Điểm du lịch, khu du lịch

Điểm du lịch

3713/QĐ-UBND

Số quyết định: 3713/QĐ-UBND

Ngày cấp: 23-07-2018

QR Code

PDF

Giới thiệu

BẢO TÀNG LỊCH SỬ QUỐC GIA


28261040jixh-1.jpg

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia được thành lập năm 2011 trên cơ sở sáp nhập Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Tọa lạc tại trung tâm Thủ đô Hà Nội, trên phố Tràng Tiền và Trần Quang Khải, cách hồ Hoàn Kiếm khoảng 500m về phía đông, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã trở thành một trong những địa điểm văn hóa hấp dẫn trong quần thể các điểm du lịch được đông đảo công chúng trong và ngoài nước quan tâm lựa chọn trong chuyến tham quan, du lịch của mình.

Trên cơ sở kế thừa khối di sản của hai bảo tàng đã có bề dày hơn 50 năm phát triển, Bảo tàng hiện đang lưu giữ, bảo quản một khối lượng tài sản vô giá với trên 200.000 tài liệu, hiện vật phong phú về loại hình, đa dạng về chất liệu có niên đại kéo dài từ thời nguyên thủy đến ngày nay. Trong đó, gần 8.000 tài liệu, hiện vật, sưu tập hiện vật có giá trị, độc bản và quý hiếm, nhiều hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia được lựa chọn trưng bày trên tổng diện tích 3.700m2 tại hai địa điểm: số 1 Tràng Tiền (giới thiệu về lịch sử Việt Nam từ thời Tiền sử đến triều Nguyễn năm 1945) và số 216 Trần Quang Khải (giới thiệu về lịch sử Việt Nam từ giữa thế kỷ XIX đến nay).

Mỗi tài liệu, hiện vật, sưu tập hiện vật trưng bày đều là những di sản quý giá chứa đựng những thông điệp của quá khứ, những tinh hoa của nền văn hóa Việt Nam phong phú, đa dạng và giàu bản sắc. Tham quan Bảo tàng Lịch sử quốc gia, công chúng hiểu biết thêm về lịch sử văn hóa lâu đời và truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

1. Hệ thống trưng bày về lịch sử Việt từ thời Tiền sử đến triều Nguyễn năm 1945 (tại số 1 Tràng Tiền)

Tòa nhà tại số 1 Tràng Tiền do người Pháp xây dựng từ năm 1926, khánh thành năm 1932, mang tên Bảo tàng Louis Finot và được kiến trúc sư người Pháp Ernest Hébrard thiết kế như một tác phẩm nghệ thuật, một công trình kiến trúc đặc sắc với sự kết hợp hài hòa phong cách kiến trúc phương Đông với những nét đẹp kiến trúc phương Tây. Sau khi khánh thành, Bảo tàng trưng bày về nghệ thuật Phương Đông gồm các sưu tập hiện vật khảo cổ học, dân tộc học, mỹ thuật của Việt Nam và một số nước khu vực Châu Á. Năm 1958, Chính phủ chính thức tiếp quản công trình văn hoá này. Sau 5 tháng tiến hành chỉnh lý, chuyển đổi nội dung trưng bày từ bảo tàng nghệ thuật thành bảo tàng thuộc loại hình lịch sử xã hội. Ngày 03/9/1958, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam chính thức mở cửa đón khách tham quan với nội dung trưng bày giới thiệu về tiến trình lịch sử Việt Nam từ thời Tiền sử đến triều Nguyễn năm 1945. Hiện nay nội dung hệ thống trưng bày gồm:

1.1. Việt Nam thời Tiền sử (khoảng 400.000 - 300.000 năm đến khoảng 4.000 năm cách ngày nay).

Giới thiệu những dấu tích phản ánh sự xuất hiện sớm của con người trên đất nước Việt Nam và những di tích, di vật, văn hóa phản ánh hoạt động của con người từ Sơ kỳ thời đại đồ Đá cũ đến Hậu kỳ thời đại đồ Đá mới trên đất nước ta từ miền núi, trung du, đồng bằng, ven biển, hải đảo; sự giao lưu với những văn hóa trong khu vực để phát triển từng bước tạo tiền đề cơ sở vật chất quan trọng đưa Việt Nam bước sang thời đại mới thời kỳ dựng nước đầu tiên với những bản sắc riêng của mình.

