Các họa sĩ “nông dân” Cổ Đô (huyện Ba Vì) nóng lòng thực hiện dự án “Con đường bích họa”. Ảnh: Quốc Ân
Nhiều năm nay, đất Cổ Đô nức tiếng vì niềm đam mê vẽ tranh của người dân địa phương. Hiếm có nơi nào như ở đây khi có tới hai bảo tàng mỹ thuật, trong đó có Bảo tàng Mỹ thuật xã Cổ Đô và Bảo tàng Sĩ Tốt và gia đình. Đó là chưa kể hàng trăm phòng tranh tại gia của các họa sĩ trong xã. Họ làm nhiều nghề, từ họa sĩ tự do, giáo viên mỹ thuật đến nghề nông… Mặc dù làm nhiều nghề, nhưng đam mê hội họa đã đưa họ đến với nhau, dần hình thành thương hiệu “Làng họa sĩ Cổ Đô” có một không hai ở Hà Nội.

Câu chuyện phong trào vẽ tranh ở Cổ Đô phát triển từ khi họa sĩ nổi tiếng Sĩ Tốt truyền cảm hứng và kỹ thuật vẽ cho người dân địa phương. Câu chuyện đó đã được nhắc đến nhiều nhưng không phải ai cũng biết mơ ước tạo nên “Con đường bích họa” ở Cổ Đô của các họa sĩ. Hà Nội và cả nước có không ít đoạn đường, bức tường bích họa nhưng đất Cổ Đô, vốn nổi tiếng về niềm đam mê vẽ tranh, lại chưa tạo được một “điểm nhấn bích họa” ngoài những bảo tàng và phòng tranh. Đó là điều đáng tiếc.

Ước mơ và hiện thực chưa gặp nhau cũng chỉ vì thiếu kinh phí. Người dân ở đây thừa đam mê nhưng nguồn lực kinh tế có hạn. Ngay như việc duy trì hoạt động của Bảo tàng Mỹ thuật xã Cổ Đô cũng không đơn giản. Hằng năm, mỗi hội viên đóng góp 200 nghìn đồng để chi cho đủ thứ việc, từ tiền điện, nước đến mua vật phẩm để tổ chức các lớp dạy vẽ cho trẻ em trong xã và vùng lân cận… Ngoài ra, họ cũng phải dành dụm tiền để theo đuổi đam mê vẽ tranh của mỗi cá nhân… Đồng lương giáo viên, thu nhập từ đồng áng hay nghề tự do khác không rủng rỉnh nên họ chỉ nghĩ đến mà chưa thể thực hiện giấc mơ tạo nên “Con đường bích họa” trong xã.

Gần đây, khi về khảo sát điều kiện phát triển du lịch tại Cổ Đô, Sở Du lịch Hà Nội và các doanh nghiệp lữ hành đều cho rằng, sự phát triển của phong trào hội họa là một lợi thế lớn của địa phương, tạo nên sự khác biệt so với nhiều nơi khác. Đã có nhiều ý tưởng được các doanh nghiệp lữ hành đưa ra sau những chuyến khảo sát Cổ Đô. 

Trong những ý tưởng đó, việc lấy Bảo tàng Mỹ thuật xã Cổ Đô, Bảo tàng Sĩ Tốt và gia đình, các phòng tranh trong xã và cả những hoạt động trải nghiệm về vẽ tranh kết hợp với thưởng thức ẩm thực địa phương luôn mang ý nghĩa điểm nhấn trong hành trình tới đây. Và, đương nhiên, để thu hút và gây ấn tượng với khách du lịch thì không thể thiếu một “Con đường bích họa” nhằm tôn vinh niềm đam mê hội họa của người dân địa phương cũng như nét đẹp riêng của vùng đất Cổ Đô. 

Trong chuyến khảo sát gần đây nhất của Sở Du lịch Hà Nội, ý tưởng tạo nên “Con đường bích họa” đã hình thành rõ nét hơn. Đoàn khảo sát đã xác định được tuyến đường để tạo nên “Con đường bích họa”. Đã có doanh nghiệp nhận hỗ trợ toàn bộ vật phẩm để các họa sĩ thi công “Con đường bích họa”. Phần việc chính là thi công con đường, nội dung những bức tranh tường sẽ do các họa sĩ ở Cổ Đô chịu trách nhiệm. 

Bà Nguyễn Thị Minh Hạnh, Chánh Văn phòng Sở Du lịch Hà Nội nói: “Con đường bích họa này chỉ có ý nghĩa nếu được chính các họa sĩ Cổ Đô thi công, gửi gắm tình yêu hội họa cũng như tình yêu quê hương vào đó. Còn nếu để người nơi khác thực hiện thì công trình sẽ kém giá trị”.

Đem câu chuyện này kể với các họa sĩ ở Cổ Đô, tất cả đều đồng tình chia sẻ. Theo lão nông – họa sĩ Đào Xuân Quang, chỉ cần chính quyền xã kêu gọi là các họa sĩ sẽ tự nguyện chung tay góp sức, đơn giản vì đó là ước mơ bấy lâu của họ, chỉ vì thiếu kinh phí mà chưa thể thực hiện. Giờ đã có doanh nghiệp hỗ trợ vật phẩm và các dụng cụ khác, họ sẽ toàn tâm, toàn ý gửi gắm tình yêu hội họa và quê hương vào những bức bích họa trên con đường làng.

Có thể, đến cuối năm nay hoặc đầu năm sau, diện mạo của những con đường ở Cổ Đô sẽ đẹp, ấn tượng hơn nhờ những họa sĩ trong xã và cả những đơn vị, cá nhân muốn đóng góp vào sự phát triển du lịch tại đây. Hiện các họa sĩ ở Cổ Đô đang nóng lòng chờ đến ngày được thi công “Con đường bích họa” ngay trên chính mảnh đất luôn khiến họ tự hào về tình yêu hội họa.