Điểm du lịch, khu du lịch

Điểm du lịch

3936/QĐ-UBND

Số quyết định: 3936/QĐ-UBND

Ngày cấp: 23-07-2019

QR Code

PDF

Giới thiệu

LÀNG GỐM SỨ BÁT TRÀNG

 lang-gom-bat-trang-3.jpg

Làng gốm Bát Tràng, thuộc xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Xã có hai thôn đều là làng nghề thủ công truyền thống: thôn Giang Cao và thôn Bát Tràng.

Theo truyền khẩu từ nhiều thế hệ trước, sau khi nhà Lý thiên đô từ Hoa Lư đến Đại La và đổi tên thành Thăng Long. Được phép vua, thợ thủ công nghề gốm của các làng Vĩnh Ninh Tràng, Bồ Xuyên, Bạch Bát (Thanh Hóa - Ninh Bình) đến Bạch Thổ Phường mở lò, lập làng, sản xuất gốm, gạch cho nhà nước phong kiến. Trải nhiều thế hệ, tên Bạch Thổ Phường thành Bát Tràng.

Gia phả nhiều dòng họ ở Bát Tràng còn ghi rõ việc đưa nghề gốm thủ công đến Bạch Thổ Phường lập nghiệp. Tộc phả họ Trần Đông Cục chép rằng: “Ông Tổ họ Trần nhà ta là một trong 12 thợ cả cùng các dòng họ khác được Vua điều ra Bạch Thổ Phường sản xuất gạch xây thành quách ở kinh đô, sau lại làm cả đồ gốm”. Quá trình chuyển cư từ quê cũ đến quê mới diễn ra trong nhiều thế kỷ, nhiều nhất là vào đời nhà Trần cuối thế kỷ XIV, Lê Sơ và Lê Trung Hưng. Đến lúc này, ở Bát Tràng đã có 20 dòng họ cùng quê cũ, cùng nghề, định cư trên quê mới.

Tại đình làng Bát Tràng nơi còn lưu giữ 44 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến Việt Nam, phong thần cho thành hoàng làng và nhiều câu đối phản ánh cho việc chuyển nghề như:

“Bồ di thủ nghệ khai đình vũ

Lan nhiệt tâm hương bái thánh thần”.

(Nghĩa là: đưa nghề từ làng Bồ ra, xây dựng đình, miếu. Lòng dân thành kính tựa hương lan dâng lên cúng tạ thánh thần).

Một điều đặc biệt là, trong lục vị thành hoàng được thờ tại đình Bát Tràng có Thượng đẳng thần - Bạch Mã Đại vương - thành hoàng của kinh thành Thăng Long được thờ tại Đền Bạch Mã (Hàng Buồm) là trấn Đông trong tứ trấn của Thăng Long - Hà Nội.

Theo chính sử, tên Bát Tràng xuất hiện đầu tiên trong cuốn “Đại Việt sử ký toàn thư”. Có thể thấy, đến thế kỷ XIV tên làng Bát Tràng đã có trong sử sách của nhà nước phong kiến, đồng thời cũng nổi tiếng về nghề làm gốm. Chắc chắn, trước đó phải trải qua thời gian rất dài xây dựng và phát triển.

Làng Bát Tràng còn nổi tiếng là làng khoa bảng, làng quê văn hiến. Thư tịch cổ, bia ký còn ghi rõ, làng Bát Tràng có 364 người đỗ đạt nho học qua các kỳ thi của Nhà nước phong kiến, đặc biệt, có 08 người đỗ tiến sĩ. Ở Bát Tràng hiện còn lưu giữ các di tích đình, đền, chùa, văn chỉ. Những công trình kiến trúc ấy, cùng với sản phẩm gốm sứ và người dân Bát Tràng thân thiện, mến khách để lại trong tâm trí các du khách trong nước và quốc tế tới thăm làng nghề những ấn tượng đẹp, khó quên.

lang-co-bat-trang-1.jpg

Sản phẩm làng gốm Bát Tràng rất phong phú, đa dạng tuy cùng chất liệu là đất nung, nổi tiếng hơn cả là gạch và gốm. Tuy nhiên, gạch Bát Tràng là thương hiệu nổi tiếng trước gốm. Nhiều ca dao của người Việt đã ghi nhận:

“Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng

Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông”

Gạch Bát Tràng có kích thước và màu gan gà đặc trưng không lẫn với bất cứ loại gạch của một làng nghề nào trong cả nước. Công dụng chính của gạch Bát Tràng là chịu lửa. Gạch được xếp thành hộp chứa sản phẩm gốm cần nung bên trong. Gạch được nung nhiều lần nên khi đưa vào xây dựng tuổi thọ công trình cao và không rêu mốc.