- Thời đại đồ Đá cũ: những dấu tích đầu tiên của con người như: răng người vượn (Homo erectus, Homo sapiens, Home sapiens) và các di cốt hóa thạch động vật được phát hiện trong các hang động ở Lạng Sơn, Yên Bái, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nghệ An… và công cụ lao động được phát hiện ở Núi Đọ (Thanh Hóa) với đặc trưng là công cụ rìu tay; Đồi Thông (Hà Giang) và Sơn Vi (Phú Thọ) với đặc trưng là công cụ cuội; Mái đá Ngườm (Thái Nguyên) với đặc trưng là công cụ mảnh tước… đã phản ánh Việt Nam là một trong những cái nôi loài người xuất hiện và những hoạt động sinh sống đầu tiên của con người từ rất sớm.

- Thời đại đồ Đá mới: được đánh giá là một cuộc “cách mạng” với nhiều biến đổi sâu sắc về kinh tế, văn hoá, xã hội như: kỹ thuật chế tác đá phát triển đến đỉnh cao, đặc biệt là sự phát triển của kỹ thuật mài công cụ; đồ gốm phong phú về số lượng, kiểu dáng và loại hình; nghề thủ công xuất hiện; giao lưu trao đổi được mở rộng; nền nông nghiệp sơ khai kết hợp với săn bắt, đánh cá, và hái lượm; các tập tục mai táng, tín ngưỡng phong phú và đa dạng…đã phản ánh một bước tiến lớn trong cuộc sống của cư dân thời kỳ này.

1.2. Việt Nam thời dựng nước đầu tiên

Việt Nam là một trong những quốc gia ở Đông Nam Á sớm nắm được kỹ thuật luyện và đúc đồng, sắt. Vào khoảng giữa thiên niên kỷ I trước Công nguyên, trên đất nước Việt Nam đã hình thành 3 trung tâm văn hoá, văn minh lớn làm cơ sở vật chất, nền tảng cho 3 quốc gia cổ hình thành và phát triển rực rỡ vào những thế kỷ trước và sau công nguyên: văn hóa Đông Sơn - nhà nước Văn Lang, Âu Lạc; văn hóa Sa Huỳnh - Vương quốc Champa; văn hóa Đồng Nai, Óc Eo - Vương quốc Phù Nam.

- Văn hóa Tiền Đông Sơn (Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun): khoảng 4.000 - 2.500 năm cách ngày nay, phân bố chủ yếu vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ bao gồm:

- Văn hóa Phùng Nguyên được gọi theo tên di chỉ đầu tiên được phát hiện năm 1959, ở xã Kinh Kệ (huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ). Đây là nền văn hóa thuộc sơ kỳ thời đại Đồ đồng. Điểm độc đáo trong văn hóa Phùng Nguyên đó là hiện vật bằng đá rất phong phú về loại hình như: công cụ lao động, vũ khí, đồ trang sức... cho thấy kỹ thuật chế tác đá đã đạt đến đỉnh cao. Đặc biệt, đồ trang sức được chế tác bằng đá, đá Nephirite, đá ngọc... được sử dụng phổ biến. Đồ gốm làm bằng bàn xoay, thường trang trí hoa văn khắc vạch, hoa văn chấm dải. Đã phát hiện những mẩu xỉ đồng.

- Văn hóa Đồng Đậu được gọi theo tên di chỉ đầu tiên được phát hiện năm 1962, ở thôn Đồng Đậu (thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc). Văn hóa này là sự phát triển tiếp nối của văn hóa Phùng Nguyên. Công cụ đá có số lượng ít và không được trau truốt. Hiện vật bằng xương cũng được phát hiện trong nhiều di chỉ. Đồ gốm với nhiều loại hình và hoa văn phong phú như: hoa văn hình sóng nước, khuông nhạc, đường tròn đồng tâm,... Một số công cụ bằng đồng (mũi tên, lao,...) được phát hiện trong nhiều di tích, cho thấy tính ưu việt của đồ đồng tạo nên năng suất lao động cao hơn đã được cư dân Đồng Đậu dần sử dụng phổ biến hơn.

