tổ chức lễ hội, các phù giá làm lễ Thánh chuẩn bị rước bài vị Thánh hồi Đình.

Lễ rước Thánh hồi đình bắt đầu bằng việc đốt đuốc. Đuốc ở đây theo thuyền thống xa xưa được chuẩn bị là 4 cây đuốc đình liệu lớn để soi đường cho Thánh đi đánh cá đêm về. Đuốc được bó bằng các thân các cây cỏ khô và tre nứa khô tết vào nhau, dựng thành hình phễu, cao tới 5m. Vào năm Đinh Dậu vừa qua, các cây đình liệu của thôn Trung Hậu giáp sân Đên giao cho cụm 2 nổi lửa, trống chiêng nổi lên các chỉ trống liên tục ra các hiệu lệnh, cho các phù giá đuốc rồng nổi lửa, tiếng rạ của các phù giá ran ran cả khu rừng Ngo vốn yên tĩnh sau 3 năm của kỳ lễ hội rước.

Từ 19 giờ 45: bắt đầu hội rước đêm từ Đền Ngo về Đình Cả, tiếng trống chiêng, tiếng nhạc, tiếng rạ ran của các phù giá, đoàn kiệu rùng rùng xuất phát, kiệu đi tới đâu đuốc đình liệu rực sáng tới đó, đuốc rồng rừng rực sáng quanh các kiệu. Người đi xem hội rước đông vui rạng rỡ dưới ánh lửa hồng đuốc lễ hội xuân, ai cũng muốn len tới chui qua kiệu cầu lộc, cầu điều may mắn, các ông cụm trưởng điều hành, rước đuốc đi sát các phù giá, đôn đốc nhắc nhở, tiếp đuốc bảo đảm an toàn trên đường rước. Dòng người theo kiệu dài tới hàng cây số, ai nấy nét mặt hân hoan rạng rỡ dưới ánh đuốc rực hồng quanh các cỗ kiệu. Hội rước xuân làng Tường Phiêu như một con rồng lửa đang từ từ tiến về làng, qua ao làng, qua cổng Ngòi tới Đình Thôn (Đình Thái Giám), kiệu bắt đầu chạy, kiệu bay vào Đình Cả như diễn lại khung cảnh cách đây gần 600 năm, dân làng Tường Phiêu đốt đuốc đưa tiễn Đức Thánh qua cầu Ngo, qua gò chờ Người đã cưỡi đám mây hồng ngũ sắc bay về núi Tản, dân làng bái tạ bùi ngùi lưu luyến trên địa danh gò Lốc hiện nay.

Khi tất cả các kiệu tiến vào sân đình đều xếp quanh sân trên vai các phù giá chưa kiệu nào được hạ. Kiệu lọng sàng bay vào giữa sân đình quanh vòng và từ từ hạ giữa sân, kiệu các xóm bái tạ kiệu Thánh, sau đó trở về đình các xóm.

Từ 21 giờ 45: Thánh yên vị, các cụ từ, ban tế thu xếp kiệu, mọi người hân hoan phấn khởi tỏa về các ngõ xóm với nỗi niềm lưu luyến. Cứ vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu làng lại mở hội lớn và rước Thánh với các nghi lễ thiêng liêng, nghiêm cẩn nhất.

Với những giá trị đặc sắc về kiến trúc, văn hóa, lịch sử, di tích đình Tường Phiêu đã được xếp hạng cấp Quốc gia tại Quyết định số 74VH/QĐ ngày 2/2/1993 và đầu năm 2018 Hồ sơ đình Tường Phiêu đã và đang được đệ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt. Di tích thực sự là một điểm đến thú vị cho nhiều khách tham quan muốn tìm hiểu sâu về văn hóa xứ Đoài.