Gạch Bát Tràng còn hiện hữu trong các công trình kiến trúc của hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu Quốc Tử Giám, Đình, Đền, Chùa, Miếu, Hồ, Giếng của các làng xã Việt Nam trong cả nước. Nhiều nhất là tại kinh thành Huế và các lăng tẩm vua nhà Nguyễn.

Vào đầu thế kỷ XIX, khi nhà Nguyễn xây kinh thành Huế từ năm 1805 đến 1832 và các lăng tẩm chuẩn bị hậu sự cho các đời vua. Nhà Nguyễn đều huy động dân làng Bát Tràng sản xuất gạch cho các công trình trên. Do có công, vua Tự Đức (1847 - 1883) đã ban thưởng cho dân làng nghề Bát Tràng 4 chữ đại tự “Hiếu Nghĩa Cấp Công” hiện được treo tại đình làng.

Cùng với gạch Bát Tràng, đồ gốm Bát Tràng cũng nổi tiếng trong cả nước và quốc tế. Để làm ra đồ gốm người thợ gốm phải qua các khâu: chọn đất, xử lý pha chế đất, tạo dáng, tạo hoa văn, phủ men và cuối cùng là nung sản phẩm. Kinh nghiệm truyền đời của dân làng gốm Bát Tràng là "Nhất xương, nhì da, thứ ba dạc lò". Người thợ gốm quan niệm hiện vật gốm không khác nào một cơ thể sống, một vũ trụ thu nhỏ trong đó có sự kết hợp hài hòa của Ngũ hành (五行) là kim (), mộc (), thuỷ (),hoả () và thổ (). Sự phát triển của nghề nghiệp được xem như là sự hanh thông của Ngũ hành mà sự hanh thông của Ngũ hành lại nằm trong quá trình lao động sáng tạo với những quy trình kĩ thuật chặt chẽ, chuẩn xác.

Nguyên liệu chính để sản xuất gốm là đất sét. Trước đây, ở Bát Tràng có mỏ đất sét trắng; đến thế kỷ XVIII, nguồn đất sét trắng tại đây đã cạn kiệt nên người dân Bát Tràng buộc phải đi tìm nguồn đất mới tại một số tỉnh phía Bắc.

Việc xử lý, pha chế đất làm nguyên liệu sản xuất gốm sứ nhằm loại bỏ một số tạp chất trong đất. Ngoài ra, tuỳ theo yêu cầu của từng loại gốm khác nhau mà có thể có những cách pha chế đất khác nhau để tạo ra sản phẩm phù hợp. Ở Bát Tràng, phương pháp xử lý đất truyền thống là xử lý thông qua ngâm nước trong hệ thống bể chứa, gồm 4 bể ở độ cao khác nhau: Bể thứ nhất ở vị trí cao hơn cả là "bể đánh" dùng để ngâm đất sét thô và nước (thời gian ngâm khoảng 3-4 tháng) cho đất "chín" rồi đánh đất thật đều để đất hoà tan trong nước tạo thành một hồn họp lỏng. Sau đó tháo hỗn hợp lỏng này xuống bể thứ hai gọi là "bể lắng" hay "bể lọc". Sau đó, múc hồ loãng từ bể lắng sang bể thứ ba gọi là "bể phơi" khoảng 3 ngày, sau đó chuyển đất sang bể thứ tư là "bể ủ". Thời gian ủ càng lâu càng tốt. Trong quá trình xử lý, tuỳ theo từng loại đồ gốm mà người ta có thể pha thêm cao lanh ở mức độ nhiều ít khác nhau.