- Văn hóa Gò Mun được gọi theo tên di chỉ đầu tiên được phát hiện năm 1961, ở xã Tú Xã (huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ). Văn hóa Gò Mun được hình thành trên nền tảng văn hóa Đồng Đậu trước đó. Công cụ đá giảm dần về số lượng và kỹ thuật chế tác. Thay vào đó, số lượng công cụ đồng dần tăng cao như: lưỡi câu, mũi lao, giáo... cho thấy đồ đồng đã dần trở thành công cụ thiết yếu, quan trọng trong lao động sản xuất. Đồ gốm có tiến bộ vượt bậc, hoa văn trang trí phong phú như: hoa văn chấm cuống rạ, in chấm tròn... Với sự phát triển đồ đồng, cư dân Gò Mun đã từng bước chế ngự thiên nhiên, làm chủ vùng châu thổ sông Hồng, tạo nền tảng cho một nền văn hoá phát triển rực rỡ - văn hóa Đông Sơn.

- Văn hóa Đông Sơn được phát hiện năm 1924 ở bên bờ sông Mã thuộc xã Đông Sơn, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Đây cũng là một trong những văn hóa nổi tiếng ở khu vực Đông Nam Á, với nhiều sưu tập hiện vật đặc sắc như: công cụ sản xuất, đồ dùng sinh hoạt, vũ khí, nhạc khí... Đặc biệt, kĩ thuật đúc đồng đã đạt tới trình độ hoàn mỹ, trong đó trống đồng là loại hình di vật điển hình nhất, hội tụ đầy đủ những tri thức khoa học của thời đại cũng như tài năng và tâm hồn của người Việt cổ. Có niên đại khoảng 2.500 - 2.000 năm cách ngày nay, trống đồng Đông Sơn còn gọi là trống loại I theo phân loại của Heger (tên một học giả người Áo), được phân bố chủ yếu dọc theo những triền sông lớn ở đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, rải rác ở Nam Trung Bộ, Nam Bộ và còn có mặt ở một số nước Đông Nam Á. Trống là một loại nhạc khí dùng trong những nghi lễ như lễ hội cầu mưa, cầu mùa, tang ma, cưới xin, làm hiệu lệnh trong chiến trận... vừa là biểu tượng quyền lực thời các vua Hùng dựng nước. Đồ án hoa văn trang trí trên trống đồng Đông Sơn phong phú phản ánh sinh động đời sống vật chất, tinh thần của cư dân Đông Sơn. Hiện nay, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đang lưu giữ và trưng bày sưu tập trống đồng Đông Sơn với số lượng nhiều nhất và giá trị nhất trên cả nước. Trong sưu tập, có tới 2 hiện vật là Bảo vật quốc gia, đó là: trống Ngọc Lũ và trống Hoàng Hạ. Trống được coi là một chuẩn mực về sự kết hợp hài hòa những đặc trưng, phong cách nghệ thuật trang trí đồ đồng Đông Sơn. Trống đồng Đông Sơn đã hội tụ đầy đủ những tri thức khoa học của thời đại, cũng như tài năng và tâm hồn của người Việt cổ.

- Nhà nước Văn Lang, Âu Lạc: Cách ngày nay khoảng hơn 2.000 năm, trên cơ sở phát triển rực rỡ của Văn hóa Đông Sơn, Nhà nước đầu tiên trong lịch sử dân tộc đã hình thành, đó là Nhà nước Văn Lang của các vua Hùng, đóng đô ở Phong Châu (Việt Trì, Phú Thọ ngày nay) trên cơ sở hợp nhất của 15 bộ lạc. Những dấu ấn của buổi đầu dựng nước được phản ánh qua truyền thuyết, sử sách, các di tích lịch sử và đặc biệt là qua các tài liệu khảo cổ học, đó là toàn bộ di tích, di vật thuộc văn hóa Đông Sơn. Nhà nước Văn Lang được cha truyền con nối trải qua 18 đời. Đến khoảng cuối thế kỷ III TCN, nhà nước Văn Lang bắt đầu suy yếu, cùng lúc đó Thục Phán đã nổi lên ở bộ lạc Âu Việt đã sát nhập, thống nhất cư dân Âu Việt và Lạc Việt, lập ra quốc gia Âu Lạc, đóng đô ở Cổ Loa. Nhà nước Âu Lạc phát triển dựa trên nề tảng kinh tế - xã hội - văn hóa của Nhà nước Văn Lang.

