Đình Hòa Xá

30/11/2020

Đình Hòa Xá

2-55.jpg

Cây đa cổ thụ trước đình Hòa Xá

Đình Hòa Xá được xây dựng ở khu vực trung tâm của làng Hòa Xá, đình nằm trên khu đất cao ráo, thoáng đãng, gần khu vực dân cư, nhìn hướng nam.

Đình làng Hòa Xá thờ vị thần Thành hoàng làng là Nguyễn Đức Chính, vị tướng thời vua Đinh Tiên Hoàng có công giúp nước dẹp loạn 12 sứ quân góp phần vào sự nghiệp thống nhất đất nước. Ông đã được Đinh Tiên Hoàng phong làm tả đạo Tướng quân, sau đó gia phong làm Phổ đức Uy chính Thượng Đẳng Thần.

Trong thần phả ghi rằng: Một hôm vua Đinh Tiên Hoàng dẫn quân đến vùng ông ở, biết uy danh của ông, liền gọi ông đến và phong làm Tả đạo Tướng quân, chỉ huy một đạo quân. Đạo quân của Nguyễn Đức Chính là một lực lượng nhỏ hùng binh, dưới sự chỉ huy của Đinh Bộ Lĩnh đóng góp nhiều công trạng trong cuộc dẹp loạn giúp vua thống nhất giang sơn.

Đinh Tiên Hoàng phong tặng trăm quan sau khi đất nước thanh bình, phong cho Nguyễn Đức Chính làm trưởng quản quân sự, ban thưởng thực ấp sở tại (Hòa Xá ngày nay). Trở về hương ấp, ông gắng dưỡng dân tình, khuyến cáo nông trang, coi đó là gốc. Tương truyền Hòa Xá có nghề truyền thống ươm tơ, dệt vải có từ thời nhà Đinh cho đến ngày nay. Cuộc đời và sự nghiệp vủa “Phổ uy Đức Chính Đại Vương” là hết lòng phục vụ đất nước và nhân dân. Với tài năng đức độ, giàu lòng yêu nước, thương dân của Nguyễn Đức Chính, khi ông mất nhân dân địa phương vô cùng thương tiếc lập miếu, đình thờ phụng, rồi trình lên vua xin sắc phong mỹ tự là Uy Chính Đại Vương Tôn Thần.

Đình Hòa Xá còn là ngôi đình lớn, bề thế của cả một vùng, là công trình kiến trúc gồm Đại bái và Hậu cung, phía trước có một khoảng sân rộng lát gạch, có trụ cột, tường bao, bức bình phong được xây dựng theo kiểu dáng cuốn thư. Trụ biểu xây có mặt cắt hình vuông, chân đế to xây thắt cổ bồng.

Đại bái của ngôi đình là kiến trúc có giá trị nổi bật nhất, bộ khung nhà được làm vững chắc trên hệ thống các hàng cột to, tròn. Bốn bộ vị chính của tòa Đại bái được làm theo hai kiểu thức khác nhau. Hai bộ vì chính được kết cấu: “giá chiêng, rường cụt, cốn mê, bẩy hiên”. Hai mặt của cốn là các bức chạm theo đề tài “Tứ linh” và mặt sau là hoa lá cách điệu. Hai vì chính bên được làm theo kiểu “Thượng giá chiêng chồng rường, hạ rường, nách bẩy”. Phần trên đầu nối hai cột cái có kết cấu giống hai vì giữa.

Tòa Trung cung và Hậu cung được ngăn cách bởi hai bên cửa rộng ra vào nơi cung cấm. Trên các cửa vào Hậu cung có hai bức cốn nhỏ chạm nổi “Rồng”, chính giữa là bức hoành phi “Tối linh từ” khoảng chính giữa có bức y môn bằng gỗ chạm nổi “Lưỡng long chầu nguyệt”. Trong cung có sập thờ trên bài trí long ngai bài vị thờ Thành hoàng, đây cũng là nơi lưu giữ các di vật quý thần phả sắc phong và đồ tế tự khác của đình.

1-79.jpg

Đình Hòa Xá với lối kiến trúc cổ kính và kết cấu chặt chẽ, trải qua các thời kỳ lịch sử và sự thử thách của thiên nhiên, đình Hòa Xá vẫn hiện diện còn đủ các hạng mục kiến trúc quan trọng mang phong cách đặc trưng kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu từ thời Lê đến thời Nguyễn tạo nên một tổng thể chung nhất, hoàn chỉnh nhất cho ngôi đình. Và ngôi đình đã góp phần quan trọng trong việc tìm hiểu tiến trình lịch sử nghệ thuật trang trí đình làng Việt Nam nói chung.

Chính bởi những đặc trưng đó đình Hòa Xá đã được xếp hạng di tích cấp Bộ theo Quyết định số 91/QĐ - BVHTT ngày 28/01/2005.

Hàng năm, cứ vào ngày âm lịch, làng Hòa Xá lại mở hội truyền thống. Lễ hội làng Hòa Xá hấp dẫn vì tính độc đáo với lễ rước kiệu xoay mà dân làng thường gọi một cách thành kính là rước Ngài. Xuất phát từ đình làng rồi vòng trở lại, đám rước lôi cuốn hàng nghìn người và kéo dài gần một cây số. Từ xa trông lại có cảm giác như chiếc kiệu lớn rước long ngai đang lướt đi trên một biển người, xoay tròn các hướng, khi lùi xuống, lúc tiến lên, có khi hàng chục phút đồng hồ cũng chỉ tiến được chưa đầy trăm mét. Lâu nhất là khi rước kiệu về đến trước đình, kiệu cứ vừa xoay vừa chạy quanh cây đa chín gốc, nhiều lúc kiệu đã theo bước chân của các trai làng lực lưỡng rước vào đến sân đình rồi lại quay ra dạo quanh một vòng ngoài cổng như đang còn dùng dằng, nuối tiếc, chưa nỡ dứt bỏ một cuộc chơi.

Lễ rước này cũng gắn liền với truyền thuyết về vị thành hoàng làng Nguyễn Ðức Chính. Thuở nhỏ, ông thường cùng đám trẻ con trong làng chơi trò trận giả, luyện tập võ nghệ và là một đô vật giỏi nổi tiếng trong vùng. Ðám trẻ suy tôn ông làm thủ lĩnh và công kênh ông đi vòng  quanh làng. Rước kiệu hội làng là sự tái hiện lại tích cũ này với hai ông đô vật đóng khố đỏ, khoác tay nhau chạy trước kiệu. Với dân Hòa Xá, lễ rước kiệu đã trở thành niềm tự hào, thể hiện tinh thần đoàn kết và là biểu tượng cho sức mạnh cộng đồng cùng chung sức, chung lòng vượt khó.