Phương pháp tạo dáng cổ truyền của người làng Bát Tràng là làm gốm bằng tay trên bàn xoay. Trong khâu tạo dáng, người thợ gốm Bát Tràng sử dụng phổ biến lối "vuốt tay, be chạch" trên bàn xoay. Đất trước khi đưa vào bàn xoay được vò cho thật nhuyễn, cuốn thành thoi rồi ném để thu ngắn lại. Sau đó người ta đặt vào mà giữa bàn xoay, vỗ cho đất dính chặt rồi lai nén và kéo cho đất nhuyễn dẻo mới "đánh cử" đất và "ra hương" chủ yếu bằng hai ngón tay bên phải. Sau quá trình kéo đất bằng tay và bằng sành tới mức cần thiết người thợ sẽ dùng sành dan để định hình sản phẩm. 

Hiện nay, theo yêu cầu sản xuất gốm công nghiệp hay mỹ nghệ, nghệ nhân gốm có thể đắp nặn một sản phấm mẫu để đổ khuôn thạch cao phục vụ cho việc sản xuất hàng loạt. Khuôn có cấu tạo từ đơn giản đến phức tạp. Loại đơn giản là khuôn hai mang, loại phức tạp thì thường có nhiều mang, tuỳ theo hình dáng của sản phấm định tạo. Cách tạo dáng này trong cùng một lúc có thể tạo ra hàng loạt sản phẩm giống nhau, rất nhanh và giản tiện.

Sau khi tạo hình sản phẩm, người ta đem phơi, sấy sản phẩm mộc trước khi đem vào lò nung. Sản phẩm mộc đã định hình cần đem "ủ vóc" và sửa hoàn chỉnh cắt, chắp nối các bộ phận của sản phẩm (như vòi ấm, quai tách...), khoan lỗ trên các sản phẩm, tỉa lại đường nét hoa văn và chuốt nước cho mịn mặt.

Tiếp đến, người thợ vẽ dùng bút lông vẽ trực tiếp trên nền mộc các hoa văn hoạ tiết sao cho hài hoà với dáng gốm, để sản phẩm gốm trở thành những tác phẩm nghệ thuật. Các hình thức trang trí khác như đánh chỉ, tạo men chảy, men màu hoặc hấp các đề can hoa văn in sẵn...

Công đoạn phủ men là một công đoạn khá đặc biệt để phân loại các dòng gốm. Nói về chất men, men tro là loại men đặc sắc của gốm Bát Tràng. Từ thế kỷ XV thợ gốm Bát Tràng đã chế tạo ra loại men lam nổi tiếng. Đến thế kỷ XVII người Bát Tràng dùng vôi sống, tro trấu và cao lanh có màu hồng nhạt điều chế thành một loại men mới là men rạn… Kỹ thuật tráng men có nhiều hình thức như: phun men, dội men lên bề mặt cốt gốm cỡ lớn, nhúng men đối với loại gốm nhỏ nhưng thông dụng nhất là hình thức láng men ngoài sản phẩm, gọi là "kìm men", và khó hơn cả là hình thức "quay men" (tráng men bên trong và bên ngoài sản phẩm cùng một lúc) và "đúc men" (tráng men trong lòng sản phẩm). Đây là những thủ pháp tráng men của thợ gốm Bát Tràng, là kỳ thuật, bí quyết nghề được bảo tồn qua nhiều thế hệ.

Khâu cuối cùng là việc đốt lò, đây là khâu quan trọng quyết định sự thành công hay thất bại của một mẻ gốm. Vì thế giờ phút nhóm lò trở nên thiêng liêng trọng đại với người thợ gốm. Người thợ cả cao tuổi nhất thắp ba nén hương và thành kính cầu mong trời đất và thần lửa phù giúp. Trước đây, ở Bát Tràng sử dụng các loại lò cổ như lò ếch, lò đàn và lò bầu để nung gốm. Ngày nay, xuất hiện các loại lò nung hiện đại, giảm thiểu tiêu hao nhiên liệu và hạn chế thấp nhất tình trạng ô nhiễm môi trường: Lò con thoi (hay lò gas), lò tuynen (lò hầm, lò liên tục): sử dụng nhiên liệu là khí ga hoặc dầu. Việc làm chủ ngọn lửa theo nguyên tắc nâng dần nhiệt độ để lò đạt tới nhiệt độ cao nhất và khi gốm chín thì lại hạ nhiệt độ từ từ chính là bí quyết thành công của khâu đốt lò.

Sau khi nung xong người ta bịt hết các cửa lò, lỗ giòi, lỗ xem lửa để làm nguội từ từ. Quá trình làm nguội trong lò kéo dài 2 ngày 2 đêm, sau đó mới mở cửa lò và để tiếp 1 ngày 1 đêm nữa rồi mới tiến hành ra lò, phân loại và sửa chữa các khuyết tật trước khi mang phân phối.