- Văn hóa Sa Huỳnh: Cùng thời gian tồn tại với văn hóa Đông Sơn, văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung cũng là một trung tâm kim khí phát triển hưng thịnh. Các di tích thuộc văn hóa Sa Huỳnh được phân bố chủ yếu dọc các tỉnh miền Trung và Nam Trung Bộ từ Quảng Bình cho tới Đồng Nai và một số đảo như Lý Sơn, Côn Đảo, Thổ Chu. Đặc trưng thường gặp ở những di tích Sa Huỳnh là mộ chum được chôn thành bãi hay cụm, trong đó có chứa đồ tùy táng. Chủ nhân văn hóa Sa Huỳnh đã biết luyện sắt, chế tác đồ trang sức, làm gốm... Đặc biệt, khuyên tai hai đầu thú và khuyên tai ba mấu bằng đá và thủy tinh vô cùng tinh mỹ không chỉ được người Sa Huỳnh ưa chuộng mà còn được trao đổi sang nhiều vùng lân cận ở Đông Nam Á. Văn hóa Sa Huỳnh là nền tảng cho sự hình thành và phát triển của vương quốc Champa vào những thế kỷ đầu Công nguyên.

- Văn hóa Đồng Nai (Tiền Óc Eo): là tên gọi chung cho các di tích thuộc thời đại kim khí nằm trong vùng hạ lưu sông Đồng Nai. Các công cụ và vũ khí sắt được phát hiện ở các di tích thuộc văn hóa Đồng Nai chủ yếu được tìm thấy trong ngôi mộ vò với nhiều loại hình khác nhau. Chủ nhân văn hóa Đồng Nai đã biết luyện sắt, chế tác đồ trang sức, làm gốm... Đặc biệt là đồ trang sức bằng thuỷ tinh, đá quý và các đồ trang sức được chế tác tinh xảo bằng vàng đã phản ánh sự phát triển kinh tế, văn hóa, phong tục tập quán… sự giao lưu với những nền văn hóa xung quanh của văn hóa Đồng Nai.

1.3. Việt Nam 10 thế kỷ đầu sau Công nguyên (thế kỷ I-X)

Năm 111 TCN, nhà Hán khởi binh tiến đánh Nam Việt, nhà Triệu sụp đổ, nước ta bị đặt dưới ách đô hộ của các triều đại phong kiến phương Bắc. Chính sách xuyên suốt của thời kỳ này là chính sách đồng hóa văn hóa. Song sự hiện diện của sưu tập hiện vật mang nhiều yếu tố văn hóa Đông Sơn thời kỳ này như: trống đồng, đồ gốm, chuông Thanh Mai... đã thể hiện sức sống mãnh liệt của văn hóa Việt cũng như sự tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để phát triển văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó, sự nghiệp chống giặc ngoại xâm cũng được thể hiện ở các tư liệu hiện vật với các cuộc khởi nghĩa đã liên tiếp nổ ra: Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lí Bí, Mai Thúc Loan, Phùng Hưng,... Năm 938, với chiến thắng vang dội trên sông Bạch Đằng của Ngô Quyền, đã kết thúc một ngàn năm đô hộ của phong kiến phương Bắc, mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc.

- Triều Ngô - Đinh - Tiền Lê (938 - 1009): Năm 938, Ngô Quyền chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, mở ra kỷ nguyên độc lập trên đất nước ta. Triều Ngô, Đinh, Tiền Lê là thời kỳ mở đầu của chế độ phong kiến Việt Nam. Hệ thống chính quyền được củng cố lại, tuy còn đơn giản nhưng thể hiện rõ một bước tiến trong công cuộc xây dựng chính quyền độc lập tự chủ từ Trung ương tới địa phương. Các lĩnh vực quân sự, kinh tế, văn hóa.... cũng được củng cố, ổn định đặt nền móng cho một thời kỳ phát triển lâu dài của các triều đại phong kiến Việt Nam sau này. Bên cạnh công cuộc xây dựng đất nước,  những chiến công trong công cuộc dẹp thù trong, thắng giặc ngoài của Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn đã phản ánh sự khởi đầu vững chắc cho sự phát triển rực rỡ của nền văn minh Đại Việt sau này.