[1] Ở huyện Ba Vì lúc ấy đang sống trong cảnh tối tăm, lạnh lẽo. Dân chưa có lửa mà cũng không biết lấy lửa vì nơi đây còn là đất hoang, cây cối mọc thành rừng. Đêm nằm Sơn Tinh nhìn thấy những bụi dang, bụi nứa khô hanh gặp gió núi, cọ sát vào nhau và tự bật ra lửa. Hôm sau, Sơn Tinh đã gọi một cụ già thổ dân lại và cùng với ông già lấy hai ống dang già cọ sát vào nhau và lấy nắm rơm rạ để châm lửa. Lửa có từ ngày đó.

[2] Ở xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai đất đai màu mỡ nhưng bị ngập nước. Thần đưa ra một nắm hạt giống, dạy cho mọi người cách chọn, cách gieo. Khi mạ lên xanh, thần nhổ lên đem trồng ở các bãi phù sa. Thần xuống cấy để cho mọi người bắt chước rồi thần từ biệt ra đi. Khi lúa chín, thần quay trở lại dạy cho dân làng cách múa hát và dặn cứ thu hoạch xong thì mở hội như thế mà mừng được mùa.

[3] Ở núi Ba Vì (Tản Viên) lúc bấy giờ có một đám đông chạy theo con thú ném đá, quăng lao, hò reo đuổi bắt nó mãi mà không được. Sơn Tinh liền gọi mọi người lại dạy cho cách săn bắn. Thần chỉ cho cách làm hầm gài tên, căng lưới để vây các loại thú. Phường săn biết dùng lưỡi đi săn từ lúc ấy.

[4] Những ngày chiến đấu với Thuỷ Tinh và với quân giặc, Sơn Tinh đã dạy cho dân chúng võ nghệ, cả phép đánh dưới nước và đánh trên bờ. Để tưởng nhớ Sơn Tinh, vùng Thanh Thuỷ (Phú Thọ) và Ba Vì có tục bơi thuyền rước quân, đấu vật và mở hội Chém May. Những trai tráng được kén vào hàng võ sĩ tay trái cầm thuyền giấy đỏ, tay phải cầm con dao dài múa theo nhịp trống. Họ phải chém sao cho ngọt, chỉ một nhát là đứt ngang cây chuối. Đó là lễ cung nghinh Thánh Tản và người dân tin rằng "Chém May" mà thực hành tốt đẹp thì năm đó mùa màng tươi tốt.

[5] Người dạy dân dệt lụa là Ngọc Hoa, vợ của Sơn Tinh. Nàng đã dạy người dân vùng đất bãi sông Thao, sông Hồng ươm tơ, dệt lụa, dệt ra những tấm the đẹp nhất để tiến Vua Hùng. Hàng năm, làng lại tổ chức ngày hội thi chọn lụa tốt tiến vua và trình làng lĩnh thưởng.

[6] Theo truyền thuyết, khi Thánh Tản Viên rước công chúa Ngọc Hoa về quê mình, đi gữa đường Ngọc Hoa không chịu đi nữa. Dân làng kéo ra cùng Sơn Tinh khuyên dỗ, ca hát, cười múa cho Ngọc Hoa khuây khoả. Thế là Ngọc Hoa hoà mình vào đám múa hát, dạy dân thêm nhiều hình thức nghệ thuật khác nữa. Tục rước chúa trai chúa gái, trò diễu bách nghệ khôi hài đến nay vẫn còn là có nguồn gốc từ cuộc rước Ngọc Hoa về núi Tản Viên. Trò này có ở nhiều làng. Ở làng Hy Cương tổng Xuân Lũng nay thuộc huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ, lễ hội tổ chức từ ngày 30 tháng Chạp đến ngày 8 tháng Giêng, trong đó có rước voi mã tượng trưng cho quân tướng của Sơn Tinh đi đón Ngọc Hoa.

[7] Từ địa phương vùng xứ Đoài dùng để chỉ dụng cụ đánh cá, tôm, được đan bằng sợi tơ tằm, sợ dù hoặc sợi gai đay, hình vuông, mỗi cạnh khoảng 50-60cm