Điểm du lịch, khu du lịch

-1 Lượt bình chọn

Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam

Số 28A Điện Biên Phủ, Ba Đình, Hà Nội (Xem bản đồ)

Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam

024.6.2531367

http://btlsqsvn.org.vn/

Trangtin.btlsqsvn@gmail.com

Bình chọn

Điểm du lịch

3712/QĐ-UBND

Số quyết định: 3712/QĐ-UBND

Ngày cấp: 23-07-2018

QR Code

PDF

Giới thiệu

BẢO TÀNG LỊCH SỬ QUÂN SỰ VIỆT NAM

bao-tang-lich-su-quan-su-viet-nam.jpg

Khuôn viên Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là một trong 6 bảo tàng quốc gia và là bảo tàng đầu hệ của hệ thống bảo tàng Quân đội, được thành lập ngày 17/7/1956, địa chỉ tại số 28A đường Điện Biên Phủ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Bảo tàng hiện đang trưng bày và lưu giữ hàng vạn hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý, đặc biệt là 04 Bảo vật Quốc gia, gồm: Máy bay MIG 21 số 4324, Máy bay MIG 21 số hiệu 5121, Tấm Bản đồ Quyết tâm chiến dịch Hồ Chí Minh, Xe tăng T54B số hiệu 843.


Trải qua hơn 60 năm xây dựng và trưởng thành dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Thủ trưởng Tổng cục Chính trị, Bảo tàng LSQS Việt Nam từng bước phát triển cả về cơ cấu tổ chức cũng như chức năng, nhiệm vụ làm tốt vai trò của một thiết chế văn hoá, một bộ phận quan trọng trong hệ thống bộ máy tổ chức hoạt động công tác đảng, công tác chính trị của QĐND Việt Nam.


Thực hiện sắc lệnh số 65/SL-TN, ngày 23/11/1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Về bảo tồn di sản văn hóa”, ngay trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chú trọng thu thập, lưu giữ các tài liệu, hình ảnh, hiện vật phản ánh cuộc kháng chiến của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhằm phục vụ sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc. Trên cơ sở đó, cuối năm 1954, Tổng Quân ủy đã có chủ trương xây dựng Bảo tàng Quân đội.


Lúc mới thành lập, Ban xây dựng Bảo tàng Quân đội có 13 người với nhiệm vụ “Nghiên cứu sưu tầm các tài liệu hiện vật, di tích lịch sử thuộc về quân đội; tiến hành thu thập, sắp xếp các tài liệu, hiện vật cho có hệ thống; tổ chức bảo quản các tài liệu hiện vật lịch sử, đồng thời liên hệ với các địa phương để hướng dẫn bảo quản những di tích lịch sử của quân đội ở địa phương; nghiên cứu kế hoạch và thực hiện trình bày, tổ chức nên Bảo tàng Quân đội”.

bac-ho-tham-bao-tang.jpgChủ tịch Hồ Chí Minh duyệt nội dung trưng bày Bảo tàng Quân đội, năm 1959

tt-pham-van-dong-tham-bao-tang1.jpg

Thủ tướng Phạm Văn Đồng dự Lễ khánh thành Bảo tàng Quân đội, năm 1959

dt-vo-nguyen-giap-tham-bao-tang.jpgĐại tướng Võ Nguyên Giáp và Chủ tịch Cuba Fidel Castro tham quan Bảo tàng Quân đội, năm 1973

Ngay sau khi thành lập, Ban Xây dựng Bảo tàng Quân đội bắt tay vào soạn thảo các văn bản về công tác bảo tồn, bảo tàng giúp TCCT chỉ đạo toàn quân sưu tầm tài liệu, hiện vật vừa để xây dựng phòng truyền thống của đơn vị, vừa đóng góp hiện vật cho Bảo tàng Quân đội. Với tinh thần làm việc khẩn trương, được sự chỉ đạo sát sao của Thủ trưởng TCCT, sau hơn 3 năm tiến hành xây dựng và trưng bày, ngày 21/12/1959, nhân kỷ niệm 15 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam (22/(12/1944 - 22/12/1959), Bảo tàng chính thức mở cửa phục vụ khách tham quan. Tới duyệt nội dung trưng bày bảo tàng trước khi mở cửa đón khách tham quan, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Bảo tàng Quân đội là một cuốn sử sống có tác dụng rất to lớn đến việc giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta cho người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ. Bảo tàng Quân đội còn giúp khách nước ngoài hiểu rõ về Việt Nam ta, về cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta. Vì vậy, Bảo tàng phải tạo điều kiện tốt nhất để cho khách đến  tham quan”.
 
Ghi sổ vàng lưu niệm khi tới dự Lễ khánh thành Bảo tàng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết: “Bảo tàng Quân đội nhắc lại lịch sử vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam ta, bảo tàng Quân đội là một trường học và là nguồn phấn khởi đối với người xem, đối với nhân dân ta và Quân đội ta”.
 
Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng và khai trương bảo tàng, Ban Xây dựng Bảo tàng Quân đội chuyển thành Phòng Bảo tàng quân đội trực thuộc Cục Tuyên huấn/TCCT với nhiệm vụ “Đón tiếp, hướng dẫn khách tham quan, bảo vệ, bảo quản hiện vật, kho tàng, tu bổ sửa chữa nhỏ hệ thống trưng bày”.
 
Sau gần 5 năm mở cửa đón khách tham quan, ngày 15/5/1964, TCCT ra Quyết định nâng cấp Phòng Bảo tàng Quân đội thành Viện Bảo tàng Quân đội trực thuộc TCCT. Viện có nhiệm vụ: Nghiên cứu, sưu tầm hiện vật và tuyên truyền giáo dục truyền thống quân đội; thực hiện công tác nghiên cứu khoa học; giúp TCCT chỉ đạo hoạt động bảo tàng, nhà truyền thống toàn quân. Đây là một bước ngoặt đánh dấu sự trưởng thành của Bảo tàng Quân đội, nâng vị thế bảo tàng lên một tầm cao mới.
 