- Triều Lý - Trần (1009 - 1400): Triều Lý được bắt đầu từ khi vua Lý Thái Tổ lên ngôi tháng 10 âm lịch năm 1009 kết thúc năm 1225, trải qua 9 đời vua. Sau khi Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, triều Trần được lập nên bắt đầu năm 1225 kéo dài đến năm 1400, trải qua 13 đời vua. Lý - Trần là hai triều đại tồn tại dài nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam và phát triển hưng thịnh trên mọi lĩnh vực: quân sự, kinh tế, văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc… Trong đó, Phật giáo được coi trọng phát triển cực thịnh trở thành quốc giáo đồng thời trở thành đặc trưng văn hóa thời kỳ này. Đây còn là thời kỳ đặt nền móng cho hệ thống luật pháp, giáo dục khoa cử hình thành và phát triển. Công cuộc giữ nước của quân dân Đại Việt thời Lý - Trần được thể hiện qua chiến công vang dội của cuộc kháng chiến chống Tống (1077) và 3 lần đại thắng quân Nguyên - Mông (1257 - 1285 - 1288) và đã khắc sâu trong ký ức nhân dân ta và trở thành niềm tự hào lớn về truyền thống anh dũng chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

- Triều Hồ (1400 - 1407): Triều Hồ là một triều đại tồn tại ngắn ngủi trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Năm 1400, Hồ Quý Ly lên ngôi lập ra nhà Hồ, lấy niên hiệu Thánh Nguyên, đặt quốc hiệu Đại Ngu, đóng đô ở thành Tây Đô (Thanh Hóa). Thời Hồ tồn tại 7 năm, trải qua hai đời vua: Hồ Quý Lý và Hồ Hán Thương, song đã để lại những thành tựu nhất định với những chính sách cải cách về kinh tế, văn hóa, giáo dục... như: chính sách hạn điền, hạn nô, phát hành tiền giấy, đề cao Nho giáo, phát triển chữ Nôm, mở mang trường học... Đặc biệt, thời Hồ rất chú trọng phát triển quân sự. Di tích thành Tây Đô (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) được đánh giá là tòa thành độc đáo nhất Đông Nam Á và đã được Tổ chức Khoa học, Giáo dục, Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 2011.

- Triều Lê - Mạc - Lê Trung hưng (1428 - 1788) (thời Hậu Lê): Đây là thời kỳ lịch sử dài phát triển, trải qua các triều đại: Lê sơ (1428 - 1527), Mạc (1527 - 1592), Lê Trung hưng (1533 - 1788). Trong giai đoạn đầu triều Lê Sơ, những chủ trương, chính sách được ban hành kịp thời, hợp lòng dân đã đưa đất nước phát triển lên một tầm cao mới. Những biến đổi quan trọng về cải cách hành chính, tổ chức quân đội, hoàn thiện luật pháp, khuyến khích phát triển giáo dục khoa cử nho học, sáng tác văn học nghệ thuật, khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế… đặc biệt là kinh tế thương mại, ngoại thương tạo tiền đề cho các cảng thị sầm uất được hình thành phát triển như: Thăng Long - Kẻ Chợ, Phố Hiến, Hội An... đã đưa Đại Việt trở thành một trong những quốc gia hùng mạnh của khu vực Đông Nam Á thời kỳ này.

-  Triều Tây Sơn (1778 - 1802): Đây là một triều đại tồn tại ngắn ngủi với 3 đời vua: Nguyễn Nhạc (1778 - 1793), Nguyễn Huệ (1789 - 1792), Nguyễn Quang Toản (1792 - 1802). Với những cải cách về kinh tế (chính sách khuyến nông), văn hóa, giáo dục (chính sách khuyến học, đề cao chữ Nôm) đã giúp người dân bước đầu ổn định cuộc sống, phát triển đất nước sau thời gian dài loạn lạc. Những chiến công trong cuộc kháng chiến chống quân Xiêm (1785), quân Thanh (1789), thống nhất đất nước từ Bắc - Nam của Quang Trung Nguyễn Huệ đã để lại những dấu ấn lịch sử quan trọng trong tiến trình lịch sử Việt Nam.