Gốm bát Tràng có nhiều kiểu dáng, chủng loại, kích thước, phân loại theo chức năng như sau: đồ thờ cúngcó lư hương, chân đèn, chân nến, phù hương, nậm rượu, chóe… Đồ gia dụng có bát, đĩa, ấm chén, vò, lọ, chậu… Gốm Bát Tràng được sản xuất bằng tay trên bàn xoay thủ công, kiểu be trạch do đó xương gốm dày. Sau này với kỹ thuật in trên khuôn gỗ và đổ dót vào khuôn thạch cao xương gốm được làm mỏng và nhẹ hơn. Với dòng men cổ như men lam, men nâu, men rạn đặc trưng cùng các họa tiết trang trí như: hoa, lá, hoa dây, chim muông phù hợp với từng loại sản phẩm. Dòng gốm cổ Bát Tràng được lưu giữ và trưng bày tại nhiều bảo tàng trong nước và quốc tế, được giới chơi đồ cổ sưu tập, sở hữu và rất có giá trên thị trường.

Từ sản xuất thủ công gốm sứ truyền thống, nhiều thế hệ nghệ nhân thợ giỏi được vinh danh. Thời Đông Dương thuộc Pháp có 05 cụ được phong danh hiệu “Nghệ nhân Đông Dương”. Đến nay toàn xã Bát Tràng có 18 nghệ nhân, nghệ nhân trẻ nhất là anh Phạm Anh Đạo. Gia đình anh hai thế hệ cha và con được UBND thành phố phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Hà Nội”. Đặc biệt, đến Bát Tràng chắc hẳn ai cũng biết đến nghệ nhân Trần Độ - đời thứ 18 của dòng họ Trần làm gốm ở Bát Tràng, được coi là  bậc phù thủy của Đất - Nước và Lửa - ba đại lượng trong phương trình của gốm, vua men gốm, một trong những tài hoa giữ hồn gốm cổ. 

Với tiềm năng làng nghề truyền thống tồn tại và phát triển liên tục nhiều trăm năm lịch sử, Làng gốm Bát Tràng ngày nay đã phát triển lên đỉnh cao mới. Gốm sứ Bát Tràng đã chiếm lĩnh được thị trường nội địa. Gốm sứ Bát Tràng đã xuất khẩu sang Châu Âu, Châu Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản. Hơn 50 công ty và 750 hộ gia đình với 2.900 nhân khẩu, trong đó có 1.600 người ở độ tuối lao động, 90% tham gia sản xuất và kinh doanh gốm sứ. Có doanh nghiệp một năm xuất khẩu doanh thu đạt 1 triệu USD.

lang-gom-bat-trang-6.jpg

Kinh tế phát triển, đời sống nhân dân làng nghề được cải thiện, Bát Tràng được nhà nước quan tâm định hướng phát triển kinh tế và hạ tầng xã hội. Nhân dân tích cực đóng góp xây dựng làng, xã. Các di tích kiến trúc được trùng tu, tôn tạo, Đình - Đền - Chùa - Văn Chỉ là di tích lịch sử được xếp hạng. Hai di tích cách mạng, di tích kháng chiến được gắn biển. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ ngày 20/02/1959, khi Người về thăm làng gốm Bát Tràng: “Làng Bát Tràng mới phải làm sao trở thành một trong những làng kiểu mẫu ở nước Việt Nam mới, nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Người dân quê gốm Bát Tràng đang nỗ lực thi đua phát huy truyền thống của nhiều thế hệ ông cha phấn đấu thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành hiện thực tại quê hương làng gốm.

Nguồn: Sở Du lịch Hà Nội

hướng dẫn bình chọn

Bước 1

Click chọn “Đăng Ký Bình Chọn”

Bước 2

Tìm kiếm đơn vị trên bộ lọc trang danh sách hoặc tìm theo từ khoá

Bước 3

Bình chọn cho đơn vị yêu thích bằng nút “Bình Chọn” tại trang chi tiết đơn vị

Bước 4

Hoàn thành bình chọn

Xem hướng dẫn chi tiết

ĐĂNG KÝ BÌNH CHỌN

Đăng ký qua Facebook