Lúc này, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước diễn ra ngày càng ác liệt, không chỉ ở chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ đã leo thang ra cả miền Bắc. Vì vậy, tổ chức biên chế, chức năng nhiệm vụ và hoạt động của Viện Bảo tàng Quân đội cũng có điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện cả nước có chiến tranh. Nhiều cán bộ Viện Bảo tàng Quân đội đã trực tiếp dấn thân vào cuộc chiến đấu, theo sát bộ đội trên các chiến trường để sưu tầm hiện vật, có đồng chí đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ như liệt sĩ Dương Quang Chính. Trong 10 năm, từ 1965 đến năm 1975, bảo tàng đã phục vụ tham quan cho gần 2 triệu khách trong và ngoài nước thuộc hơn 80 quốc gia trên thế giới.

arvn-cot-co-ha-noi.jpgBảo tàng lịch sử quân sự từ trên cao
 
Sau khi đất nước thống nhất, cùng với sự hồi sinh, phát triển của đất nước, của quân đội, Viện Bảo tàng Quân đội cũng có bước trưởng thành mới. Năm 1987, Phân viện Điện Biên Phủ trên cơ sở tiếp nhận Khu di tích Điện Biên Phủ được thành lập. Năm 1988, sáp nhập Xưởng Mỹ thuật Quân đội vào Bảo tàng. Tháng 7/1994, Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) công nhận Viện Bảo tàng Quân đội là Bảo tàng cấp Quốc gia. Cơ cấu tổ chức của Viện được điều chỉnh cho phù hợp với chức năng nhiệm vụ mới.
 
Đến ngày 4/12/2002, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định số 1155/QĐ-TTg đổi tên Viện Bảo tàng Quân đội thành Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Với việc đổi tên, vai trò, chức năng, nhiệm vụ cũng như vị thế của Bảo tàng được nâng lên ngang tầm với các bảo tàng quốc gia; quy mô, phạm vi trưng bày được mở rộng. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Tổng cục Chính trị, sự giúp đỡ của các đơn vị trong toàn quân cùng sự nỗ lực, cố gắng của các cán bộ, nhân viên bảo tàng. Hơn 60 năm qua, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã hoạt động xứng đáng với tầm vóc của một thiết chế văn hóa của xã hội, một bộ phận quan trọng trong hệ thống công tác đảng, công tác chính trị của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam trở thành một trong 6 bảo tàng quốc gia và là bảo tàng đầu hệ của hệ thống bảo tàng quân đội, hàng năm tiếp đón và phục vụ hàng chục vạn lượt khách trong và ngoài nước tới tham quan, học tập.
 
Với những kết quả đạt được, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Quân công hạng Hai (1984), Huân chương chiến công hạng Nhất (1970), Huân chương chiến công hạng Hai (1961), 2 Huân chương chiến công hạng Ba (1985, 2004), Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì (2010), Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất (2015). Bảo tàng còn được Nhà nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào tặng Huân chương Lao động hạng Ba (2005), Huân chương Anh dũng hạng Hai (2008), được Bộ văn hóa – Thể thao và Du lịch tặng Cờ (năm 2015). Ngày 15/7/2016, tại Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (17/7/1956 - 17/7/2016), Bảo tàng vinh dự đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất. Đây là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước, Quân đội đối với biết bao thế hệ cán bộ, nhân viên của Bảo tàng, với lòng say mê nghề nghiệp, sự trân trọng đối với lịch sử, không tiếc mồ hôi, công sức và cả xương máu, vừa làm vừa học, từng bước xây những viên gạch đầu tiên cho truyền thống đoàn kết, chủ động, kiên trì, sáng tạo của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
 
bao-tang-nhan-huan-chuong-1080.jpg
 
Trong xu thế thế đổi mới ngày nay, nhiệm vụ của Bảo tàng LSQS Việt Nam hết sức nặng nề. Bảo tàng vừa phải tiếp tục củng cố nâng cấp hệ thống trưng bày tại Cột Cờ phục vụ khách tham quan, vừa từng bước triển khai thực hiện Dự án xây dựng Bảo tàng LSQS Việt Nam mới với quy mô lớn theo hướng hiện đại như chủ trương của Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng: “Bảo tàng LSQS Việt Nam là một thiết chế đa năng tổng hợp, đặc biệt quan trọng, tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội và Quốc gia, phản ánh toàn diện, sâu sắc, có hệ thống, đa dạng, phong phú hài hòa và hấp dẫn LSQS Việt Nam qua các thời đại”.
 
Để làm được việc này, cán bộ, chiến sĩ, nhân viên Bảo tàng LSQS Việt Nam phải nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa, không ngừng rèn luyện, học tập nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức, hoàn thành tốt nhiệm vụ, chức trách được giao. Xứng đáng là Bảo tàng đầu hệ của hệ thống Bảo tàng Quân đội và là một trong 6 bảo tàng Quốc gia.
 
Nguồn: Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam

hướng dẫn bình chọn

Bước 1

Click chọn “Đăng Ký Bình Chọn”

Bước 2

Tìm kiếm đơn vị trên bộ lọc trang danh sách hoặc tìm theo từ khoá

Bước 3

Bình chọn cho đơn vị yêu thích bằng nút “Bình Chọn” tại trang chi tiết đơn vị

Bước 4

Hoàn thành bình chọn

Xem hướng dẫn chi tiết

ĐĂNG KÝ BÌNH CHỌN

Đăng ký qua Facebook