- Triều Nguyễn (1802 - 1945): Triều Nguyễn là triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam bắt đầu từ năm 1802 và kết thúc năm 1945, gồm hai thời kỳ: thời kỳ độc lập (1802 - 1883) và thời kỳ thuộc Pháp (1883 - 1945). Trong thời kỳ độc lập, triều Nguyễn đã có nhiều chính sách củng cố phát triển đất nước như: cải cách về hệ thống chính quyền từ trung ương đến địa phương, chính sách phát triển kinh tế (khai hoang, lấn biển, phát triển thủy lợi...) đặc biệt là cải cách về hệ thống hành chính đã thống nhất từ Bắc - Nam mà đến nay chúng ta vẫn kế thừa và phát triển.

1.4. Trưng bày sưu tập

- Sưu tập hiện vật nghệ thuật đồng (đầu thế kỷ XX): Đây là những tác phẩm của sinh viên trường Mỹ thuật Đông Dương thời thuộc Pháp (nay là Đại học Mỹ Thuật Hà Nội). Với cảm nhận từ thực tiễn cuộc sống, những sinh viên đã tạo nên các tác phẩm nghệ thuật mang tính hiện thực cao như: cảnh người người nông dân đi cày, phụ nữ bế con, giặt quần áo, người đàn ông đi bắt cua, cá. Mỗi chi tiết, đường nét đều được thể hiện rất sinh động, chân thực thể hiện trang phục và các hoạt động trong đời sống sinh hoạt đời thường của người dân nước ta thời kỳ này. Với những giá trị ấy, đến nay, những tác phẩm này đã trở thành những hiện vật lịch sử có giá trị trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam.

- Sưu tập điêu khắc đá Champa (TK VII - TK XIII): Vương quốc Champa được hình thành trên cở sở phát triển của văn hóa Huỳnh cùng sự tiếp thu mạnh mẽ các văn hóa lớn (Ấn Độ, Trung Hoa, Đại Việt, Óc Eo - Phù Nam, vùng Đông Nam Á…). Vương quốc Champa tồn tại và phát triển liên tục từ năm 192 đến năm 1832 qua các tên gọi Lâm Ấp, Hoàn Vương, Chiêm Thành, Champa với cương vực kéo dài từ Quảng Bình đến Bình Thuận ngày nay. Trong lịch sử, vương quốc Champa phát triển rất phồn thịnh về kinh tế, văn hoá - xã hội. Cư dân Champa xưa đã để lại cho nhân loại những ngôi đền tháp đất nung độc đáo, những tác phẩm điêu khắc đá (tượng, phù điêu) tuyệt mỹ. Với hơn 50 tác phẩm nghệ thuật trong sưu tập gồm 2 nhóm: nhóm hiện vật có minh văn và nhóm tượng tròn, phù điêu... có niên đại từ thế kỷ VII đến thế kỷ XIII, đã phần nào phản ánh đời sống sinh hoạt, tôn giáo, tín ngưỡng của cư dân Champa trong lịch sử.

          - Văn hóa Óc Eo - Phù Nam (TK V TCN - TK XIII): Văn hóa Óc Eo hình thành và phát triển từ thế kỷ V TCN đến thế kỷ XIII, phân bố ở hạ lưu và châu thổ sông Mê Kông (khu vực Nam Bộ và Đông Nam Campuchia ngày nay). Văn hóa Óc Eo là nền tảng cơ sở vật chất của vương quốc Phù Nam cổ đại tồn tại từ thế kỷ I đến thế kỷ VII với địa bàn rộng lớn bao gồm: phía Nam Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar. Đặc biệt, với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế giao thương, buôn bán, sự giao lưu văn hóa mạnh mẽ với văn hóa Ấn Độ, Trung Quốc và các nước khu vực Đông Nam Á, Địa Trung Hải đã tạo tiền đề cho các thương cảng hình thành rất sớm (thương cảng Óc Eo) đưa vương quốc Phù Nam trở thành quốc gia phát triển hùng mạnh nhất vùng Đông Nam Á vào những thế kỷ đầu công nguyên. Những pho tượng Ấn Độ giáo, Phật giáo độc đáo; những sưu tập đồ trang sức bằng vàng, đá quý phong phú, tinh xảo… đã được công chúng trên thế giới quan tâm, biết tới từ rất sớm và trở thành những di sản văn hóa quý hiếm trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam.

1.5. Trưng bày ngoài trời

Cùng với hệ thống trưng bày thường trực và công trình kiến trúc cổ kính, trưng bày ngoài trời Bảo tàng Lịch sử quốc gia góp phần làm tổng thể không gian trưng bày bảo tàng sống động, hấp dẫn hơn. Trưng bày ngoài trời gồm 2 phần:

- Sưu tập hiện vật thể khối lớn có niên đại từ triều Lý đến triều Nguyễn (thế kỷ XI đến giữa thế kỷ XX).

- Sưu tập bia ký, điêu khắc đá Champa.

2. Hệ thống trưng bày về lịch sử Việt Nam từ giữa thế kỷ XIX đến ngày nay (tại 216 Trần Quang Khải)

Tòa nhà tại 216 Trần Quang Khải (Bảo tàng Cách mạng Việt Nam trước đây) được xây dựng năm 1917 là trụ sở của Sở Thương chính Đông Dương. Năm 1954, miền Bắc giải phóng, Hội đồng Chính phủ, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định cải tạo và chuyển đổi nơi này thành Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, trưng bày về lịch sử Việt Nam từ giữa thế kỷ XIX đến ngày nay. Sau 5 năm xây dựng nội dung, Bảo tàng chính thức khánh thành, mở cửa đón khách tham quan vào ngày 06/01/1959. Nội dung hệ thống trưng bày gồm:

2.1. Trưng bày thường xuyên:

- Cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam (1858-1945):      Giới thiệu những hiện vật, hình ảnh, tài liệu về cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam từ khi Thực dân Pháp nổ súng xâm lược năm 1858, kết thúc là thắng lợi của Cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân Việt Nam tháng Tám năm 1945.

          Theo tiến trình lịch sử, phần trưng bày giúp người xem thấy rõ những vấn đề chính: Quá trình thực dân Pháp xâm lược Việt Nam; Các phong trào yêu nước chống xâm lược của dân tộc Việt Nam theo các ý thức hệ phong kiến tiêu biểu như: khởi nghĩa Ba Đình (1886), Hương Khê (1885-1896), Yên Thế (1884 -1913) trong phong trào Cần Vương (1885 - 1896), theo ý thức hệ tư sản như: Phan Bội Châu và phong trào Đông Du (1905-1908); Phan Châu Trinh và phong trào Duy Tân; Nguyễn Thái Học và Việt Nam Quốc dân Đảng...; các phong trào đấu tranh của công nhân, phong trào yêu nước theo tư tưởng vô sản; Vai trò tổ chức và lãnh đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc: Phong trào cách mạng năm (1930- 1931) và Xô Viết - Nghệ Tĩnh; Phong trào Dân chủ (1936 - 1939); Phong trào Việt Minh (1941-1945) và Cao trào kháng Nhật cứu nước (3-8/1945); Sự đàn áp, khủng bố tàn bạo của chính quyền thống trị; Cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - một nhà nước độc lập, dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á, ngày 02/9/1945.

- 30 năm kháng chiến chống các thế lực xâm lược để bảo vệ độc lập và thống nhất đất nước 1945-1975 gồm:

+ Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954):         Sau Cách mạng tháng Tám, chính quyền nhân dân non trẻ phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách như: giặc đói, giặc dốt và nghiêm trọng hơn cả là giặc ngoại xâm. Đất nước bị các thế lực phản động bao vây, chống phá, vận mệnh của dân tộc lúc này như “ngàn cân treo sợi tóc”.

Để giữ vững nền độc lập dân tộc, với tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường, Đảng, Chính phủ đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bình tĩnh, sáng suốt đưa ra những quyết sách, từng bước tháo gỡ khó khăn: củng cố chính quyền nhân dân, trấn áp bọn phản động, thực hiện những sách lược ngoại giao linh hoạt, mềm dẻo, khôn khéo, tranh thủ “thêm bạn, bớt thù” để phân hóa, cô lập, tập trung vào kẻ thù chính, trực tiếp của dân tộc đó là thực dân Pháp.  

Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp nổ súng gây chiến ở Sài Gòn - tái chiếm xâm lược Việt Nam, từng bước mở rộng cuộc chiến ra miền Bắc và thủ đô Hà Nội. Tháng 12/1946, hưởng ứng lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tinh thần “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, với phương châm “Toàn dân, toàn diện, lâu dài và tự lực cánh sinh”, vừa kháng chiến vừa kiến quốc, toàn dân tộc Việt Nam đã bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm (1946 - 1954) chống thực dân Pháp: từ những ngày đầu kháng chiến với tinh thần Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh của quân dân Hà Nội, qua chiến thắng Việt Bắc (Thu - Đông 1947) đến Biên Giới 1950 và kết thúc bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 07/5/1954.

Phần trưng bày này còn giới thiệu nhiều tư liệu, hiện vật về các chủ trương, chính sách của Đảng; xây dựng đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng hậu phương trong kháng chiến...

+ Cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1955-1975): Hiệp định Giơnevơ ký kết 21/7/1954, chính quyền Ngô Đình Diệm đã không thi hành những điều khoản ghi trong Hiệp định và từ đây đất nước tạm thời bị chia làm 2 miền với hai chế độ khác nhau: miền Bắc hoàn toàn giải phóng, đi lên CNXH, miền Nam bị đế quốc Mỹ và các lực lượng tay sai thống trị.

Các tài liệu, hiện vật được trưng bày giới thiệu về các nội dung chính: miền Bắc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế và cải tạo xã hội chủ nghĩa, xây dựng CNXH, lao động sản xuất làm nghĩa vụ hậu phương lớn chi viện cho miền Nam đồng thời chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ; miền Nam tiếp tục sự nghiệp đấu tranh, lần lượt làm thất bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ và tay sai, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, thống nhất đất nước.

Với quyết tâm bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết một lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam, khắc phục khó khăn, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác: từ Đồng khởi Bến Tre đến Ấp Bắc, Vạn Tường, Tết Mậu Thân 1968, Điện Biên Phủ trên không 1972 đến đại thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Phần trưng bày cũng giới thiệu sưu tập hiện vật Nhân dân thế giới ủng hộ nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ; các hiện vật về cuộc sống, lao động, làm việc, xây dựng cơ sở vật chất trong thời chiến và chuẩn bị những điều kiện cho sự phát triển đất nước sau chiến tranh.

- Việt Nam trên con đường xây dựng dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh từ năm 1976 đến nay: Kết hợp giới thiệu nội dung khái quát về lịch sử với trưng bày sưu tập và sử dụng các hiện vật, hình ảnh, tài liệu và mô hình tĩnh, giới thiệu khái quát lịch sử 25 năm sau chiến tranh gồm: Tổ quốc thống nhất; các thành quả lao động của nhân dân; vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong xây dựng đất nước; sự phát triển về kinh tế - văn hóa - xã hội; sự ổn định vững mạnh về chính trị thời kỳ đổi mới, phát triển đất nước.

2.2. Trưng bày sưu tập: Tặng phẩm của nhân dân Việt Nam, nhân dân thế giới tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam

Phần trưng bày giới thiệu hơn 100 hiện vật nguyên gốc là tặng phẩm của nhân dân Việt Nam, nhân dân thế giới tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam. Những tặng phẩm thể hiện tình cảm kính trọng, biết ơn, sự gắn bó, niềm tin tuyệt đối của nhân dân Việt Nam vào sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng thời thể hiện tình đoàn kết, sự ủng hộ to lớn của bạn bè thế giới dành cho Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam.

          Bên cạnh đó, thông qua các hiện vật, người xem có thể hiểu biết thêm về trình độ kinh tế qua các thời kỳ, đặc điểm địa lý, bản sắc văn hóa của các vùng, miền trong toàn quốc.

Nguồn: Sở Du lịch Hà Nội 

hướng dẫn bình chọn

Bước 1

Click chọn “Đăng Ký Bình Chọn”

Bước 2

Tìm kiếm đơn vị trên bộ lọc trang danh sách hoặc tìm theo từ khoá

Bước 3

Bình chọn cho đơn vị yêu thích bằng nút “Bình Chọn” tại trang chi tiết đơn vị

Bước 4

Hoàn thành bình chọn

Xem hướng dẫn chi tiết

ĐĂNG KÝ BÌNH CHỌN

Đăng ký qua Facebook